Xác định chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn (CBCĐ) là yếu tố quan trọng để triển khai thực hiện thành công các nhiệm vụ, các phong trào thi đua do các cấp công đoàn phát động, tổ chức Công đoàn Lâm Đồng luôn coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCĐ.
Xác định chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn (CBCĐ) là yếu tố quan trọng để triển khai thực hiện thành công các nhiệm vụ, các phong trào thi đua do các cấp công đoàn phát động, tổ chức Công đoàn Lâm Đồng luôn coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCĐ.
Theo đó, trong nhiệm kỳ 2008 - 2013, LĐLĐ tỉnh luôn chú trọng phát huy tổng hợp các nguồn lực, đa dạng hoá các hình thức và đổi mới nội dung, phương thức để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCĐ, nhất là CBCĐ cơ sở. Đối với công đoàn cấp trên, hàng năm căn cứ vào nhiệm vụ và chương trình hoạt động của Ban chấp hành LĐLĐ tỉnh, các cấp công đoàn xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCĐ cơ sở theo nội dung, hình thức, thời gian và đối tượng triệu tập phù hợp. LĐLĐ các huyện, thành phố phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị địa phương tổ chức 1 lớp tập huấn cho CBCĐ cơ sở với thời gian từ 2 đến 3 ngày. Ngoài ra, mỗi đơn vị tuỳ vào tình hình thực tế của mình để chọn những nội dung qua kiểm tra thấy còn thiếu, yếu thì tự xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cho CBCĐ cơ sở bằng các hình thức như: tổ chức toạ đàm, hội thi CBCĐ giỏi…
Báo cáo của LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng cho biết, toàn tỉnh hiện có gần 100 CBCĐ chuyên trách và trên 6.000 CBCĐ không chuyên trách (cán bộ kiêm nhiệm). Trong 5 năm qua (2008 - 2012), các cấp công đoàn trong tỉnh đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn và đã có 16.527 lượt CBCĐ tham gia, bình quân mỗi năm có khoảng 3.500 lượt CBCĐ được tập huấn. Qua các lớp tập huấn, CBCĐ cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về nghiệp vụ công tác công đoàn, CBCĐ đã nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí, chức năng của tổ chức công đoàn; hiểu được quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn đã được pháp luật quy định, từ đó đề ra những biện pháp tích cực trong hoạt động thực tiễn tại đơn vị.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Thái Văn Thịnh - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh cho rằng: Trong 5 năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCĐ đã có những khởi sắc, đạt được kết quả rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCĐ còn chậm được đổi mới, chưa đáp ứng tốt yêu cầu đặt ra ở cơ sở. Thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCĐ chưa gắn với quy hoạch, kế hoạch bố trí sử dụng cán bộ, nên cứ sau mỗi kỳ đại hội, bình quân có trên 40% CBCĐ bị thay đổi, dẫn đến hiệu quả đào tạo chưa cao. Chương trình còn nặng về lý luận, thiếu thực tiễn; cách thức tổ chức, nội dung tập huấn chưa phù hợp và thiết thực với từng loại hình công đoàn cơ sở, cũng như từng đối tượng CBCĐ; nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng bị trùng lặp cả về nội dung và đối tượng…
Số liệu thống kê trên 98,5% công đoàn cơ sở đủ điều kiện tổ chức đại hội đã tiến hành bầu được 5.424 uỷ viên ban chấp hành công đoàn cơ sở, trong đó có 2.229 uỷ viên mới tham gia lần đầu, chiếm trên 41%; 75% công đoàn cấp trên tiến hành đại hội đã bầu được 430 uỷ viên ban chấp hành, trong đó có 242 uỷ viên mới tham gia lần đầu, chiếm trên 57%. Con số này đặt ra cho Ban chấp hành LĐLĐ tỉnh khoá VIII những yêu cầu đổi mới trong công tác đào tạo CBCĐ. Bên cạnh đổi mới nội dung, phương thức đào tạo theo hướng kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn, gắn công tác đào tạo với quy hoạch, bố trí sử dụng cán bộ, nên chú trọng đào tạo CBCĐ xuất thân từ công nhân, có phẩm chất chính trị tốt, có trình độ tay nghề cao và có nguyện vọng trở thành CBCĐ.
Mặt khác, với thời lượng mỗi lớp tập huấn chỉ kéo dài 2 đến 3 ngày, thì việc quán triệt những nội dung về pháp luật lao động, Luật Công đoàn… tuy cần, nhưng chưa hẳn đã thiết thực. Một CBCĐ có thâm niên gần 30 năm cho rằng, nếu làm công đoàn mà lúc nào cũng nói về luật, về chức năng, nhiệm vụ của công đoàn theo luật định, thì chưa hẳn đã mang lại được kết quả như mong muốn, nhất là các công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp ngoài nhà nước. Vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCĐ cần mở rộng nội dung về kỹ năng hoạt động công đoàn như: thương lượng, đàm phán thuyết phục, tham mưu, đề xuất, giao tiếp và ứng xử... Ngoài ra, phải xuất phát từ nhu cầu, nội dung cần học của CBCĐ cơ sở và phù hợp với từng đối tượng là CBCĐ tham gia lần đầu, hay CBCĐ có thâm niên.
LÊ HỮU TÚC