Để đẩy lùi vấn nạn buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại

04:03, 05/03/2013

Làm gì để kịp thời ngăn chặn đẩy lùi vấn nạn buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại? Câu hỏi này đang được các ngành, các cấp và người dân trong tỉnh đặc biệt quan tâm.

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và lạm phát kéo dài đã tác động không nhỏ đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời là cơ hội cho những kẻ xấu hành nghề buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân, cũng như làm thất thu nguồn ngân sách nhà nước. Làm gì để kịp thời ngăn chặn đẩy lùi vấn nạn buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại? Câu hỏi này đang được các ngành, các cấp và người dân trong tỉnh đặc biệt quan tâm.

Người tiêu dùng tham quan, mua sắm hàng hoá của các doanh nghiệp Lâm Đồng tại hội chợ Festival Hoa Đà Lạt
Người tiêu dùng tham quan, mua sắm hàng hoá của các doanh nghiệp Lâm Đồng tại hội chợ Festival Hoa Đà Lạt


Theo nhận định của Ban Chỉ đạo 127 Lâm Đồng, gần đây trên thị trường đã xuất hiện thêm nhiều loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, mỹ phẩm, dược phẩm, một số mặt hàng tiêu dùng..., gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như sức khoẻ người tiêu dùng. Tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có xu hướng gia tăng với các thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, cá nhân còn lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thực hiện hành vi trốn thuế, gian lận thuế với nhiều thủ đoạn, hình thức tinh vi hơn. Các hình thức gian lận phổ biến là: quay vòng hoá đơn chứng từ, mua bán hoá đơn để hợp thức hoá hàng nhập lậu; gian lận trong việc kê khai về giá trên hoá đơn bán hàng hoặc không xuất hoá đơn để giảm thuế giá trị gia tăng phải nộp; nhập hàng không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng; gian lận trong cân, đong, đo, đếm hàng hoá, sử dụng phương tiện đo lường không qua kiểm định...

Mặc dù hoạt động buôn lậu, vận chuyển, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại ở Lâm Đồng có diễn biến ngày càng phức tạp, nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 127 Lâm Đồng, các lực lượng chức năng đã có nhiều nỗ lực cố gắng trong công tác điều tra, phát hiện, xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, góp phần làm lành mạnh hoá thị trường, đảm bảo an ninh trật tự, đồng thời tăng thu nguồn ngân sách nhà nước. Theo đó, trong năm 2012, qua kiểm tra gần 5.300 vụ, lực lượng chức năng đã phát hiện xử lý gần 3.000 vụ vi phạm, với số tiền thu được trên 195 triệu đồng. Hàng hoá tịch thu xử lý bao gồm các mặt hàng như: thuốc lá, rượu ngoại, quần áo, lâm sản, pháo nổ, tiền giả, vũ khí, ma tuý, xăng dầu... Ông Kiều Xuân Việt - Phó Giám đốc Sở Công thương, kiêm Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý thị trường Lâm Đồng cho biết, một số nguyên nhân khiến cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có cơ hội hoành hành, trước hết phải kể đến ý thức trách nhiệm trong công tác tổ chức, chỉ đạo chống buôn lậu ở một vài địa phương, ban, ngành chưa đầy đủ, thiếu kiên quyết; công tác nắm bắt thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo khả năng diễn biến thị trường để có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chưa được quan tâm đúng mức; về cơ chế chính sách còn sơ hở, quản lý doanh nghiệp, quản lý hoá đơn chứng từ có lúc còn buông lỏng để những kẻ gian lợi dụng, hợp thức hoá hàng nhập lậu và gian lận thương mại; công tác phối kết hợp giữa các lực lượng chức năng đôi lúc còn chưa kịp thời, nhất là khi có vụ việc xảy ra ngoài giờ hành chính; việc tuyên truyền giáo dục pháp luật liên quan đến hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đến các chủ thể kinh doanh và người tiêu dùng chưa được triển khai thường xuyên... Đây chính là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến vấn nạn buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại còn xảy ra.

Một số người quan tâm tới vấn nạn này cho rằng, nhằm từng bước đẩy lùi tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại khác, thời gian tới, các lực lượng chức năng trong tỉnh cần tập trung vào một số vấn đề như: Tăng cường kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh công tác dự báo, nắm chắc diễn biến tình hình thị trường, hàng hoá, giá cả, nhất là các hàng hoá thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân để sẵn sàng đối phó với tình huống xấu có thể xảy ra; chủ động kiểm tra thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán giá theo niêm yết, xử lý kịp thời các trường hợp đầu cơ, ép giá, găm hàng, đưa tin thất thiệt đẩy giá bán lên cao, gây bất ổn thị trường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho mọi đối tượng, từ đó hình thành ý thức tự giác thường trực và hành động cụ thể cho mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp và người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, cần gắn công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại với việc đẩy mạnh việc thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

HỒNG HẢI