Rừng Phi Tô vẫn “nóng”

03:03, 14/03/2013

Chỉ trong 10 ngày (22/2 - 4/3), tại tiểu khu 243 Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Ban đã liên tiếp xảy ra 8 vụ phá rừng làm rẫy… và số diện tích rừng bị tàn phá tại khu vực này đến nay đã lên đến trên 32 ha.

Chỉ trong 10 ngày (22/2 - 4/3), tại tiểu khu 243 Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Ban đã liên tiếp xảy ra 8 vụ phá rừng làm rẫy… và số diện tích rừng bị tàn phá tại khu vực này đến nay đã lên đến trên 32 ha.  

Tuy vụ việc đã được phát hiện, ngăn chặn, nhưng việc phá rừng tại đây vẫn còn rất phức tạp, nếu các cơ quan, ban ngành không vào cuộc một cách đồng bộ, số diện tích rừng phòng hộ xung yếu trên sẽ vĩnh viễn “đội nón” ra đi.

Nhiều khoảnh rừng phòng hộ nay chỉ còn lại than và tro
Nhiều khoảnh rừng phòng hộ nay chỉ còn lại than và tro


Rừng xưa đã khép…

Ngày 12/3, có mặt tại “điểm nóng” về phá rừng làm rẫy, lấn chiếm đất lâm nghiệp, sang nhượng đất rừng trái phép tại khu vực tiểu khu 243 (nằm trên địa bàn xã Phi Tô, Lâm Hà), chúng tôi không thể tin nổi những cánh rừng phòng hộ xung yếu chạy dọc theo thượng nguồn con suối Đạ Chomo ngày nào, nay chỉ còn lại than và tro.

Tại đây, với cái nắng gay gắt của mùa khô Tây Nguyên phả vào những quả đồi khô khốc, trọc lốc vì cây rừng đã bị cạo trọc; rừng bị chặt hạ, bị luỗng và đốt cháy nham nhở, càng làm cho cái nóng trở nên hầm hập. Một số khoảnh rừng còn sót lại thì cũng bị cháy sém, chết đứng… Một số người dân có rẫy cà phê gần đó cho biết, số diện tích rừng bị tàn phá này là do người dân ở xã Mê Linh (Lâm Hà) chặt hạ cách đây khoảng vài tháng, và việc này vẫn cứ tiếp diễn, nếu cứ như vậy thì chỉ khoảng một tháng nữa là không còn rừng.  

Theo thống kê của cơ quan chức năng huyện Lâm Hà, tính đến thời điểm này, tổng số diện tích rừng tại tiểu khu 243 đã bị tàn phá, đốt cháy lên đến 32,5 ha, trong đó diện tích phá và đốt mới là 21 ha, số còn lại do bà Phan Thị Hằng (ngụ tại khu vực bãi xái Đạ Chomo, xã Phi Tô) thuê người chặt phá trái phép vào năm 2010, hiện bà Hằng đã bị xử lý hình sự, với 3 năm tù giam. Toàn bộ số diện tích rừng bị phá, bị đốt trên thuộc một phần của khoảnh 3, 7, tiểu khu 243. Đây là diện tích thuộc đối tượng rừng phòng hộ xung yếu (Quyết định 450/QĐ-UBND, ngày 19/2/2008, của UBND tỉnh Lâm Đồng về phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2008 - 2020); rừng tái sinh tự nhiên (trạng thái IIa), do Ban Quản lý Rừng phòng hộ (RPH) Nam Ban quản lý.

Cuộc chiến giữ rừng

Ngày 7/3, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở NN-PTNT, UBND huyện Lâm Hà, Ban Quản lý RPH Nam Ban khẩn trương thành lập đoàn công tác trực tiếp gặp gỡ các già làng, những người có uy tín để tiếp xúc với người dân, tổ chức tuyên truyền, vận động…, chấm dứt ngay tình trạng phá rừng làm rẫy trái phép. Đối với Công an huyện Lâm Hà, UBND các xã Mê Linh, Phi Tô và các đơn vị liên quan phải vào cuộc nắm chắc các đối tượng cầm đầu phá rừng để có biện pháp xử lý; giao cho cơ quan kiểm lâm tổ chức giải tỏa diện tích rừng bị phá để giao lại cho đơn vị quản lý trồng lại rừng ngay trong mùa mưa năm 2013 này.

Ông Lê Hồng Nhân - Trưởng Ban Quản lý RPH Nam Ban bộc bạch, chúng tôi đã làm hết sức trong “cuộc chiến” giữ rừng này rồi. Đơn vị đã thành lập tổ, rồi trạm và cắt cử 1/3 quân số của Ban thực hiện bám trụ, trực chiến 24/24 để kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhưng vẫn không xuể.

