Đây là tổng kinh phí dự kiến của Đề án thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 28/2/2013.
Đây là tổng kinh phí dự kiến của Đề án thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 28/2/2013. Thuộc Kế hoạch tổng thể thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Đề án này nhằm tạo ra nhận thức và sự hiểu biết đầy đủ, đúng đắn của các tầng lớp xã hội và các tổ chức liên quan về tính chất, sự cần thiết của điện hạt nhân trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo đó, tổng kinh phí dự kiến của Đề án là 200 tỷ đồng, bố trí theo 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 2013 - 2015, triển khai các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức cơ bản điện hạt nhân, tập trung chủ yếu vào đối tượng trung học phổ thông tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Ninh Thuận, phục vụ kịp thời việc chuẩn bị khởi công Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận với kinh phí khoảng 50 tỷ đồng; giai đoạn 2016 - 2020, tăng cường, mở rộng Chương trình thông tin, tuyên truyền trong các bậc học phổ thông ở các thành phố thuộc trung ương, các tỉnh có địa điểm nêu trong định hướng quy hoạch và tiến tới phạm vi cả nước với kinh phí khoảng 150 tỷ đồng.
Cũng theo Quyết định này, Đề án sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ chính là: Thực hiện Chương trình thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân thông qua các hội thảo, diễn đàn, triển lãm, đối thoại, biên soạn và xây dựng nguồn thông tin, tài liệu, ấn phẩm về hạt nhân...; thực hiện Chương trình phổ biến kiến thức cơ bản về năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân trong các bậc học phổ thông qua việc biên soạn các tài liệu, giáo trình, thiết kế mô hình trực quan...; xây dựng và vận hành Trung tâm quan hệ công chúng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và Trung tâm thông tin năng lượng nguyên tử...
Minh Đạo