Trước thềm Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ VIII, Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Minh Hùng – TUV, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh nhiệm kỳ 2008 – 2013.
LTS: Nhiệm kỳ VII Công đoàn tỉnh Lâm Đồng khép lại với nhiều kết quả phấn đấu khả quan, tạo nền tảng cho phong trào thi đua của công nhân, viên chức, lao động những năm tới phát triển trên cả bề rộng và chiều sâu. Trước thềm Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ VIII, Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Minh Hùng – TUV, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh nhiệm kỳ 2008 – 2013. Sau đây là nội dung trao đổi.
PV: Xin đồng chí Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh cho biết vài nét khái quát về thực trạng đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) Lâm Đồng?
Đồng chí Nguyễn Minh Hùng |
CHỦ TỊCH LĐLĐ TỈNH: Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hoá, xã hội của Lâm Đồng có nhiều chuyển biến tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và CNVCLĐ cơ bản được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn tại địa phương.
Đến nay, số CNVCLĐ trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã thành lập tổ chức công đoàn là 63.841 người, trong đó có 58.064 đoàn viên (91% tổng số CNVCLĐ) sinh hoạt trong 1.467 CĐCS, trực thuộc 32 công đoàn cấp trên cơ sở (2 LĐLĐ TP, 10 LĐLĐ huyện, 8 CĐ ngành, 12 CĐ giáo dục huyện, TP). Về chất lượng, đội ngũ CNVCLĐ ngày càng trẻ hơn, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn có sự tiến bộ đáng kể. Điều này thể hiện: Phổ thông trung học chiếm 85,8% (2008: 81,4%), trung học cơ sở 14,2% (2008: 18,6%). Trung học chuyên nghiệp chiếm tỷ lệ 19,9% (2008: 20%), cao đẳng và đại học 44% (2008: 37,1%), trên đại học 0,1% (2008: 0,1%). Đồng thời chất lượng lao động ngày càng tăng: Bậc thợ bình quân hiện nay 2,36 (năm 2008: 2,1); năm 2008 có 21,8% lao động qua đào tạo, đến nay tỷ lệ lao động qua đào tạo là 28,66%, trong đó lao động lành nghề 1,3%. Do vậy từng bước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá tại địa phương. Tuy chiếm tỷ lệ không lớn trong lực lượng lao động xã hội và còn một số mặt hạn chế nhưng đội ngũ CNVCLĐ Lâm Đồng luôn là lực lượng nòng cốt trong khối liên minh công, nông, trí thức và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
PV: Được biết Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ VII đã đề ra 8 chỉ tiêu trọng tâm, vậy kết quả thực hiện?
CHỦ TỊCH LĐLĐ TỈNH: Trong nhiệm kỳ, tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng các cấp công đoàn trong tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh Lâm Đồng lần thứ VII. Công tác tuyên truyền phổ biến chủ trương, nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước được tiến hành thường xuyên góp phần nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ CNVCLĐ. Các phong trào hành động cách mạng, thi đua yêu nước được tổ chức và phát động sâu rộng đã khơi dậy lòng yêu nước phấn đấu vươn lên trong lao động sản xuất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong CNVCLĐ. Chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNVCLĐ luôn được chú trọng gắn với xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong các doanh nghiệp. Các chỉ tiêu chủ yếu trong nhiệm kỳ đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nghị quyết Đại hội VII Công đoàn tỉnh đề ra 8 chỉ tiêu trọng tâm và kết quả thực hiện đến cuối nhiệm kỳ khá khả quan. Đó là đã phát triển 21.753 đoàn viên mới, đạt 108% kế hoạch. Thành lập mới 127 CĐCS trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đạt 127% kế hoạch. CĐCS vững mạnh hàng năm tăng 1,78% so với năm 2007 (kế hoạch tăng mỗi năm 1% ). Có 88% CĐCS trong các đơn vị thương lượng ký kết Thoả ước lao động tập thể, đạt 98% kế hoạch. 100% CĐCS cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhà nước tham gia mở Hội nghị Cán bộ công chức; 100% CĐCS doanh nghiệp nhà nước tham gia mở Đại hội Công nhân viên chức; 66,4% CĐCS công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn phối hợp tổ chức Hội nghị Người lao động hàng năm (132% kế hoạch). Cán bộ CĐ chuyên trách đủ điều kiện được đào tạo và bồi dưỡng nâng cao lý luận nghiệp vụ công đoàn và cán bộ CĐCS không chuyên trách mới tham gia lần đầu được bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động công đoàn đạt 100% kế hoạch. Vận động thu Quỹ công nhân lao động nghèo đạt 3,33 tỉ đồng, đạt 195% kế hoạch. Giới thiệu 7.687 đoàn viên ưu tú là CNVCLĐ để các cấp uỷ Đảng bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, đạt 153% kế hoạch toàn nhiệm kỳ.
