Tại Đăk Lăk: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S trình bày tham luận về cà phê Lâm Đồng

02:03, 10/03/2013

(LĐ online) - Ngày 10-3, trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4, năm 2013, tại “Hội nghị triển vọng ngành cà phê”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S đã có bài tham luận nêu bật những thành tựu, triển vọng cũng như khó khăn, thách thức của ngành cà phê Lâm Đồng.

(LĐ online) - Ngày 10-3, trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4, năm 2013, tại “Hội nghị triển vọng ngành cà phê”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S đã có bài tham luận nêu bật những thành tựu, triển vọng cũng như khó khăn, thách thức của ngành cà phê Lâm Đồng.
 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S (bìa phải) tại hội nghị
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S (bìa phải) tại hội nghị


Trình bày tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S đã khẳng định Lâm Đồng với vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu ôn hoà, lượng mưa hàng năm lớn, nguồn nhân lực dồi dào… là những điều kiện quan trọng để ngành công nghiệp cà phê Lâm Đồng tăng tốc phát triển. Tính đến năm 2012, tổng diện tích cà phê của Lâm Đồng là 145.735ha, đạt sản lượng 376.954 tấn, đứng thứ 2 cả nước (sau Đăk Lăk).

Trong những năm qua, ngành cà phê Lâm Đồng đã được những thành quả quan trọng, từ việc giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền người trồng cà phê đã mạnh dạn phá bỏ những giống cà phê cũ, già cỗi sang chuyên canh những giống cà phê mới như TR4, TR5, TR6, TR9, TS1, TS2... mà đến nay năng suất cà phê của Lâm Đồng đã đạt từ 5 - 7 tấn/ha. Toàn tỉnh hiện có 65 đơn vị, 2 chi nhánh và 564 hộ cá thể tham gia thu mua, kinh doanh, sơ chế cà phê. Sản phẩm cà phê Lâm Đồng bước đầu đã chứng nhận (Utz, 4C) với diện tích 40.092ha, sản lượng 145.140 tấn tại các vùng trọng điểm như Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lâm và Bảo Lộc thông qua 12 công ty sản xuất, kinh doanh cà phê trong và ngoài nước đóng trên địa bàn. Hiện tại, Lâm Đồng đang đẩy mạnh công tác rà soát, xác định diện tích cà phê cần cải tạo, chuyển đổi sang trồng những giống cà phê cho năng suất và chất lượng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những điều kiện thuận lợi cơ bản để thúc đẩy ngành cà phê Lâm Đồng phát triển, trong bài tham luận của mình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S cũng đã nêu ra những khó khăn, thách thức như diện tích cà phê còn phát triển trong dân một cách tự phát, chạy theo thị trường mà thiếu tính định hướng; một số nơi do thiếu những điều kiện thiết yếu như nguồn giống, kỹ thuật chăm sóc, địa hình… đã dẫn đến năng suất và chất lượng cà phê chưa cao. Nguồn vốn hỗ trợ công tác chuyển đổi giống cây cà phê chưa đáp ứng được yêu cầu, còn dàn trải, nông dân gặp không ít khó khăn về nguồn vốn do chi phí đầu tư, cải tạo cao. Các liên minh sản xuất cà phê chưa nhiều, hiện nông dân vẫn quản lý trên 95% diện tích, số còn lại là cách doanh trại và doanh nghiệp, do đó chưa có điều kiện tập trung đầu tư kỹ thuật để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.       

Để ngành cà phê Lâm Đồng ngày càng phát triển, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S đã nêu ra những định hướng và giải pháp cơ bản như đẩy mạnh công tác quy hoạch, trong đó có quy hoạch chi tiết vùng sản xuất cà phê theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Triển khai các đề án chuyên đề cây cà phê như đề án “Nâng cao chất lượng giống cây trồng vật nuôi”, đề án “ghép cải tạo cà phê” và đề án “Bảo quản chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năng 2020”. Đầu tư, tăng cường chiều sâu ứng dụng công nghệ cao đối với cây cà phê; hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư vào ngành cà phê…

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã đánh giá cao ngành cà phê Việt Nam trong những năm qua, nhất là sự đóng góp mang tính quyết định của ngành trồng, sản xuất, chế biến cà phê hai tỉnh Đăk Lăk và Lâm Đồng. Từ một nước trồng cà phê chưa có tên trên bản đồ cà phê thế giới, đến nay Việt Nam đã trở thành vùng chuyên canh và sản xuất cà phê lớn thứ 2 thế giới.

Ngô Khắc Lịch