Đảm bảo an ninh trật tự trường học ở Đơn Dương

03:03, 20/03/2013

Với khoảng 28 nghìn học sinh của 56 trường học và cơ sở giáo dục trên địa bàn, việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông cho các trường học luôn được các ngành chức năng Đơn Dương chú trọng.

Với khoảng 28 nghìn học sinh của 56 trường học và cơ sở giáo dục trên địa bàn, việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông cho các trường học luôn được các ngành chức năng Đơn Dương chú trọng.

Đơn Dương hiện có 5 trường trung học phổ thông, 1 trường dân tộc nội trú, 1 trung tâm kỹ thuật dạy nghề, 1 trung tâm giáo dục hướng nghiệp, 11 trường trung học cơ sở, 22 trường tiểu học và 14 trường mầm non với khoảng 28 nghìn học sinh. Đa số các trường học hiện nay nằm trên các trục lộ chính của huyện trong đó có quốc lộ 27 chạy ngang qua. Hằng ngày, một lượng lớn học sinh đổ ra đường trong giờ đi học, giờ tan lớp cộng với phụ huynh đưa đón đã tạo áp lực cho các ngành chức năng trong việc đảm bảo an toàn giao thông.

Giờ tan trường của THCS Thạnh Mỹ - Đơn Dương
Giờ tan trường của THCS Thạnh Mỹ - Đơn Dương


Theo Công an Đơn Dương, công tác đảm bảo an ninh trật tự trường học, phòng chống ma tuý, bạo lực học đường và an toàn giao thông học sinh trên địa bàn lâu nay nhìn chung khá ổn. Tuy nhiên, vẫn có một số vấn đề đáng quan tâm như tình trạng học sinh bỏ học (toàn huyện trong năm học 2011- 2012 vừa qua có 328 học sinh bỏ học), tụ tập thành các băng nhóm gây rối, đánh nhau, gây thương tích, gây rối trật tự nơi công cộng, sử dụng trái phép chất gây nghiện, ma tuý và nổi cộm nhất là vi phạm trật tự an toàn giao thông với 268 trường hợp trong năm học vừa qua.

Nhiều nguyên nhân được chỉ ra, nhưng theo Công an Đơn Dương, vẫn còn không ít trường học trên địa bàn chưa kiểm soát được tình trạng học sinh bỏ học, trốn học đi chơi, vi phạm pháp luật. Việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong trường học chưa đồng bộ, chưa tạo ra các sân chơi lành mạnh thu hút học sinh vào các hoạt động tích cực trong những giờ ngoại khoá. Nhiều gia đình phụ huynh còn ỷ lại vào nhà trường, thiếu quan tâm, buông lỏng việc quản lý giáo dục con em mình. Có không ít những trường hợp học sinh vi phạm pháp luật khi tìm hiểu mới biết, trong nhà người lớn chưa làm gương cho con cháu, nuông chiều, thậm chí bao che, dung túng cho những hành vi vi phạm.

Nhằm phòng ngừa tệ nạn xâm nhập, phòng chống ma tuý, bạo lực, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông học đường, Phòng Giáo dục Đơn Dương lâu nay luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền giáo dục trong các trường học. Ngay đầu năm học các trường học đều thành lập ban chỉ đạo, điều hành việc phổ biến, giáo dục pháp luật, nội quy học sinh để lồng ghép vào các tiết dạy bộ môn giáo dục công dân, tiết sinh hoạt chủ nhiệm cho học sinh trong các lớp học. Phòng cùng Công an huyện phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn, phối hợp tổ chức liên tục các đợt tuyên truyền trong năm học về luật giao thông đường bộ, văn hoá ứng xử trong học đường, tác hại của việc sử dụng chất gây nghiện, phòng chống bạo lực học đường trong lễ chào cờ đầu tuần và các buổi sinh hoạt ngoại khoá.

    Để thực hiện tốt hơn quy chế phối hợp giữa 2 ngành Giáo dục và Công an huyện trong việc đảm bảo an ninh trật tự trường học, trong năm học này, theo ông Trần Văn Thảo, Trưởng phòng Giáo dục Đơn Dương, hằng tháng Phòng cùng Công an huyện định kỳ tổ chức giao ban trao đổi thông tin vào ngày 26 mỗi tháng. Tương tự, các trường học cũng tổ chức giao ban với công an khu vực, công an xã, thị trấn trên địa bàn mình và những sự việc cụ thể được đưa ra bàn thảo để thống nhất giải pháp xử lý.

Công an huyện cũng chỉ đạo công an xã, thị trấn chủ động phối hợp với nhà trường, chính quyền địa phương, cùng các ban ngành đoàn thể cơ sở trong công tác quản lý giáo dục các trường hợp học sinh cá biệt, tăng cường công tác kiểm tra các tụ điểm kinh doanh dịch vụ mạng Internet, các quán Karaoke trên địa bàn, đặc biệt những địa điểm gần trường học có thể có tác động không tốt đến việc học tập của học sinh. Trong giờ cao điểm tan học, Công an huyện thường xuyên tổ chức tuần tra đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường, các nút giao thông, các cổng trường lớn, để phát hiện kịp thời những đối tượng bên ngoài chặn đường học sinh trấn lột hoặc gây gổ đánh nhau.

Điều đáng nói hiện nay theo ông Thảo là tình trạng học sinh dùng chất kích thích trong trường học. Do những đối tượng bất hảo ngoài xã hội mồi chài lôi kéo, đã có không ít vụ phát hiện học sinh tham gia sử dụng chất gây nghiện trong trường học. Năm học 2011- 2012 đã phát hiện 16 vụ như vậy. Năm học này theo ông Thảo vẫn chưa có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra nhưng đây vẫn là một điều đáng lo ngại và Phòng đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Công an thực hiện các giải pháp tốt nhất để ngăn ngừa.
 
Một vấn đề khác cũng đáng lưu ý là việc học sinh dùng xe máy đi học. Đơn Dương là một huyện nông nghiệp, đất rộng, trường học cách xa, nhiều phụ huynh bận rộn không thể đưa đón, nên đã có không ít học sinh phải tự đến trường bằng xe máy, nhất là học sinh các lớp cuối ở khối trung học phổ thông. Mặc dù nhà trường thường xuyên nhắc nhở, nhưng không ít học sinh vẫn “vi phạm” vì nhà quá cách xa, lịch học khít trong ngày.

Gia Khánh