PV: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp công đoàn là thể hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ - vậy đồng chí đánh giá như thế nào về nhiệm vụ này?
CHỦ TỊCH LĐLĐ TỈNH: Phải khẳng định đây là nhiệm vụ mà các cấp công đoàn rất chú trọng thực thi. Thực hiện Nghị quyết 01 ngày 18/6/2009 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN về “Đổi mới, nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện Thoả ước lao động tập thể”, LĐLĐ tỉnh thành lập Tổ tư vấn và chọn điểm triển khai một số đơn vị rút kinh nghiệm trước khi thực hiện nhân rộng trong toàn tỉnh với kết quả có nhiều Thoả ước lao động tập thể với những nội dung cụ thể, có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật. Công đoàn các cấp trong tỉnh tham gia với chính quyền các cấp và đề xuất giải pháp với cơ quan Nhà nước, cấp uỷ biện pháp, chính sách chăm lo hỗ trợ đời sống của người lao động góp phần tham gia phát triển kinh tế, ổn định chính trị và thực hiện chính sách an sinh xã hội tại địa phương.
Công đoàn các cấp thường xuyên tổ chức khảo sát và phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra thực hiện pháp luật lao động, chế độ chính sách người lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp; trong 5 năm phối hợp kiểm tra 188 đơn vị, doanh nghiệp. Tư vấn, hướng dẫn cho hàng ngàn lượt đoàn viên CNVCLĐ về quyền lợi, chế độ chính sách, tham gia giải quyết và đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết đơn thư kiến nghị về tiền lương, bảo hiểm xã hội và các chế độ, chính sách cho người lao động. Do thực hiện tốt việc phát hiện và kịp thời giải quyết mâu thuẫn trong quan hệ lao động, trong 5 năm chỉ xảy ra 1 vụ phản ứng tập thể của công nhân lao động trong doanh nghiệp. Hàng năm, công đoàn các cấp trong tỉnh tích cực triển khai hưởng ứng Lễ phát động Tuần lễ Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình có thân nhân bị tai nạn lao động, phối hợp kiểm tra liên ngành về công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ tại các đơn vị sử dụng lao động, phát hành hàng ngàn tờ rơi, áp phích tuyên truyền, phát động phong trào quần chúng làm công tác bảo hộ lao động như: phong trào phát huy sáng kiến cải thiện điều kiện lao động, phong trào “xanh – sạch – đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động” trong CNVCLĐ. Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 5b về đẩy mạnh công tác bảo hộ lao động của Tổng Liên đoàn LĐVN, hướng dẫn CĐCS kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở các doanh nghiệp. Thông qua dự án BSPS-DANIDA và phối hợp Viện Khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động Tổng Liên đoàn LĐVN tổ chức các lớp tập huấn, huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động cho cán bộ công đoàn trên một số địa bàn tỉnh. Phát huy quyền dân chủ trực tiếp của CNVCLĐ và tổ chức công đoàn, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh thường xuyên chỉ đạo LĐLĐ các huyện, thành phố, các công đoàn ngành, Công đoàn Viên chức tỉnh phát huy vai trò thành viên Ban chỉ đạo các cấp trong tham gia thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở; đôn đốc các cấp công đoàn trong tỉnh phối hợp mở hội nghị cán bộ công chức, đại hội công nhân viên chức và hội nghị người lao động. Tiến hành sơ kết 3 năm (2008), tổng kết 5 năm (2010) thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định của Chính phủ về thực hiện quy chế dân chủ trong công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần. LĐLĐ tỉnh phối hợp tổ chức tập huấn Nghị định 87 của Chính phủ về thực hiện quy chế dân chủ trong các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và nghiệp vụ Thanh tra nhân dân cho 1.200 công nhân lao động, 395 lượt cán bộ CĐCS, chủ doanh nghiệp. Ban Thanh tra nhân dân trong tất cả các cơ quan, đơn vị đều đã được thành lập và phát huy vai trò theo quy định của pháp luật. Trong nhiệm kỳ qua, các cấp công đoàn đã tích cực tham gia trong công tác đào tạo, đào tạo lại nghề cho công nhân lao động, góp phần nâng cao tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh, từng bước đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá tại địa phương.
