Người hết lòng bảo quản an toàn tài liệu mộc bản

03:03, 06/03/2013

Để những tấm tài liệu ván in mộc bản được ngăn nắp, sạch sẽ, gọn gàng như ngày hôm nay, để rồi được UNESSCO vinh danh là tư liệu thế giới quả thật đó là niềm hạnh phúc vô bờ của những người làm lưu trữ.

Để những tấm tài liệu ván in mộc bản được ngăn nắp, sạch sẽ, gọn gàng như ngày hôm nay, để rồi được UNESSCO vinh danh là tư liệu thế giới quả thật đó là niềm hạnh phúc vô bờ của những người làm lưu trữ. Trong vinh dự và công lớn lao ấy, đã có những cá nhân âm thầm bao nhiêu năm bảo vệ, bảo quản khối tài liệu mộc bản từ những năm 80 của thế kỷ XX. Bây giờ có người đã về hưu, có người còn công tác, nhưng trong sâu thẳm, họ vẫn nhớ như in những khó khăn vất vả và những kỷ niệm không quên khi chỉ có 4 người bảo vệ và bảo quản hơn 30 ngàn tấm tài liệu quý giá an toàn đến ngày nay.

Ông Dương Quang Bền đang giới thiệu tài liệu
Ông Dương Quang Bền đang giới thiệu tài liệu


Để có được thông tin chính xác về những chuỗi ngày gian khó để bảo vệ, bảo quản kho mộc bản của triều Nguyễn từ những năm 1986 trong điều kiện cơ sở vật chất còn chưa có gì, chúng tôi đã tìm đến ông Dương Quang Bền, nguyên là Trưởng kho K2 thuộc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ông là người có đóng góp rất nhiều để gìn giữ khối tài liệu này, cũng là nhân vật chính mà chúng tôi nói đến trong bài viết này. Những đóng góp của ông cùng với những đồng nghiệp của mình từ năm 1986 - 2006, là một trong những chiến công thầm lặng trong việc gìn giữ bảo quản tài liệu.

Theo ông Dương Quang Bền, trước đây ông công tác trong lực lượng công an vũ trang 10 năm, sau đó ông chuyển ngạch sang Cục Lưu trữ từ tháng 5/1973, làm ở phòng tổ chức cán bộ. Năm 1985, ông được điều động vào trong Đà Lạt để quản lý gìn giữ bảo quản kho mộc bản này. Dịp 30/4/1975, mộc bản đã từng bị đưa ra Sân bay Cam Ly để mang đi nhưng không mang được, sau đó quân đội Việt Nam đã chuyển về bảo quản tại tầng hầm bưu điện trung tâm Đà Lạt và thư viện tổng hợp tỉnh. Nhưng vì tầng hầm bưu điện ngập nước và mộc bản bị ngập cả mét, do đó bùn đất và nấm mốc bám vào mộc bản rất nhiều, thậm chí còn phải mang cả mộc bản đi phơi nữa.

Do tình trạng như vậy nên mộc bản tiếp tục được di chuyển đến toà Dòng Chúa cứu thế nay là Viện Sinh học. Tại đây, mộc bản đã được đưa lên những tấm phản và chất đống, được ông Bền cùng với ba nhân viên của mình là bà Phạm Thị Thơm, Lê Thị Lạc, Hồ Văn Minh trông nom bảo vệ và bảo quản.

Từ khi mộc bản được chuyển về toà Dòng Chúa cứu thế, ông Bền cùng với ba nhân viên đã bỏ rất nhiều công sức để bảo quản khối tài liệu này. Hàng ngày, ông và đồng nghiệp đều phải lau chùi từng tấm một, để cạy từng mảng bùn đất dính trên mộc bản. Do số lượng tài liệu nhiều mà chỉ có ít người nên công việc bảo quản cũng hết sức khó khăn, cộng với việc thiếu thốn trang thiết bị bảo quản. Thậm chí ban ngày vào kho nghe tiếng mọt ăn gỗ chỗ nào là đi tìm cho bằng được tấm mộc bản đó để gõ cho mọt ra, vì lúc đó cũng không có thuốc diệt mọt. Hơn nữa, mộc bản lại nằm trong kho bị dột nóc nên việc nấm mốc rất nhiều.

Nhưng có lẽ phẩm chất của người lính đã không làm ông Bền nản chí, ông và các đồng nghiệp đã biết vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đặc biệt là bảo đảm an toàn cho tài liệu. Trong suốt thời gian trông coi bảo quản tài liệu tại Dòng Chúa cứu thế, ông cũng không nhớ nổi đã làm vệ sinh bao nhiêu tấm mộc bản nữa, nhưng có lẽ đó là công việc lặng lẽ mà có thể không được tận mắt chứng kiến thì ít ai dám tin. Bởi vệ sinh một tấm mộc bản không hề đơn giản, vì chữ Hán – Nôm khắc ngược trên mỗi tấm mộc bản nét chữ rất nhỏ, nếu đem giẻ lau hoặc bàn chải cọ thì sẽ bị mất chữ, mà phải dùng từng mũi nhọn cạy từng chút đất, chút mực khô còn che kín các chữ. Vì thế mới tránh được việc làm hỏng tài liệu.

Đến năm 1994, khi Cục Lưu trữ Nhà nước xin được mảnh đất số 2 Yết Kiêu, là khu đất của gia đình Ngô Đình Nhu – Trần Lệ Xuân cũ để bảo quản tài liệu mộc bản, thì một lần nữa ông và các đồng nghiệp lại bắt tay dọn dẹp, xây dựng nhà kho, lắp ráp kệ giá… để chuyển tài liệu về.

Lúc đó khu biệt thự số 2 Yết Kiêu hoang vu rậm rạp, cây cối ngút đầu, do đó ông và đồng nghiệp phải tự mình dọn dẹp, chặt cây, tỉa cành, phát hoang để lấy chỗ xây dựng kho số 4 dùng để bảo quản riêng mộc bản. Lúc đó, điều kiện điện nước, nhà kho cũng chẳng có, lại cố gắng đi xin điện nước để trông nom bảo quản được tốt hơn.

Thậm chí có hôm trời mưa gió, sợ các cành cây thông đổ vào mái nhà kho, ông cũng tự mình lên cây tỉa cành trong nỗi vất vả mà ít ai biết được. Những đóng góp của ông Bền cùng những đồng nghiệp tại kho K2 đã đảm bảo an toàn cho khối tài liệu mộc bản quý giá. Đến năm 2006, ông đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng ký ức vẫn luôn nhớ về những ngày trông nom bảo quản khối tài liệu mộc bản ấy vừa là vinh dự cũng là trách nhiệm nặng nề mà Nhà nước đã giao phó.    

Nguyễn Huy Khuyến