Tấm lòng “vàng” của hai cụ tuổi cao

03:03, 28/03/2013

Với tuổi già đã ngoài “thất tuần”, đáng lẽ hai cụ phải được nghỉ ngơi để an dưỡng tuổi già. Vậy mà cả hai vẫn một lòng “ươm mầm” thiện. Đã gần 2 năm qua, đều đặn hàng tuần (trừ thứ 7 và chủ nhật), các bệnh nhân ở Bệnh viện Y học cổ truyền Bảo Lộc, trẻ mồ côi Mái ấm Tín Thác luôn có được bữa ăn sáng từ nồi cháo của hai cụ.

Đã gần 2 năm qua, đều đặn hàng tuần (trừ thứ 7 và chủ nhật), các bệnh nhân ở Bệnh viện Y học cổ truyền Bảo Lộc, trẻ mồ côi Mái ấm Tín Thác luôn có được bữa ăn sáng từ nồi cháo của hai cụ. Hai cụ nói: “Để có được nồi cháo như ngày hôm nay, công sức của riêng chúng tôi chẳng dám kể tới, nhưng phải kể đến các “cộng sự” của chúng tôi”.

Cụ Thành và cụ Châu
Cụ Thành và cụ Châu


Từ tháng 7/2011 đến nay, tấm lòng “vàng” của hai cụ, tất cả cán bộ, nhân viên, y, bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền Bảo Lộc và cả các bệnh nhân điều trị tại đây, ắt hẳn ai cũng biết đến. Với tuổi già đã ngoài “thất tuần”, đáng lẽ hai cụ phải được nghỉ ngơi để an dưỡng tuổi già. Vậy mà cả hai vẫn một lòng “ươm mầm” thiện. Hai cụ chính là Nguyễn Tấn Thành (74 tuổi, ngụ tại phường Lộc Sơn) và Nguyễn Văn Châu (72 tuổi, ngụ tại phường B’Lao, TP Bảo Lộc).

“Hiện nay, ngoài việc duy trì nồi cháo, hàng tháng cụ Thành và cụ Châu còn hỗ trợ 500 ngàn đồng giúp các cháu ở Mái ấm Tín Thác. Ngoài ra, hai cụ còn gửi tiết kiệm được 70 triệu đồng để lấy tiền lãi gây quỹ cho nồi cháo. Dự định của hai cụ là trong thời gian tới sẽ cung cấp thêm khoảng 50 suất cháo cho Bệnh viện huyện Bảo Lâm, nếu họ có nhu cầu”.

Cả hai cụ trước đây đều là cán bộ công tác tại Xí nghiệp chè tại Bảo Lộc. Đối với ông Thành, “cơ duyên” để cụ đến với từ thiện là từ ngày cụ được gặp thầy giáo Đồng Hảo (Trưởng Nhóm từ thiện Hỷ Lạc, TP Hồ Chí Minh). Cụ Thành tâm sự: “Cách đây 2 năm, tôi là cầu nối để các thầy, đặc biệt là thầy Đồng Hảo (ở Hỷ Lạc) làm từ thiện ở vùng Bảo Lộc và Bảo Lâm. Ngày đó, tôi có nhiệm vụ tìm hiểu các hoàn cảnh nghèo khó để Hỷ Lạc giúp đỡ”. Còn đối với cụ Châu, trước đây cụ cũng là thành viên của Nhóm từ thiện Thiện Lạc. Chính “cơ duyên” đó đã gắn kết hai cụ lại với nhau, lập nên nồi cháo từ thiện bây giờ.

Trong 6 tháng đầu, khi mới có nồi cháo, hai cụ luôn nhận được sự giúp đỡ của thầy giáo Đồng Hảo, với số tiền được hỗ trợ là 2 triệu đồng/tháng. Cụ Thành cho biết: “Thời gian đầu, mặc dù được thầy Đồng Hảo hỗ trợ kinh phí để duy trì nồi cháo, nhưng hai chúng tôi vẫn có kế hoạch của riêng mình. Chúng tôi tự lực để hoàn thiện nồi cháo. Cũng từ đó, chúng tôi phân công trách nhiệm cho nhau. Tôi thì nấu cháo, còn ông Châu có trách nhiệm vận động sự ủng hộ của các cộng sự”. Hiện tại, mỗi ngày hai ông nấu khoảng 130 suất cháo để cung cấp bữa ăn sáng cho bệnh nhân ở Bệnh viện Y học cổ truyền và các cháu mồ côi ở Mái ấm Tín Thác (Lộc Phát). Cháo được nấu từ gạo và 3 loại đậu (đậu đen, đậu đỏ và đậu trắng) nên hợp với khẩu vị người bệnh. Bác sĩ Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Bảo Lộc, tâm đắc: “Tôi đã ăn thử cháo của hai cụ nấu và các đồng nghiệp tôi cũng vậy. Quả là, cháo hai cụ nấu rất ngon, hợp vệ sinh. Thay lời các bệnh nhân đang điều trị ở Bệnh viện, tôi ghi nhận tấm lòng của hai cụ và các cộng sự trong thời gian qua đã cung cấp bữa ăn sáng miễn phí cho bệnh nhân”.

Để duy trì nồi cháo đến bây giờ, mỗi ngày phải có từ 220 – 250 ngàn đồng (hàng tháng ít nhất phải có 5 – 6 triệu đồng). Vì vậy, ngoài công sức bỏ ra của người nấu, làm thế nào để có tiền mua gạo, mua đậu mới là quan trọng. Trách nhiệm này thuộc về cụ Nguyễn Văn Châu. Cụ Châu là người trực tiếp lo tiền. Cụ phải đi vận động đồng nghiệp, bạn bè quyên góp tiền. Hiện tại, nồi cháo có 28 cộng sự. Hàng tháng, mỗi người đóng góp từ 50 – 500 ngàn đồng cho cụ Châu. Ngoài sự đóng góp của các cộng sự, mỗi tháng cụ Châu còn tự ủng hộ cho nồi cháo 1,9 triệu đồng. Tất cả số tiền này được ghi chép sổ sách và công khai minh bạch. Cụ Châu vui mừng chia sẻ: “Từ lúc nồi cháo được hình thành, tôi luôn nhận được đóng góp của bạn bè, đồng nghiệp. Họ tin tưởng ở tôi, nên việc xin tiền chưa gặp bất kỳ khó khăn nào”. Ngoài hai cụ và 28 cộng sự luôn góp tiền để duy trì nồi cháo, cứ mỗi sáng, người trực tiếp chở cháo đi phát cho bệnh nhân cần được ghi nhận và kể đến. Đó là em Nguyễn Đức Kiên (học sinh lớp 8, Trường THCS Lộc Sơn, Bảo Lộc).

KHÁNH PHÚC