Công đoàn ngành Xây dựng: Quan tâm chăm lo đời sống người lao động

02:03, 07/03/2013

Trong 5 năm qua (2008 - 2012), Công đoàn ngành Xây dựng đã tập trung chỉ đạo các công đoàn cơ sở (CĐCS) phối hợp với chuyên môn chăm lo đời sống người lao động.

Trong 5 năm qua (2008 - 2012), Công đoàn ngành Xây dựng đã tập trung chỉ đạo các công đoàn cơ sở (CĐCS) phối hợp với chuyên môn chăm lo đời sống người lao động.

Công đoàn ngành Xây dựng có 18 CĐCS trực thuộc, trong đó có 2 đơn vị hành chính sự nghiệp, 1 doanh nghiệp nhà nước, 14 công ty cổ phần và 1 công ty TNHH. Tính đến cuối năm 2012, toàn ngành có 1.883 công nhân viên chức - lao động (CNVC-LĐ), trong đó có 1.765 đoàn viên công đoàn.

Bảo đảm an toàn lao động trên các công trình xây dựng - trách nhiệm của đơn vị và tổ chức Công đoàn
Bảo đảm an toàn lao động trên các công trình xây dựng - trách nhiệm của đơn vị và tổ chức Công đoàn

Trong 5 năm qua, Ban Thường vụ Công đoàn ngành Xây dựng đã tập trung tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc của công nhân lao động, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Hàng năm, Công đoàn ngành đã chủ động hướng dẫn các CĐCS trực thuộc phối hợp với chuyên môn tổ chức đại hội CNVC, hội nghị CBCC, hội nghị người lao động ngay từ đầu năm. Qua đó, 100% CĐCS cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước trong ngành đều mở đại hội CNVC và hội nghị người lao động bảo đảm chất lượng, đúng quy trình. Riêng đối với các doanh nghiệp ngoài nhà nước, trong các năm 2008, 2009 chỉ có 70 - 80% đơn vị tổ chức được hội nghị người lao động và từ năm 2010 đến nay đã có trên 90% đơn vị tổ chức hội nghị người lao động. Thông qua đại hội CNVC, hội nghị CBCC, hội nghị người lao động, các quyền dân chủ của CBCC, CNLĐ đã được phát huy, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ công tác và kế hoạch sản xuất - kinh doanh, cũng như giải quyết những vấn đề liên quan đến chế độ chính sách, quyền lợi của người lao động. Đến nay, 100% doanh nghiệp trong ngành Xây dựng đã tổ chức thương lượng, ký kết được Thoả ước lao động tập thể, thành lập được Hội đồng hoà giải tranh chấp lao động cơ sở; hầu hết CNLĐ sau thời gian thử việc đều được ký hợp đồng lao động, được tham gia đầy đủ các chế độ BHXH, BHYT… Công đoàn ngành Xây dựng cũng đã phối hợp với LĐLĐ tỉnh tổ chức kiểm tra được trên 60% doanh nghiệp trong ngành về việc thực hiện chế độ chính sách và pháp luật lao động tại đơn vị. Bên cạnh đó, Công đoàn ngành còn thường xuyên chỉ đạo các CĐCS tham mưu cho chuyên môn tạo điều kiện, khuyến khích cán bộ, CNVC-LĐ học tập văn hoá, ngoại ngữ, nâng cao trình độ tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ… Trong 5 năm qua, đã có gần 200 lượt công nhân được đào tạo nghề mới về sản xuất vật liệu xây dựng và tổ chức thi tay nghề nâng bậc thợ cho gần 1.200 lượt CNLĐ trong các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, cấp thoát nước; có 285 cán bộ, CNVC-LĐ trong ngành được học ngoại ngữ, vi tính; có 90 cán bộ được cử đi học các lớp về quản lý nhà nước, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, học đại học tại chức chuyên ngành xây dựng, học cao cấp và cử nhân chính trị…

Xác định để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp, chăm lo đời sống cho người lao động, Công đoàn cần phải góp phần đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, bảo đảm hài hoà lợi ích của người lao động với doanh nghiệp. Trước những khó khăn phải đối mặt của những đơn vị sản xuất - kinh doanh trong cơ chế thị trường như năng lực cạnh tranh, vốn, chất lượng lao động, chất lượng sản phẩm… CĐCS trong các doanh nghiệp đã phối hợp với chuyên môn vận dụng các cơ chế, chính sách để cơ cấu lại doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình hoạt động của doanh nghiệp thông qua cổ phần hoá. Kết quả trong 5 năm 2008 - 2012, đã có 5 đơn vị trong ngành cấp thoát nước Lâm Đồng được cổ phần và nhiều doanh nghiệp trong ngành sản xuất vật liệu xây dựng đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, đa dạng hoá sản phẩm… Từ đó, đã tạo được việc làm ổn định, đời sống của người lao động không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân của lao động trong ngành đạt 4,4 triệu đồng/người/tháng; ngoài các chế độ như BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, các doanh nghiệp còn thực hiện đầy đủ chế độ bồi dưỡng hiện vật ca 3, chế độ cho lao động làm việc trong môi trường có yếu tố độc hại với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng.

Kết quả đạt được trong giai đoạn 2008 - 2012 của Công đoàn ngành Xây dựng là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, dự báo tình hình kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, tác động tiêu cực đến tổ chức Công đoàn và CNLĐ ngành Xây dựng. Nguy cơ thu hẹp sản xuất hoặc giải thể doanh nghiệp vẫn đang hiển hiện; sẽ có một bộ phận đoàn viên - người lao động bị mất việc làm, dẫn đến tình trạng quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động bị xâm phạm… Thực trạng đó đòi hỏi Công đoàn ngành Xây dựng thời gian tới cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, xây dựng đội ngũ CNVC - LĐ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn; nhằm thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Bên cạnh đó, tổ chức tốt các phong trào thi đua nhằm phát triển doanh nghiệp, đơn vị; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.

LÊ HỮU TÚC