Nông dân với phong trào thi đua yêu nước

03:03, 03/03/2013

5 năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đã tích cực vận động hội viên tham gia vào các phong trào thi đua do Trung ương Hội Nông dân phát động. Từ các phong trào ấy đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương nông dân tiêu biểu, họ đã góp phần quan trọng xây dựng nền nông nghiệp, giai cấp nông dân và bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

5 năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đã tích cực vận động hội viên tham gia vào các phong trào thi đua do Trung ương Hội Nông dân phát động. Từ các phong trào ấy đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương nông dân tiêu biểu, họ đã góp phần quan trọng xây dựng nền nông nghiệp, giai cấp nông dân và bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Trên cơ sở xác định đúng mục tiêu, tỉnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp thiết thực, phù hợp được triển khai thực hiện nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển, khơi dậy tiềm năng, lợi thế của địa phương và nâng cao đời sống của nhân dân. Đến nay, trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã hoàn thành công tác quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, do vậy về cơ bản tỉnh đã hình thành được các vùng sản xuất tập trung như: vùng sản xuất rau, hoa, cà phê, chè, chăn nuôi đại gia súc… từng bước phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hoá. Có hơn 26.000 ha ứng dụng công nghệ cao (chiếm hơn 8% diện tích sản xuất nông nghiệp) với năng suất gấp 3 đến 10 lần so với sản xuất bình thường và doanh thu tăng cao (chè từ 250 đến 300 triệu đồng/ha, rau từ 400 đến 500 triệu đồng/ha, hoa từ 800 đến 1 tỷ đồng) đưa doanh thu bình quân trên 1 ha tăng từ 50 triệu lên 89 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh (chỉ còn 6,31%) và hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ngày càng nhiều (hiện nay có 48.257 hộ/gần 190.000 hộ sản xuất nông nghiệp).

Nhờ có sự quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng GDP luôn đạt ở mức 14%/năm và cao hơn bình quân chung của cả nước và các tỉnh Tây Nguyên. Tổng sản lượng và giá trị sản xuất nông nghiệp hàng năm đều tăng, năm sau cao hơn năm trước. Bộ mặt nông thôn có những chuyển biến sâu sắc, tích cực; đời sống của đại bộ phận nhân dân không ngừng được cải thiện cả về vật chất và tinh thần; số hộ nghèo ngày càng giảm đi (hiện nay tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 6,31%); nhà ở của nhân dân ngày càng khang trang hơn, tiện nghi sinh hoạt, phương tiện đi lại, thông tin liên lạc cũng phát triển nhanh; giao thông nông thôn được đặc biệt quan tâm đầu tư góp phần tích cực cho sinh hoạt, nhất là lưu thông sản phẩm nông nghiệp; 100% xã, phường, thị trấn có trường học, trạm xá kiên cố.

Các hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư phân bón, máy móc nông nghiệp, tập huấn kỹ thuật, tổ chức dạy nghề, giới thiệu việc làm, xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân giúp hội viên xây dựng mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Qua các phong trào thi đua yêu nước và hoạt động của các cấp Hội, trình độ và kinh nghiệm công tác của cán bộ Hội được nâng lên, chất lượng hoạt động của các cấp Hội có nhiều chuyển biến tiến bộ. Tính đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân của tỉnh đạt trên 11,1 tỷ đồng, trong đó, Quỹ Hỗ trợ nông dân do Trung ương phân bổ là 5.750 triệu đồng cho 251 hộ vay/13 dự án; Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh 2.940 triệu đồng cho 205 hộ vay/14 dự án (trong đó ngân sách tỉnh bổ sung 2 tỷ đồng) và quỹ cấp huyện đến nay đã huy động trên 2,1 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân hơn 1,6 tỷ đồng cho 327 hộ vay.

Trong hoạt động Hội và phong trào nông dân, bên cạnh việc các cấp Hội thường xuyên nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao chất lượng hội viên và tổ chức Hội nên tỷ lệ hội viên sinh hoạt thường xuyên trên 70%, tổ chức Hội vững mạnh ngày càng tăng. Trong nhiệm kỳ đã phát triển thêm 30.653 hội viên, nâng tổng số hội viên lên 142.000.

Với lực lượng đông đảo chiếm trên 74% dân số của tỉnh, giai cấp nông dân đã hăng hái thi đua lao động sản xuất, tích cực tham gia các phong trào, xây dựng nông thôn mới, nhất là trong thực hiện chủ trương chuyển đổi sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng gia đình nông dân văn hoá. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo ra diện mạo mới cho vùng nông thôn với hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, bưu điện, chợ, cơ quan, công sở, trường học, trạm xá phục vụ tích cực cho đời sống và sản xuất kinh doanh của nhân dân địa phương. Trong giai đoạn 2009-2012, Lâm Đồng huy động khoảng 5.195 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới. Đến nay, đã có 12 xã đạt từ 14-18 tiêu chí; đạt 9-13 tiêu chí có 34 xã; đạt từ 5-8 tiêu chí có 47 xã.

Có thể khẳng định, nông dân thực sự đóng vai trò trung tâm trong lĩnh vực chuyển đổi cơ cấu sản xuất của tỉnh, đã thể hiện rõ tinh thần làm chủ trong sản xuất, với ý chí quyết tâm và tinh thần vượt khó cao, điều đó đã góp phần quan trọng thúc đẩy giá trị sản xuất nông nghiệp, làm thay đổi rõ nét đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh. Chỉ riêng năm 2012 đã bình xét được 48.257 hộ đạt kinh doanh sản xuất giỏi các cấp, trong đó cấp trung ương 200 hộ, cấp tỉnh 4.118 hộ, cấp huyện 12.946 hộ và cấp cơ sở 30.993 hộ. Qua đó cho thấy, nông dân Lâm Đồng luôn cần cù, năng động, biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, vươn lên làm giàu chính đáng và từ đó ngày càng xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua, những triệu phú nông dân, những chiến sỹ tiên phong trên mặt trận nông nghiệp.

Lê Kiên