Ngôi trường đạt chuẩn quốc gia ở vùng khó khăn

02:03, 12/03/2013

Đó là Trường Mầm non Ka Đơn - Đơn Dương. Nằm trong vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn, nhưng ngôi trường đã không ngừng nỗ lực vươn lên để đạt chuẩn quốc gia trong tháng 11/2012.

Đó là Trường Mầm non Ka Đơn - Đơn Dương. Nằm trong vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn, nhưng ngôi trường đã không ngừng nỗ lực vươn lên để đạt chuẩn quốc gia trong tháng 11/2012.
 
Mầm non Ka Đơn được thành lập năm 2000 ngay trung tâm Ka Đơn, một xã với đa số người dân tộc thiểu số sinh sống. Kinh phí xây dựng trường ban đầu từ nguồn 135 - Chương trình Phát triển kinh tế, xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi của Nhà nước. Lúc đầu trường cũng chỉ xây được dãy phòng học ở điểm trường chính, còn phòng học tại các phân hiệu ở các thôn là nhà mượn, tạm bợ; trang thiết bị bên trong của trường hầu như chẳng có gì. Con đường vào trường lúc đó, như những cô giáo dạy học nơi đây nhớ lại, là đường đất, mùa mưa lầy lội, học trò thì bữa đi học bữa nghỉ, các cô phải vừa trông cháu vừa đi vận động.

Bữa ăn phụ buổi chiều cho các cháu trong trường
Bữa ăn phụ buổi chiều cho các cháu trong trường


Mầm non Ka Đơn hôm nay là một ngôi trường khang trang, vào diện “đẹp” của xã vùng sâu Ka Đơn. Với tổng diện tích gần 9.000 m2, trường có 10 phòng học trong đó có 5 phòng chức năng, khuôn viên rộng rãi, có khu vui chơi phía trước, có bồn hoa, vườn cổ tích, cây xanh, có hoa viên được chăm chút, sạch sẽ, có một nhà bếp với thiết bị hợp vệ sinh cho các cháu, phòng học với nhà vệ sinh khép kín, có phòng y tế với y sĩ phụ trách. Bên cạnh điểm chính ở xã trường còn có 3 phân hiệu tại các thôn trong xã.

Năm học này Mầm non Ka Đơn có 351 cháu theo học tại 11 lớp trong đó có 10 lớp mẫu giáo, một nhóm trẻ. Hơn nữa trong số này (187 cháu) là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ (Chil, K’Ho, Chu Ru). Toàn trường có 37 cán bộ, giáo viên, công nhân viên đang công tác, trong đó có 20 giáo viên đứng lớp, 11 người đã tốt nghiệp đại học. Là trường công lập làm nhiệm vụ phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, nên nhà trường đã huy động được toàn bộ 168 học sinh 5 tuổi trên địa bàn đến lớp, đạt 100%.

 “Để được như hôm nay, nhà trường đã phải nỗ lực rất nhiều” - cô giáo Trần Thị Kim Thoa, Hiệu trưởng trường cho biết, chỉ việc vận động được các gia đình đưa cháu đến trường cũng là một vấn đề. “Vài năm gần đây Ka Đơn biến thành vùng trồng rau, nên ngày càng có nhiều người đến thuê đất làm ăn, tỷ lệ học sinh người Kinh tăng lên, chứ trước đây trường chủ yếu là học sinh dân tộc thiểu số, chiếm trên 80%” - cô Thoa kể lại. Để vận động được các gia đình đưa các cháu đi học mẫu giáo, duy trì và phát triển được số lượng, tạo được niềm tin trong các bậc cha mẹ, nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp, nhất là việc phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể trong xã để đến vận động từng nhà. “Chúng tôi cùng các đoàn thể như Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đến từng nhà vận động, nhờ các già làng trong thôn nói giùm khi có họp thôn”. Đồng thời nhà trường chú ý nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ tại trường, vận động các cấp, các ngành chức năng của xã và huyện đầu tư thêm cơ sở vật chất để trường ngày khang trang hơn. “Từ 5 lớp ban đầu khi thành lập, học sinh chủ yếu là các cháu dân tộc rất nhút nhát, bữa học bữa nghỉ, giáo viên trong trường đã phải vất vả rất nhiều để thay đổi được tập quán, được phụ huynh tín nhiệm nên sĩ số học sinh của trường ngày càng tăng lên, đến nay đã có đến 11 lớp học và tỷ lệ duy trì sĩ số của trường luôn đạt 100%” - cô Thoa cho biết.

Trong 3 năm nay, Mầm non Ka Đơn đã tổ chức bán trú toàn phần cho các cháu và chính nhờ tổ chức bữa ăn trưa với đầy đủ dinh dưỡng theo qui định nên tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong vùng đã giảm dần. Hầu hết các cháu trong trường qua kiểm tra y tế đều đạt chuẩn “bé khoẻ”. Điểm thuận lợi cho việc tổ chức bán trú như cô Thoa cho biết chính là trường học nằm trên vùng đặc biệt khó khăn nên các cháu đi học được hỗ trợ tiền ăn 120 nghìn đồng/cháu, cộng với 70 nghìn đồng hỗ trợ học tập cho mỗi cháu. Chi phí cho các cháu ăn trưa mỗi tháng 320 nghìn đồng/cháu được lấy từ nguồn này, còn thiếu phụ huynh đóng góp thêm.

Để nâng chất lượng giáo dục, Mầm non Ka Đơn đã triển khai chương trình giáo dục mới cho học sinh của mình, thực hiện bộ chuẩn cho trẻ 5 tuổi trong năm học này. Việc chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số được trường làm rất tốt, có phân chia thời gian cụ thể, lồng ghép, khuyến khích các cháu sử dụng trong quá trình dạy và học, trong giao tiếp hằng ngày để vào lớp 1 các cháu không bỡ ngỡ.

Tháng 11/2012 vừa qua, một vinh dự khi Mầm non Ka Đơn được tỉnh công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. “Là trường vùng sâu, còn rất nhiều khó khăn, nên Mầm non Ka Đơn đã phải cố gắng rất nhiều so với các trường vùng thuận lợi hơn để đạt được các tiêu chí theo qui định,  đặc biệt là việc duy trì sĩ số xây dựng nề nếp học tập, nâng cao chất lượng học sinh trường làm rất tốt, rất đáng được biểu dương, là một điểm sáng của khối mầm non tại huyện hiện nay” - ông Trần Văn Thảo, Trưởng Phòng Giáo dục Đơn Dương nhận xét.

Gia Khánh