Theo ông Nhân, lịch sử của khu vực rừng nói trên trước đây do Công ty TNHH Việt Thái quản lý, bảo vệ, mặc dù doanh nghiệp đã đầu tư vào đó rất nhiều, nhưng do tình trạng người dân phá rừng lấy đất làm rẫy cứ diễn ra liên tục, cuối cùng doanh nghiệp phải làm văn bản trả rừng lại cho tỉnh. Tháng 9/2011, UBND tỉnh có văn bản giao cho Ban Quản lý RPH Nam Ban quản lý, với diện tích trên 100ha, trong đó có khoảng 25 - 30 ha đã bị tác động từ trước (bị người dân chặt phá, lấy đất lập rẫy, trồng cà phê). Ngay sau khi tiếp nhận, Ban tiến hành thống kê có khoảng 40 hộ dân ở thôn Cổng Trời, Hang Hớt, Thực Nghiệm và buôn Chuối (xã Mê Linh) có diện tích cà phê trái phép trong khu vực trên, đơn vị cũng đã phối hợp với kiểm lâm, lãnh đạo xã Mê Linh, Phi Tô, các già làng, trưởng bản có uy tín tại 4 khu dân cư để giải thích, vận động bà con tự giải tỏa cây trồng trên diện tích đất rừng lấn chiếm trái phép, nhưng bà con không chấp hành và cho rằng họ đang thiếu đất sản xuất, nếu nhà nước không bố trí đất thì bà con sẽ còn tiếp tục phá rừng.

Tháng 3/2012, Ban quyết định thành lập đoàn giải tỏa liên ngành tiến hành cưỡng chế, giải tỏa số diện tích cà phê trên để trồng lại rừng. Tuy nhiên, trong quá trình giải tỏa, người dân ở 4 thôn trên mang theo hung khí gồm xà gạc, mã tấu, dao, rựa… xông vào tấn công những cán bộ làm công tác giải tỏa; đập phá trạm. Hậu quả làm nhiều cán bộ kiểm lâm bị thương, trong đó có đồng chí bị đập vỡ cả mũ bảo hiểm, có người còn bị một số thanh niên quá khích đánh và dùng chân dẫm lên mặt. Và cũng từ đó đến nay, việc phá rừng lập rẫy trái phép vẫn cứ âm ỉ diễn ra, cho đến dịp trước, trong và sau Tết Quý Tỵ 2013, người dân ở 4 địa phương trên lại tiếp tục vào phá rừng, lập rẫy…, khi cán bộ kiểm lâm tiếp cận được hiện trường thì người dân lảng tránh, nhưng vừa quay lưng thì lại tiếp tục chặt hạ rừng, và đến ngày 19-20/2 thì đồng loạt đốt rẫy, gây cháy trên 20 ha rừng tại tiểu khu 243.

Không dừng lại ở đó, sau khi tình trạng người dân phá rừng có tổ chức xảy ra, một số đối tượng giang hồ, đầu gấu, đầu nậu ở Nam Ban, Mê Linh và TP.Đà Lạt lại nhảy vào thuê người tiếp tục triệt hạ rừng, lấn chiếm đất trái phép, khi bị phát hiện thì hăm dọa sẽ chém tất cả những ai ngăn cản. Cụ thể, ngày 19/2, lực lượng chức năng của Ban phát hiện, lập biên bản, tạm giữ người về hành vi phá rừng trái phép với diện tích khoảng 2.000m2 đối với 2 đối tượng Ya Dim và Ya Ngân (đều 37 tuổi, ngụ Phú Hội, Đức Trọng), ngay sau khi bàn giao 2 đối tượng trên cho Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà tiếp tục điều tra xử lý, thì một đối tượng đầu nậu tên Công (ngụ tại bãi xái Đạ Chomo, hộ khẩu thường trú tại xã Mê Linh) đã gọi điện thoại trực tiếp cho Trưởng Ban quản lý RPH Nam Ban yêu cầu phải thả ngay người, nếu không hãy coi chừng tính mạng.

“Sự việc này cũng chỉ là số ít trong rất nhiều vụ hăm dọa, thậm chí chặn đường hành hung những người giữ rừng, tuy nhiên đã chấp nhận theo nghề này thì không thể nhụt chí, nếu nhụt chí rừng sẽ mất…” - ông Nhân thổ lộ.

Thụy Trang