Lấy ý kiến cựu tù cách mạng về dự án trùng tu di tích Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt

04:03, 05/03/2013

Nhằm triển khai dự án trùng tu tôn tạo Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt (Di tích lịch sử cấp quốc gia), Sở VH-TT-DL Lâm Đồng vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến các cựu tù từng bị giam giữ ở Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt của chế độ cũ (1971 - 1973). Tham dự hội thảo có 29 cựu tù và nhân chứng (trong đó 1 nhân chứng nguyên là giám thị).

Nhằm triển khai dự án trùng tu tôn tạo Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt (Di tích lịch sử cấp quốc gia), Sở VH-TT-DL Lâm Đồng vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến các cựu tù từng bị giam giữ ở Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt của chế độ cũ (1971 - 1973).

Tham dự hội thảo có 29 cựu tù và nhân chứng (trong đó 1 nhân chứng nguyên là giám thị).

Theo các chứng tích và cứ liệu lịch sử: Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt gồm 2 khu vực: khu giam giữ tù nhân và khu bệnh xá - hướng nghiệp. Khu giam giữ tù nhân chia làm 3 dãy nhà quây vòng theo hình chữ U gồm 8 phòng giam lớn (trong đó có 2 phòng nữ). Ngoài ra, có phần sân và cột cờ, khu vực văn phòng, nhà bếp, nhà ăn, nhà ở dành cho lính... Xung quanh nhà lao được bao bọc bởi hàng rào dây kẽm gai dày 7 - 10 lớp được cài mìn và gắn với đường điện để đề phòng tù nhân vượt ngục và các bốt canh. Mái nhà lợp ngói, trên trần nhà cũng được chằng dây kẽm gai; tường nhà xây bằng đá dày 30 - 40cm.

Sau ngày miền Nam giải phóng, khu vực Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt được giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quản lý, cải tạo làm nơi khám chữa bệnh cho bộ đội với tên gọi Bệnh xá H32 (đường vòng Hồ Xuân Hương đi hồ Than Thở) nên một số dấu tích đã bị thay đổi cho phù hợp công năng của một bệnh xá. Bên cạnh việc trùng tu, tôn tạo đúng hiện trạng, Sở VH-TT-DL sẽ bổ sung thêm một số công trình văn hoá và công trình phục vụ khách tham quan như: quầy hàng lưu niệm, nhà truyền thống, khu tưởng niệm; đồng thời sưu tầm những kỷ vật, những câu chuyện kể của các nhân chứng, các cựu tù.

Ý kiến của các cựu tù nhất trí cao về mặt hình thức là trùng tu đúng nguyên trạng: cửa ra vào, bốt gác, song sắt, xà lim, hàng rào kẽm gai... Nhiều ý kiến đóng góp về mặt nội dung: cần thể hiện đúng bản chất của một nhà lao, phục dựng lại các cảnh: chống chào cờ ba que, đấu tranh vượt ngục, mổ bụng phản đối; xây dựng đài tưởng niệm để tưởng nhớ các cựu tù đã mất và thấy rõ tinh thần đầu tranh bất khuất kiên cường của thế hệ thiếu niên thời bấy giờ.

Việc trùng tu khôi phục và giữ nguyên hiện trạng Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt là một việc làm có trách nhiệm, để biến nơi đây thành một nơi tham quan tìm hiểu về lịch sử, nhằm giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho các thế hệ thanh thiếu nhi, bồi dưỡng lý tưởng cao đẹp và lòng yêu nước của tuổi trẻ Việt Nam.

QUỲNH UYỂN