Hoa rừng thơm ngát

02:03, 07/03/2013

Những người phụ nữ ấy đã lớn lên giữa núi rừng, bình thản sống, anh dũng chiến đấu và cật lực lao động. Những gì họ làm không màng đến ngôi vị, danh xưng mà từ chính trái tim, tấm lòng chan chứa yêu thương. Những đoá hoa ấy toả ra hương rừng thơm ngát…

Những người phụ nữ ấy đã lớn lên giữa núi rừng, bình thản sống, anh dũng chiến đấu và cật lực lao động. Những gì họ làm không màng đến ngôi vị, danh xưng mà từ chính trái tim, tấm lòng chan chứa yêu thương. Những đoá hoa ấy toả ra hương rừng thơm ngát…

Nhắc đến lịch sử đấu tranh anh hùng của đồng bào các dân tộc Nam Tây Nguyên, tên của nữ dũng sĩ Điểu Thị Năm Lôi được nhắc đến như một huyền thoại. Sinh ra tại “xã Năm anh hùng” nay là xã Đồng Nai Thượng của vùng đất Cát Tiên, bà đã hiến trọn tuổi thanh xuân để cùng cả dân tộc đấu tranh ngoan cường. Bám rừng già chiến đấu, Năm Lôi cùng những người con Châu Mạ chống lại âm mưu tìm diệt dân để vây bắt cán bộ, mưu trí diệt địch, giữ vững hành lang chiến lược Bắc - Nam trong kháng chiến chống Mỹ, góp phần vào ngày toàn thắng. Được kết nạp Đảng từ năm 18 tuổi, khí phách anh hùng, dám nghĩ, dám làm của nữ dũng sĩ tiếp tục được phát huy trong thời bình. Là một trong những “đầu tàu” của xã Đồng Nai Thượng - một xã nghèo bậc nhất huyện Cát Tiên, bà đã vận động bà con bỏ dần các tập tục lạc hậu, bước vào cuộc chiến làm kinh tế và khởi phát trồng cây điều - loại cây công nghiệp phù hợp với thổ nhưỡng để xoá nghèo. Thành công với nhiệm vụ kinh tế, nữ đảng viên tiếp tục vận động bà con trong các buôn làng cho con em mình đến trường học để được đến với ánh sáng tri thức. Những hoàn cảnh, những mái nhà ở Đồng Nai Thượng thân thuộc với bà từ thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết đến lúc những vết chân chim hằn trên gương mặt. Cả cuộc đời, bà gắn bó và chiến đấu vì hoà bình, no ấm cho vùng đất bà đã lớn lên…

Sinh ra ở vùng đất Lâm Hà, Ka Hiếu lớn lên thẳng như cây rừng và chan chứa yêu thương tựa nguồn nước mát. Kể về bà là kể về chuyện đời của một người phụ nữ đã dành cả tuổi trẻ, tình yêu và sức lực để che chở, ôm ấp những đứa con nuôi; là một người thân thương của những hộ gia đình neo đơn; một đảng viên mẫu mực… Chưa một lần làm mẹ, nhưng bà nhận nuôi 7 người con và yêu thương chúng như chính bản thân mình rứt ruột sinh ra. Gần 25 năm trước, khi đang là một nữ y tá ở độ tuổi thanh xuân và công tác tại trạm xá ở thị trấn Đinh Văn, dì Ka Hiếu nhận cả 3 người cháu là K’ Len, K’ Lẽ, Ka Hiểu rơi vào cảnh mồ côi mẹ về nuôi. Đơn thân nuôi con, người mẹ trẻ vừa nhận gánh nặng của biết bao công việc có tên, không tên lẫn gánh nặng cơm áo để nuôi con cứng cáp. Không thể vừa làm việc với giờ giấc sát sao, vừa nuôi 3 con nhỏ nên bà đành nghỉ việc, ở nhà tranh thủ làm vườn và chăm con. Ngày qua ngày các con thêm khôn lớn, từng quả trứng gà được bà mẹ dành dụm đi đổi sữa cho con. Bản năng làm mẹ cứ lớn dần để rồi sau đó, bà tiếp tục nhận nuôi bốn đứa trẻ mồ côi khác. Bà chăm lo cho cả một gia đình lớn cùng người chồng nhân hậu. Bà mẹ đặc biệt ấy còn san sẻ tình thương với những hộ gia đình xung quanh, giúp các trường hợp ốm đau hoạn nạn. Trong công cuộc xây dựng huyện Lâm Hà giàu đẹp, nữ đảng viên Ka Hiếu đã hiến cả trăm mét đất trồng cà phê đang cho thu hoạch để mở rộng đường. Gặp bà, nét mộc mạc, giản dị, ít nói như càng bồi thêm cho người đối diện tình cảm quý mến, trân trọng, ngưỡng mộ. Bên trong sự đơn giản của người phụ nữ ấy chứa cả một tình thương bao la…

Năm 2011, cái tên Ma U Ma Hiêng được nhắc đến như một gương mặt nữ sinh tiêu biểu người dân tộc thiểu số. Trở thành thủ khoa khối C và là á khoa kỳ thi tuyển sinh vào Trường Đại học Đà Lạt, cô gái đến từ buôn K’ Lông Bông, xã Tà Năng (Đức Trọng) như bước vào một ngưỡng cửa mới. Sinh ra trong một gia đình nghèo có 5 anh chị em, từ nhỏ, em đã quen với những mùa lên rẫy phụ mẹ cấy hái. Cho đến khi nhận được tin về kỳ thi đại học, Ma Hiêng vẫn đang xuôi xuống Ninh Thuận trong cái nắng cháy da để đi hái đậu thuê. Là đứa con duy nhất trong nhà và là một số ít học sinh trong buôn được học hành đầy đủ, em hiểu được giá trị của những buổi ngồi trên lớp học. Mười một năm liền là học sinh giỏi, đạt giải 3 học sinh giỏi môn lịch sử cấp tỉnh lớp 12 và giải khuyến khích môn văn dành cho học sinh các trường trung học phổ thông dân tộc nội trú toàn quốc, Ma Hiêng trải qua thời phổ thông với cả sự trong sáng, mộng mơ của tuổi mới lớn lẫn những nỗi lo xa thường có của đứa con lớn lên trong một gia đình nghèo. Kết quả em có được như là sự cộng gộp từ tư chất thông minh và sự chịu khó tìm tòi, nghiêm túc với từng trang sách. Tên em được nhắc đến trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, được tài trợ các suất học bổng để nuôi dưỡng ước mơ học tập, Ma Hiêng trở thành một gương mặt ưu tú, đại diện cho thế hệ trẻ của những người con Chu Ru…

Từ dòng chảy quá khứ đến hiện tại, những bông hoa rừng vẫn mộc mạc hương sắc và toả ra hương thơm nồng nàn như đất, mãnh liệt như ánh mặt trời mọc từ phía núi…

Hải Yến