Nhằm góp phần giải quyết khó khăn về nhà ở của CNVCLĐ, với trách nhiệm của mình, LĐLĐ tỉnh tham gia với UBND tỉnh xây dựng Đề án phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2009 - 2015. Đồng thời đề nghị tỉnh có cơ chế và chính sách cụ thể hơn trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong xây dựng nhà ở, nhà trẻ cho công nhân lao động và con em. Theo quy định hiện nay của UBND tỉnh về chính sách nhà ở cho người có thu nhập thấp, đối tượng được mua, thuê nhà ở có CNVCLĐ.
Như vậy, trong nhiệm kỳ, các cấp công đoàn từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung nhiều hơn trong việc thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ. Thông qua các hình thức phù hợp với nội dung sát thực đã có tác động tích cực, góp phần đảm bảo việc làm, đời sống CNVCLĐ và xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà trong các doanh nghiệp.
PV: Cùng với thực thi các nhiệm vụ, chắc hoạt động xã hội cũng được các cấp công đoàn quan tâm?
CHỦ TỊCH LĐLĐ TỈNH: Hoạt động xã hội được công đoàn các cấp trong tỉnh tích cực thực hiện. Công đoàn các cấp vận động đoàn viên, CNVCLĐ đóng góp xây dựng “Quỹ trợ vốn công nhân lao động nghèo” LĐLĐ tỉnh với số tiền hơn 3,4 tỉ đồng. Cùng với nguồn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hơn 3.000 lượt CNVCLĐ. Vận động trong đoàn viên, CNVCLĐ tham gia chương trình “Xoá nhà tạm” hơn 1.370.000 đồng, chung tay xây dựng “Mái ấm công đoàn” do Tỉnh uỷ và TLĐLĐVN phát động được hơn 1.392.786.000 đồng và từ nhiều nguồn hỗ trợ khác hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho người nghèo của tỉnh trong đó có CNVCLĐ (hỗ trợ sửa chữa được 203 căn nhà cho CNVCLĐ khó khăn về nhà ở). Hàng năm, vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc, các cấp công đoàn trong tỉnh tổ chức thăm hỏi và chúc tết CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn giá trị hơn 500 triệu đồng. Ngoài ra, tổ chức công đoàn vận động CNVCLĐ đóng góp ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Trường Sa, Hoàng Sa”, xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân, Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và các hoạt động xã hội khác bằng tiền và hiện vật với tổng giá trị gần 50 tỉ đồng. Thực hiện sự phân công của UBND tỉnh về giúp đỡ xã nghèo và Đề án phát triển kinh tế xã hội giảm nghèo nhanh và bền vững, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh phối hợp với các đơn vị trong và ngoài tỉnh tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống cho đồng bào xã nghèo Đinh Trang Thượng - Di Linh, Mỹ Đức - Đạ Tẻh. Các hoạt động đã triển khai như: tặng con giống, cây giống, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, trường học, sách vở và đồ dùng học tập cho học sinh nghèo, tổ chức khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho hàng ngàn lượt người. Quỹ Tấm Lòng vàng Báo Lao Động, Tạp chí Bất động sản & Nhà đất VN, Bệnh viện Chợ Rẫy, Báo Sài Gòn Giải phóng, Báo Công an TP Hồ Chí Minh, Báo Người Lao động, Quỹ Bảo trợ trẻ em TLĐLĐVN, CĐ Than Khoáng sản VN, CĐ Ngân hàng CP Công thương VN… hỗ trợ 505.100.000 đồng và hiện vật.
PV: Để xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, LĐLĐ tỉnh đã chú trọng các giải pháp nào?
