Hội thảo quốc tế về khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Lâm Đồng

03:03, 29/03/2013

(LĐ online) - Đây là hội thảo chuyên đề về hợp tác quốc tế có quy mô lớn với sự hiện diện của các tổng lãnh sự quán, các tổ chức quốc tế có đại diện tại Việt Nam, các nhà khoa học - chuyên gia đến từ 12 nước: Italia, Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Hoa Kỳ, Đài Loan, Đức, Canada, Na Uy, Nga và Australia; hàng chục viện nghiên cứu và trường đại học, cao đẳng trong cả nước với trên 200 nhà khoa học, nhà quản lý từ Trung ương đến địa phương.

* Nhà khoa học - chuyên gia 12 nước và trên 200 nhà khoa học, quản lý trong nước tham dự

(LĐ online) - Đây là hội thảo chuyên đề về hợp tác quốc tế có quy mô lớn với sự hiện diện của các tổng lãnh sự quán, các tổ chức quốc tế có đại diện tại Việt Nam, các nhà khoa học - chuyên gia đến từ 12 nước: Italia, Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Hoa Kỳ, Đài Loan, Đức, Canada, Na Uy, Nga và Australia; hàng chục viện nghiên cứu và trường đại học, cao đẳng trong cả nước với trên 200 nhà khoa học, nhà quản lý từ Trung ương đến địa phương.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo


Trong những năm qua, các tiến bộ khoa học và công nghệ triển khai ứng dụng vào sản xuất ở Lâm Đồng đã thu được nhiều kết quả ấn tượng, đồng thời cũng được Trung ương đánh giá là đứng đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Theo số liệu báo cáo của ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội thảo, Chương trình Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) ở Lâm Đồng đã góp phần nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp trên quy mô lớn, nhận thức của người dân được nâng cao thông qua các khoá đào tạo chuyên sâu, năng suất và chất lượng vật nuôi, cây trồng tăng cao. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tham gia chương trình NNCNC đạt trên 3.600.000 triệu đồng, vượt 38% so với kế hoạch vốn chương trình. Thu hút nguồn vốn FDI trong nông nghiệp khá lớn với gần 1 tỷ USD. Trong đó, cây chè chất lượng cao thu hút FDI nhiều nhất với 21 doanh nghiệp; rau hoa thu hút hàng chục doanh nghiệp. Doanh thu bình quân trên đơn vị đạt diện tích canh tác tăng nhanh từ 27 triệu đồng/ha năm 2004 lên 89 triệu đồng/ha năm 2012, cao gấp 2,3 lần bình quân của cả nước.

Hiện tại toàn tỉnh Lâm Đồng có 150.000 ha có doanh thu trên 90 triệu đồng/năm. Diện tích ứng dụng công nghệ cao trên các loại cây trồng trên 26.000 ha. Chương trình NNCNC cũng góp phần nâng cao giá trị sản xuất và gia tăng xuất khẩu nông sản ở Lâm Đồng cao hơn rất nhiều so với những năm trước từ 20 đến 25%. Cụ thể, năm 2004, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 90 triệu USD, đến 2012 đã đạt được 260 triệu USD. Bên cạnh đó, chương trình NNCNC cũng đã góp phần xoá đói giảm nghèo, ổn định kinh tế - xã hội và trật tự an ninh, hình thành một bộ phận doanh nghiệp và nông dân làm giàu từ việc ứng dụng sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.

Hiện nay toàn quốc có 4 doanh nghiệp được Bộ NN&PTNT công nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì ở Lâm Đồng đã có tới 3 doanh nghiệp, đó là: Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt, Công ty Dalat Hasfarm, Công ty TNHH Đà Lạt GAP.

Trước những thành công của Lâm Đồng trong việc ứng dụng NNCNC vào sản xuất nông nghiệp, Hội thảo lần này cũng được xem là cơ hội cho các địa phương có tiềm năng trong cả nước tìm hiểu và tiếp cận học hỏi những mô hình hay của Lâm Đồng.

Hội thảo cũng đã được nghe rất nhiều thuyết trình, tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về vấn đề này như: Phát triển và ứng dụng công nghệ Led trong nghiên cứu tái sinh và nhân giống thực vật của PGS.TS Dương Tấn Nhựt - Viện nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên; Giải pháp công nghệ sinh học, đề cao tính kháng sạch và kháng virus trong cải tiến giống cây trồng ở Việt Nam của GS.TS Lê Trần Bình - Viện công nghệ sinh học; Ứng dựng công nghệ Bioreactor trong công tác giống cây trồng và cây dược liệu của PGS.TS Trần Văn Minh - Trường Đại học Quốc tế, Đại học QG TP.HCM ....

Sâm Ngọc Linh đã được trồng bằng cách ứng dụng công nghệ cao ở Lâm Đồng
Giống sâm Ngọc Linh được trưng bày giới thiệu bên lề hội thảo. Sâm Ngọc Linh đã được nhân giống thành công và đang triển khai trồng bằng cách ứng dụng công nghệ cao ở Lâm Đồng.

TUẤN LINH