Tổ chức có hiệu quả công tác vận động nữ công trong tình hình mới

03:03, 03/03/2013

Nữ CNVC-LĐ đã và đang cùng với CNVC-LĐ trong tỉnh tham gia lao động sản xuất, công tác trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đóng góp quan trọng vào các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Năm 2008 toàn tỉnh Lâm Đồng có 31.840 nữ CNVC-LĐ, đến 31/12/2012 đã tăng lên 35.774 CNVC-LĐ (chiếm 56,3% trên tổng số CNVC-LĐ toàn tỉnh), đang tham gia sinh hoạt tại 841 Ban Nữ công trong 1.467 công đoàn cơ sở. Nữ CNVC-LĐ đã và đang cùng với CNVC-LĐ trong tỉnh tham gia lao động sản xuất, công tác trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đóng góp quan trọng vào các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Những đóng góp của nữ CNVC-LĐ luôn được các cấp, các ngành động viên, khen thưởng kịp thời
Những đóng góp của nữ CNVC-LĐ luôn được các cấp, các ngành động viên, khen thưởng kịp thời


Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác vận động nữ CNVC-LĐ trong tình hình mới, trong 5 năm qua (2008 - 2012), Ban Thường vụ và Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn trong tỉnh bám sát các nghị quyết của Đảng, Nghị quyết Đại hội X Công đoàn Việt Nam và Nghị quyết Đại hội VII Công đoàn tỉnh về công tác vận động nữ CNVC-LĐ; đặc biệt là tổ chức có hiệu quả phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” của Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Qua đó, các cấp công đoàn đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động nữ công của công đoàn, tạo điều kiện để Ban Nữ công phát huy quyền đại diện trong tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ, hướng dẫn, chỉ đạo phong trào thi đua “2 giỏi” ngày càng đi vào chiều sâu. Công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, về chính sách pháp luật ngày càng đa dạng về hình thức, nội dung, thu hút đông đảo nữ CNVC-LĐ trong các đơn vị hành chính sự nghiệp và các thành phần kinh tế tham gia. Thông qua các ngày kỷ niệm của giới như ngày 8/3, ngày 20/10… để đẩy mạnh sinh hoạt truyền thống, tổ chức các buổi toạ đàm, hội thi về: Văn hoá ẩm thực, cắm hoa, kiến thức pháp luật và gia đình, kiến thức về giới… Cùng với việc tổ chức các hội thi, tuyên truyền về giới, công đoàn các cấp cũng thường xuyên quán triệt các nghị quyết của Đảng, chủ trương chính sách của Nhà nước, các nghị quyết của công đoàn cho nữ CNVC-LĐ. Một số đơn vị đã thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động như: LĐLĐ thành phố Bảo Lộc đã tổ chức chương trình đồng hành ngày 8/3 với chủ đề “Nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý - hành trình hướng tới thành công”; LĐLĐ huyện Đơn Dương tổ chức hội thi “Phụ nữ với 4 chuẩn mực: Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”; LĐLĐ huyện Đam Rông tổ chức Hội thi ẩm thực “Khi người đàn ông vào bếp”… Đặc biệt trong năm 2012, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức hội nghị biểu dương gia đình nữ CNVC-LĐ tiêu biểu, đây là dịp để nữ CNVC-LĐ gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong công tác chuyên môn và xây dựng cuộc sống gia đình.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động nữ công, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tiến hành củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động các Ban Nữ công; chỉ đạo, hướng dẫn nội dung và phương thức hoạt động nữ công phù hợp với từng địa bàn, lĩnh vực, ngành nghề và tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp hoạt động nữ công cho 5.925 lượt cán bộ nữ công công đoàn. Từ đó đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ nữ công luôn tận tuỵ, tâm huyết, năng động, sáng tạo trong mọi tình huống và có nhiều đổi mới về phương pháp, hình thức hoạt động, thu hút đông đảo nữ CNVC-LĐ tham gia. Đến nay, với hơn 2.500 cán bộ nữ công công đoàn các cấp thường xuyên tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nữ CNVC-LĐ ở từng cơ quan, đơn vị, vận động nữ CNVC-LĐ hăng say công tác, lao động sản xuất, cố gắng học tập nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Nhiều Ban Nữ công đã mạnh dạn đề xuất với công đoàn, chuyên môn nhiều nội dung và hình thức hoạt động thiết thực, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nữ CNVC-LĐ đơn vị mình. Trong đó, việc lồng ghép phong trào thi đua “2 giỏi” vào các phong trào thi đua của địa phương, đơn vị, ngành… đã vận động được đông đảo nữ CNVC-LĐ tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào đạt hiệu quả tốt. Kết quả hằng năm có trên 70% nữ CNVC-LĐ được công nhận danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; 80% gia đình nữ CNVC-LĐ đạt gia đình văn hoá; phong trào thi đua “2 giỏi” đã được đông đảo nữ CNVC-LĐ toàn tỉnh tích cực hưởng ứng và ngày càng phát triển sâu rộng. Phong trào thi đua của nữ CNVC-LĐ trong tỉnh đã bồi dưỡng, đào tạo, rèn luyện cán bộ, đoàn viên nữ trưởng thành về mọi mặt và phát huy được năng lực, trí tuệ trong quá trình lao động, sản xuất, công tác, góp phần tích cực vào những thành tựu chung của sự nghiệp đổi mới đất nước.

Hoạt động của các Ban Nữ công quần chúng và phong trào thi đua ở các cấp công đoàn trong tỉnh thời gian qua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. Trong 5 năm (2008 - 2012) đã có 58.232 lượt nữ CNVC-LĐ và 2.940 lượt tập thể được biểu dương trong phong trào “2 giỏi” các cấp; có 2 cá nhân được công nhận Chiến sỹ thi đua toàn quốc, 6 chị được tặng Huân chương Lao động các loại, 23 chị được tặng Bằng khen của Chính phủ, 1 chị được nhận giải thưởng “Tài năng sáng tạo nữ”, 68 chị được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng khen, 687 chị được tặng Bằng khen của UBND tỉnh và LĐLĐ tỉnh. Đây sẽ là những hạt nhân tiêu biểu ở các Ban Nữ công công đoàn các cấp trong tỉnh để tiếp tục tổ chức có hiệu quả công tác vận động nữ CNVC-LĐ trong tình hình mới.

TỨ KIÊN