CHỦ TỊCH LĐLĐ TỈNH: Xác định tầm quan trọng, ý nghĩa công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS theo Nghị quyết của Tổng Liên đoàn LĐVN, các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết về xây dựng giai cấp công nhân, công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, đặc biệt là trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, luôn được các cấp công đoàn chú trọng tập trung thực hiện. Thông qua việc nắm chắc biến động ở cơ sở, khảo sát, tuyên truyền, bình quân mỗi năm toàn tỉnh phát triển 4.000 đoàn viên mới, thành lập 25 CĐCS trong các đơn vị khu vực ngoài nhà nước; đạt tỷ lệ 64% trên tổng số các đơn vị thuộc đối tượng vận động thành lập công đoàn theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam và chỉ đạo của Tổng Liên đoàn LĐVN. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động với phương châm hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh cụ thể hoá hướng dẫn của Tổng Liên đoàn LĐVN về xây dựng CĐCS vững mạnh trong các loại hình, tổ chức quán triệt nội dung tiêu chuẩn theo từng thang điểm, từng loại hình CĐCS. Trong đó, chú trọng chất lượng hoạt động, hạn chế tình trạng hình thức, chạy theo thành tích. Các cấp công đoàn chấp hành tốt quy trình xây dựng CĐCS vững mạnh theo hướng dẫn của Tổng Liên đoàn LĐVN và LĐLĐ tỉnh. Công tác xây dựng CĐCS vững mạnh đã tập trung vào thực hiện các chức năng của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Đến năm 2012, chất lượng công tác xây dựng CĐCSVM đã được nâng lên so với đầu nhiệm kỳ. Tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN về việc đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ công đoàn, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh xây dựng kế hoạch, phân loại đối tượng cán bộ, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, xây dựng nội dung, giáo trình và bố trí kinh phí thích đáng. Đến nay, cán bộ chuyên trách công đoàn trong toàn tỉnh có trình độ đại học, cao đẳng đạt 89,7% (tăng 9,5% so với năm 2008), được bồi dưỡng các nội dung về nghiệp vụ công đoàn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, tin học, ngoại ngữ. Các LĐLĐ huyện, thành phố, công đoàn ngành, Công đoàn Viên chức tỉnh căn cứ nhiệm vụ, chương trình công tác đã tổ chức và phối hợp triển khai kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng với kết quả mở 136 lớp cho 13.669 lượt cán bộ CĐCS.
Trong nhiệm kỳ, xác định phát triển đoàn viên, thành lập và xây dựng công đoàn vững mạnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng nên công đoàn các cấp đã tập trung đổi mới nội dung, biện pháp phù hợp, triển khai đúng mức đã đạt và vượt các chỉ tiêu đại hội đề ra. Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ và bồi dưỡng, tập huấn cán bộ công đoàn được chú trọng, đã phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh. Việc chỉ đạo, tổ chức đại hội công đoàn các cấp đảm bảo đúng Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
PV: Những bài học kinh nghiệm được rút ra qua kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhiệm kỳ VII, thưa đồng chí?
CHỦ TỊCH LĐLĐ TỈNH: Theo tôi có 3 bài học lớn rút ra, đó là:
1. Nơi nào có TCCSĐ và sự lãnh đạo của cấp uỷ, sự phối hợp thường xuyên với chính quyền, các cơ quan chức năng, bám sát nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, chương trình công tác của công đoàn cấp trên, xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và không ngừng đổi mới nội dung, phương thức thì hoạt động công đoàn ở đó sẽ mang lại hiệu quả.
2. Xác định cơ sở là địa bàn hoạt động chủ yếu và quyền lợi của đoàn viên, người lao động là mục tiêu phấn đấu, thì đoàn viên và người lao động sẽ gắn bó và tự nguyện tham gia hoạt động công đoàn.
3. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có đủ bản lĩnh, năng lực, nhiệt tình thông qua việc đầu tư công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ chủ chốt công đoàn từ tỉnh đến cơ sở. Sắp xếp mô hình tổ chức công đoàn các cấp tinh gọn, hiệu quả và đảm bảo cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho cán bộ công đoàn.
PV: Đồng chí cho biết mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ VIII?
CHỦ TỊCH LĐLĐ TỈNH: Về mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ VIII sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, xây dựng đội ngũ công nhân viên chức lao động Lâm Đồng đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tăng cường vận động phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn nhằm thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Tổ chức sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Để thực hiện mục tiêu, phương hướng trên, LĐLĐ tỉnh đã đề ra khẩu hiệu hành động: “Vì đoàn viên và người lao động, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn, góp phần xây dựng Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững”.
PV: Xin cảm ơn đồng chí Chủ tịch LĐLD tỉnh và tin rằng mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ VIII sẽ là hiện thực tốt đẹp!
NGUYỄN THANH (Thực hiện)