Sôi nổi tại một diễn đàn đối thoại

03:03, 27/03/2013

Nhân kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, chiều ngày 26/3/2013, huyện Di Linh đã tổ chức Diễn đàn đối thoại giữa lãnh đạo Huyện uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ và các ngành với cán bộ, đoàn viên thanh niên trong huyện...

Nhân kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, chiều ngày 26/3/2013, huyện Di Linh đã tổ chức Diễn đàn đối thoại giữa lãnh đạo Huyện uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ và các ngành với cán bộ, đoàn viên thanh niên trong huyện. Diễn đàn đã diễn ra sôi nổi, nhiều ý kiến thiết thực của tuổi trẻ được đưa ra và đã được trao đổi, đối thoại trực tiếp.

Toàn cảnh buổi diễn đàn đối thoại
Toàn cảnh buổi diễn đàn đối thoại


* NGUYỄN VĂN ANH (Bí thư Đoàn cơ sở thị trấn Di Linh): Việc chăm lo đời sống của người dân nói chung và tuổi trẻ nói riêng là vấn đề mà Đảng và Nhà nước luôn quan tâm. Tuy nhiên, vấn đề lâu nay tuổi trẻ băn khoăn nhất là việc sau khi học và tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng hoặc trung học chuyên nghiệp, sinh viên ra trường xin việc làm rất khó; thậm chí không xin được việc làm theo ngành, nghề đã được đào tạo, rốt cuộc không ít sinh viên vẫn chỉ là một nông dân tầm thường. Mặt khác, việc tiếp cận với khoa học kỹ thuật đã khó, nhưng còn dễ hơn với việc tiếp cận vốn, nhất là đối với đoàn viên, thanh niên khi mới lập nghiệp… Vậy, Nhà nước, hay nói cụ thể hơn là lãnh đạo địa phương, nên có cách giải quyết điều đó như thế nào.

* VÕ ĐÌNH TRUNG (Bí thư Đoàn cơ sở xã Liên Đầm): Với vai trò của Đoàn, chúng tôi rất hiếu động, muốn tổ chức cho thanh niên nhiều hoạt động, nhiều “sân chơi” thiết thực, sôi nổi, nhưng ngược lại “lực bất tòng tâm”, vì không có kinh phí. Chẳng hạn, muốn tổ chức một sân bóng đá mini nhưng không có điều kiện. Ở cấp xã, kinh phí hoạt động của Đoàn quá ít, không có chế độ công tác phí, v.v… Vậy, làm thế nào để “gỡ” khó khăn này?

* LÊ THỊ TRÚC MAI (Bí thư Đoàn cơ sở xã Hoà Trung): Đối với Di Linh, đến mùa vụ cà phê thì rất cần lao động. Nhưng khi hết mùa vụ thì lao động nhàn rỗi khá nhiều, không ít đoàn viên, thanh niên không có việc làm, vì không có nghề nghiệp. Trong số đó, có đoàn viên, thanh niên muốn tiếp cận với các mô hình mới để làm ăn nhưng không có vốn?

* LƯU VĂN DUYÊN (Phó Bí thư Đoàn cơ sở xã Gung Ré): Bản thân tôi xác định được rằng, Đoàn có vai trò rất nặng nề đối với đoàn viên và thanh niên. Muốn hoàn thành được nhiệm vụ của mình, trước hết, Đoàn phải biết tập hợp, phải biết nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng sinh hoạt Đoàn. Có như vậy, Đoàn mới thu hút được tuổi trẻ tham gia. Tuy nhiên, đối với phong trào của Đoàn, lãnh đạo ở địa phương cũng cần giao những công trình, những việc làm cụ thể và tạo điều kiện để tuổi trẻ hoàn thành công việc được giao. Qua đó, Đoàn cũng sẽ góp phần giải quyết việc làm cho thanh niên…

* Những ý kiến của tuổi trẻ đưa ra tại Diễn đàn đã được lãnh đạo địa phương và các cơ quan, đơn vị giải đáp, đối thoại:

Vấn đề khó khăn nhất lâu nay mà lãnh đạo địa phương cũng đành “bó” tay là không thể giải quyết việc làm cho tất cả sinh viên tốt nghiệp ra trường được. Số lượng sinh viên ra trường được giải quyết việc làm tại các cơ quan của huyện cũng chỉ giới hạn mà thôi và phải thông qua thi tuyển. Thực hiện Đề án Tây Nguyên, huyện chỉ giải quyết việc làm cho 25 sinh viên. Việc thực hiện Đề án bố trí sinh viên trẻ làm phó chủ tịch UBND xã cũng chỉ được 10 xã có cơ hội (ưu tiên cho sinh viên DTTS). Cho nên, một vấn đề đặt ra, sinh viên phải xác định là khi học xong, không nhất thiết là làm việc tại các cơ quan Nhà nước, mà phải năng động, có thể tự tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo ra việc làm cho chính mình.

Trong những năm qua, huyện cũng đã quan tâm cân đối cấp kinh phí để Đoàn hoạt động. Tuy nhiên, mức kinh phí được cấp cũng chỉ giới hạn (năm 2011: 87 triệu, năm 2012: 120 triệu và năm 2013: 243 triệu đồng). Việc cấp kinh phí cũng chỉ có tính chất hỗ trợ. Do vậy, Đoàn cần vận động “xã hội hoá” trong các hoạt động của Đoàn. Còn việc tiếp cận vốn để lập nghiệp, tuy khó khăn, nhưng không có nghĩa là không đáp ứng được, mà vấn đề đặt ra là phải có dự án. Chỉ riêng đối với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Di Linh, trong tổng số dư nợ gần 200 tỷ đồng, rất tiếc Đoàn chỉ có dư nợ (uỷ thác) 11 tỷ đồng, chiếm một tỷ lệ rất thấp so với các đoàn thể khác.

BÙI TRƯỞNG