Đà Lạt, nhiều công trình “khát vốn” đầu tư

09:03, 01/03/2013

(LĐ online) - Chỉ có 3 công trình phúc lợi dân sinh trên địa bàn TP Đà Lạt được ưu tiên đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ, cả 3 đều đang thi công dở dang vì thiếu vốn và có nguy cơ gây lãng phí cao… 

(LĐ online) - Chỉ có 3 công trình phúc lợi dân sinh trên địa bàn TP Đà Lạt được ưu tiên đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ thì cả 3 đều đang thi công dở dang vì thiếu vốn và có nguy cơ gây lãng phí cao… 

Công trình ký túc xá sinh viên hiện đại này cũng đang chờ vốn để hoàn thiện đưa vào sử dụng
Công trình ký túc xá sinh viên hiện đại này cũng đang chờ vốn để hoàn thiện đưa vào sử dụng

Bước sang ngày làm việc thứ hai về chương trình giám sát Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) giai đoạn 2006-2012 của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ngày 28/2, Đoàn ĐBQH khoá XIII đơn vị tỉnh Lâm Đồng, do đồng chí Nguyễn Bá Thuyền – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn tiếp tục thực hiện đợt giám sát thực tế các công trình đầu tư công và vốn TPCP trên địa bàn TP Đà Lạt.

Theo báo cáo của UBND TP Đà Lạt, giai đoạn 2006 – 2012, trên địa bàn có 3 dự án được đầu tư từ nguồn TPCP. Ngoài dự án sửa chữa, nâng cấp hồ Mê Linh (P9, TP Đà Lạt), được UBND tỉnh giao cho Ban Quản lý Dự án Quảng trường TP Đà Lạt làm chủ đầu tư, 2 dự án còn lại là công trình Bệnh viện nhi Lâm Đồng và khu Ký túc xá sinh viên (P7, TP Đà Lạt) là do Sở Xây dựng và Ban Quản lý Dự án Bệnh viện nhi làm chủ đầu tư, thành phố chỉ phối hợp thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Cũng theo báo cáo, hiện những công trình này đều chậm tiến độ, nguyên nhân một phần là do thời tiết khí hậu, phần do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chậm, nhưng cái chính là nguồn vốn bố trí hàng năm thiếu, không đủ để thanh toán khối lượng công trình hoàn thành nên việc đôn đốc đơn vị thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ công trình là rất khó khăn.

Thực tế giám sát tại công trình trên, nhất là tại dự án xây dựng Bệnh viện nhi Lâm Đồng (P7, TP Đà Lạt), cho thấy nguy cơ lãng phí cao vì nguồn vốn đầu tư nhỏ giọt. Công trình Bệnh viện nhi sau 3 năm kể từ ngày khởi công đến nay vẫn còn đang ngổn ngang sắt thép, vật liệu xây dựng. Điều đáng nói là công trình này mới xây dựng được phần móng thì phải tạm ngưng vì thiếu vốn, khiến nhiều hạng mục có nguy cơ không đảm bảo chất lượng do phơi nắng, phơi mưa.

Ôg Lê Thọ - Giám đốc Bệnh viện nhi Lâm Đồng, giải trình với Đoàn giám sát, Dự án Bệnh viện nhi Lâm Đồng có tổng vốn đầu tư theo quyết định phê duyệt ban đầu là trên 245 tỷ đồng từ nguồn TPCP, công trình được khởi công từ năm 2009, nhưng đến nay mới chỉ cơ bản hoàn thành gói thầu số 1, gồm các hạng mục sang bạt mặt bằng, kè chắn đất, cổng hàng rào, nhà bảo vệ… Còn gói thầu số 2, gồm những hạng mục công trình xây dựng khu cấp cứu, đông y, phục hồi chức năng; khu khám bệnh, điều trị ban ngày; khu nội soi, xét nghiệm, chuẩn đoán hình ảnh; khu mổ, hồi sức, một phần hành lang, thang máy…, với tổng giá trị trên 54 tỷ đồng. Gói thầu này do Công ty CP Sông Đà – Thăng Long thi công vào năm 2010, nhưng vì nguồn vốn được bố trí chỉ có 8/54 tỷ đồng nên đơn vị thi công chỉ thực hiện khối lượng công trình đạt giá trị khoảng 9 tỷ đồng rồi đơn phương ngưng thi công để chờ vốn. Trước thực tế trên, UBND tỉnh cho phép chủ đầu tư thanh lý hợp đồng với Công ty Sông Đà - Thăng Long, tổ chức đấu thầu lại để lựa chọn nhà thầu thi công. Để làm việc này, chủ đầu tư phải lập lại dự toán và do trượt giá nên gói thầu này tăng thêm 20 tỷ đồng. Trong khi tính đến hết năm 2012, nguồn vốn TPCP mới bố trí cho công trình được trên 44 tỷ đồng, và kế hoạch năm 2013 sẽ bố trí chỉ có 5 tỷ đồng. Trong khi đến nay vẫn chưa thể bố trí tái định cư cho các hộ dân trong vùng dự án vì chưa thể triển khai được nên đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, trong đó chung quy là thiếu vốn.

Không chỉ có công trình Bệnh viện nhi, dự án nâng cấp cải tạo hồ Mê Linh cũng đang “khát vốn”. Đặc biệt là dự án Khu ký túc xá sinh viên với 17 lốc nhà, đáp ứng chỗ ở cho 14.000 sinh viên, có tổng vốn đầu tư được phê duyệt ban đầu từ nguồn TPCP là trên 1.081 tỷ đồng, chủ đầu tư đã triển khai gói thầu gồm 3 khối nhà 13 tầng và 1 hầm. Hiện nay đã thi công xong khối nhà B1 và B3, riêng lốc B2 đang thi công dở dang thì dừng lại vì nguồn vốn bố trí chưa đủ. Trong khi tiền đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, khu tái định cư cho các hộ trong vùng dự án cũng chưa được phân bổ nên công trình đang dậm chân tại chỗ.

Sau khi giám sát thực tế các công trình đầu tư từ nguồn vốn TPCP trên địa bàn Đà Lạt, mặc dù chưa có kết luận, nhưng theo Phó Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Nguyễn Bá Thuyền, các công trình trên địa bàn TP Đà Lạt đã được đầu tư từ nguồn TPCP đều là những công trình hết sức bức xúc. Công trình hồ Mê Linh dùng để tưới tiêu cho sản xuất, còn công trình Bệnh viện nhi cũng rất cần vì khoa nhi của Bệnh viện tỉnh đã quá tải, ngay cả công trình ký túc xá sinh viên cũng vậy. Chúng ta đang đào tạo nguồn nhân lực, nhân tài cho xã hội nhưng các cháu sinh viên lại ở trọ nhiều nơi rất phức tạp, nên việc xây dựng một trung tâm ký túc xá tập trung cho sinh viên là hết sức cần thiết, tuy nhiên nguồn vốn đầu tư cho các công trình trên đang rất khó khăn. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn mà trực tiếp là công trình thì cần phải tiếp tục đầu tư, nếu cứ kéo dài chương trình đầu tư như Bệnh viện nhi Lâm Đồng chỉ mới xây được một tí móng rồi bỏ đó thì còn gây lãng phí nhiều.

Thuỵ Trang