HTX Dịch vụ Du thuyền Tuyền Lâm trước nguy cơ giải thể

04:03, 10/03/2013

Lượng khách giảm, giá trị vật tư tăng, nợ bảo hiểm hàng trăm triệu đồng…, đã đặt Hợp tác xã Dịch vụ Du thuyền Tuyền Lâm (HTX Du thuyền Tuyền Lâm) trước tình cảnh “xoá sổ” nếu không chuyển phương thức hoạt động để tồn tại.

Lượng khách giảm, giá trị vật tư tăng, nợ bảo hiểm hàng trăm triệu đồng…, đã đặt Hợp tác xã Dịch vụ Du thuyền Tuyền Lâm (HTX Du thuyền Tuyền Lâm) trước tình cảnh “xoá sổ” nếu không chuyển phương thức hoạt động để tồn tại.
 

Những con thuyền trên hồ Tuyền Lâm đang “đói” khách
Những con thuyền trên hồ Tuyền Lâm đang “đói” khách


Tuy nhiên, trong quá trình tìm hướng chuyển đổi, do yếu kém trong khâu tổ chức, điều hành của Ban Chủ nhiệm HTX đã dẫn đến các nghi vấn.

Theo Công văn số 535/UBND-KT, ngày 23/1/2008, của UBND tỉnh Lâm Đồng, HTX Du thuyền Tuyền Lâm (TP Đà Lạt) được thành lập vào 3/2008, tuy nhiên do chủ trương giảm số lượng thuyền trên mặt nước hồ Tuyền Lâm, đến tháng 2/2009 mới chính thức đi vào hoạt động, kinh doanh theo loại hình dịch vụ vận chuyển khách tham quan dã ngoại. Với phương thức ăn chia 50/50, toàn bộ tài sản do xã viên (tài công và cũng là chủ thuyền) tự đóng góp, bao gồm ghe thuyền, vật tư xăng dầu, hao mòn…, mỗi tháng xã viên được nhận lương 2 lần. Theo đó, mỗi chuyến du thuyền HTX giữ lại 50% để mua bảo hiểm cho khách, trả tiền thuê mặt nước 11%, thuế VAT, đóng thuế TNDN, mua sắm thiết bị làm việc văn phòng, trả lương cho 3 nhân viên và Ban Chủ nhiệm.

Trong vài năm đầu, HTX thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội như đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH), trang bị đồng phục cho xã viên, chịu chi phí đăng kiểm thuyền hàng năm… Nhưng đến tháng 6/2012, Ban Chủ nhiệm HTX Du thuyền Tuyền Lâm có đơn gửi cơ quan chức năng xin ngưng thực hiện BHXH, với lý do thu nhập của xã viên quá thấp, HTX đang nợ trên 200 triệu đồng, trong đó riêng tiền nợ BHXH lên đến 190 triệu đồng, còn lại nợ tiền thuê mặt nước, nợ thuế TNDN…, không có khả năng thanh toán. Tiếp đó, tháng 9/2012, Ban Chủ nhiệm HTX vận động xã viên ký biên bản thanh lý hợp đồng lao động để trở thành những người “thất nghiệp”, để được hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền 6,6 triệu đồng/người (1,1 triệu đồng x 6 tháng). Chuyện không có gì nếu như sau khi toàn bộ xã viên nhận được trợ cấp thất nghiệp, HTX Du thuyền Tuyền Lâm không còn hoạt động, hoặc chuyển sang loại hình kinh doanh khác, đằng này HTX vẫn hoạt động bình thường như trước đó, điều này dẫn đến nghi vấn là HTX đã vi phạm luật.  

Để làm sáng tỏ vấn đề này, tại buổi làm việc với HTX Du thuyền Tuyền Lâm, chúng tôi được Phó Chủ nhiệm HTX Du thuyền Tuyền Lâm Lê Tự Đô, bộc bạch: “Thu nhập của xã viên mỗi năm một giảm, do nay có đường bộ vào các khu du lịch dã ngoại bên trong, du khách ít đi thuyền”. Theo số liệu thống kê năm 2011, HTX chạy được 8.183 chuyến, thì năm 2012 chỉ chạy được 6.732 chuyến, thu nhập của HTX cũng vì vậy mà giảm theo. Cụ thể năm 2011, mỗi đầu thuyền chỉ chạy được 146 chuyến/365 ngày, lương bình quân đạt 1,9 triệu đồng/tháng/xã viên, sau khi trừ chi phí nhiên liệu, khấu hao tài sản, người lao động chỉ còn gần 1 triệu đồng/tháng. Năm 2012 mỗi thuyền chỉ chạy được 120 chuyến, lương giảm chỉ 1,82 triệu đồng/tháng/xã viên.

Với mức lương đó, nếu xã viên đóng BHXH theo hệ số lương mới thì coi như trắng tay. Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Chủ nhiệm HTX Du thuyền, thừa nhận: “56 xã viên, nhân viên HTX Du thuyền đã nhận tiền trợ cấp thất nghiệp từ cuối năm 2012, nhưng từ đó đến nay họ vẫn hoạt động bình thường tại bến du thuyền hồ Tuyền Lâm, mức ăn chia vẫn giữ 50/50”. Ông Bảy cho biết HTX chưa ký hợp đồng lại với xã viên là sai (hiện còn 50 xã viên), tuy nhiên hiện nay vì lượng khách đi thuyền quá ít, nếu ký lại hợp đồng lao động thì chẳng biết lấy tiền đâu đóng BHXH cho người lao động. Sắp tới HTX sẽ tổ chức đại hội và sẽ ký hợp đồng thời vụ ngắn hạn với xã viên (sẽ chia làm 4 tổ luân phiên hoạt động), mỗi tổ sẽ hoạt động trong 3 tháng. Xã viên nào muốn thực hiện BHXH thì tự đóng, riêng mua bảo hiểm cho du khách, và các loại thuế, phí… HTX vẫn chịu trách nhiệm.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Văn Tường - Chủ tịch Liên minh HTX Lâm Đồng cho biết, theo qui định, nếu HTX thuê lao động thì phải đóng BHXH cho họ. Nhưng đối với HTX Du thuyền Tuyền Lâm lại rất đặc thù, người lao động trực tiếp chính là xã viên, mà xã viên có quyền đóng hoặc không đóng BHXH, cho nên việc HTX Du thuyền Tuyền Lâm xin tạm ngưng đóng BHXH cho xã viên không sai; việc xin ngưng đóng BHXH là cách HTX du thuyền “tự cứu mình” trong lúc khó khăn. Ông Tường cho biết thêm, Liên minh HTX đã chỉ đạo HTX Du thuyền Tuyền Lâm nếu muốn thu hút được du khách cần phải đầu tư thêm thuyền lớn, kèm theo các dịch vụ ăn uống, vui chơi trên thuyền, nhưng HTX chưa có khả năng thực hiện.  

Để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của HTX Du thuyền Tuyền Lâm, sắp tới Liên minh HTX cũng sẽ có cuộc họp với Ban Chủ nhiệm HTX để hướng dẫn việc thay đổi phương thức hoạt động từ tập trung sang dịch vụ thời vụ. Có như vậy, HTX Du thuyền Tuyền Lâm mới tránh được nguy cơ giải thể.

THUỴ TRANG