Không tìm ra nguyên nhân tử vong trên trẻ sau tiêm vắc-xin

02:03, 30/03/2013

(LĐ online) - Sau khi thành lập Hội đồng tư vấn chuyên môn tiến hành làm rõ nguyên nhân của bé Đinh Ngô Ngọc Phương Anh (hộ khẩu ở Tùng Lâm, P.7, TP. Đà Lạt) sau khi tiêm vắc-xin Quinvaxem, Sở Y tế Lâm Đồng vừa có kết luận: Đột tử không rõ nguyên nhân trên trẻ có tiêm Vắc-xin.

(LĐ online) - Sau khi thành lập Hội đồng tư vấn chuyên môn tiến hành làm rõ nguyên nhân của bé  Đinh Ngô Ngọc Phương Anh (hộ khẩu ở Tùng Lâm, P.7, TP. Đà Lạt) sau khi tiêm vắc-xin Quinvaxem, Sở Y tế Lâm Đồng vừa có kết luận: Đột tử không rõ nguyên nhân trên trẻ có tiêm Vắc-xin.

Như tin đã đưa về vụ việc bé Đinh Ngô Ngọc Phương Anh, tử vong vào ngày 16/3/2013, 1 ngày sau khi tham gia đợt tiêm chủng mở rộng toàn thành phố vào ngày 15/3/2013. Ngay sau đó, Sở Y tế Lâm Đồng đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, phối hợp với các đơn vị có liên quan xác minh theo quy định về sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế trong dự phòng và điều trị; Viện Pasteur TP.Hồ Chi Minh cũng đã tiến hành lấy mẫu lô vắc-xin tiêm cho trẻ để tiến hành kiểm tra chất lượng vắc-xin.

Sau khi thu thập đầy đủ thông tin cần thiết, ngày 28/3/2013, sở Y tế Lâm Đồng đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá, kết luận không rõ nguyên nhân tử vong trong trường hợp này.

Theo ông Đồng Sỹ Quang - Trưởng Phòng nghiệp vụ y dược Sở Y tế Lâm Đồng, đây là trường hợp có diễn biến lâm sàng rất nhẹ nhàng, trẻ chỉ có biểu hiện hơi sốt và quấy, không có biểu hiện nào khác thường, không phù hợp với bệnh cảnh của một phản ứng mạnh sau khi tiêm vắc-xin nên không thể kết luận cháu bé tử vong có liên quan đến việc tiêm văc-xin.

Kết luận này đánh giá chủ yếu trên căn cứ dữ liệu theo lời khai của gia đình về diễn biến của trẻ sau khi tiêm vắc-xin. Thêm vào đó, vì gia đình không đồng ý giám định pháp y nên không tìm ra được nguyên nhân .

Viện Pasteur Tp. Hồ Chí Minh đã đưa ra một số khuyến cáo khi phụ huynh đưa trẻ đi tiêm phòng: Trước khi cho trẻ tiêm ngừa, bà mẹ nên báo cho nhân viên tiêm phòng biết về tình trạng sức khoẻ trước đây và hiện nay của trẻ, để nhân viên y tế cân nhắc trước khi tiêm ngừa và có thể hoãn lại ngày tiêm nếu cần thiết. Tốt hơn nữa, nên hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi đưa trẻ đến nơi tiêm phòng. Sau khi tiêm ngừa vẫn cho trẻ tắm rửa, ăn uống như thường lệ, và nên theo dõi tình trạng sức khoẻ của bé sau 1 thời gian.

Trong một số trường hợp việc tiêm phòng có thể gây ra những phản ứng nguy hiểm cho trẻ. Những trường hợp này việc tiêm phòng sẽ được hoãn lại và chờ ý kiến quyết định của BS chuyên khoa. Những trường hợp đó gồm có:

• Trẻ đang sốt cao.
• Trẻ đang mắc bệnh nhiễm khuẩn cấp tính.
• Đang bị viêm da mủ, hoặc bệnh chàm ngoài da (eczéma).
• Trẻ đang mắc một bệnh mãn tính đang tiến triển như lao phổi, tràn dịch (có nước) màng phổi..., nhất là đang có bệnh ở thận (như viêm thận mạn tính v.v...).
• Trẻ mới khỏi các bệnh nói trên, nhưng còn đang trong thời kỳ hồi sức.

Diễm Thương - Võ Trang