Từ đầu thế kỷ thứ 21 (2001), con cái của thế hệ thứ hai không những được thừa kế nghề truyền thống của gia tộc mà còn được gởi đào tạo tại các trường đại học trong và ngoài nước, trở thành những người theo nghề trà thuộc thế hệ thứ ba...
Trong lịch sử cận đại về nghề trà B’Lao, lấy mốc từ năm 1945 khi trà B’Lao được người bản xứ trực tiếp đi vào hành trình giao thương hàng hoá, bên cạnh các đồn điền trà người Pháp, nhiều người như ông Cai Liêm, ông Cai Dậu, Đỗ Hữu… được xếp là thế hệ thứ nhất. Thế hệ thứ hai có thể được gọi từ sau năm 1975, như Thiên Thành, Thiên Hương, Bảo Tín… Những người được thừa kế nghề nghiệp từ dòng tộc hoặc tự mình vươn lên sau thời kỳ đất nước mở cửa, trở thành những danh trà có thương hiệu tại đất B’Lao. Chính thế hệ thứ hai đã tiếp tục mang thương hiệu Trà B’Lao toả khắp các vùng miền trong nước cũng như góp phần lan toả hương ra thế giới. Tuy nhiên, thế hệ thứ hai (đa số) tồn tại bằng tri thức gia truyền và tự tồn tại nhờ thị trường.
Một góc thành phố Bảo Lộc. Ảnh: Nguyễn Thanh |
Từ đầu thế kỷ thứ 21 (2001), con cái của thế hệ thứ hai không những được thừa kế nghề truyền thống của gia tộc mà còn được gởi đào tạo tại các trường đại học trong và ngoài nước, trở thành những người theo nghề trà thuộc thế hệ thứ ba. Thế hệ mới này, tuổi đời từ 30 đến 40, được học hành bài bản, được kế thừa từ các thương hiệu sẵn có: hàng hoá đầu vào, cơ sở chế biến và hệ thống khách hàng. Hiện nay, các “ông chủ” thế hệ thứ hai đã và đang lui dần về “sân sau” để làm nhiệm vụ tư vấn, giao quyền quản lý các cơ sở trà cho thế hệ thứ ba.
Trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 tại “Vương quốc” Trà Bảo Lộc đã xuất hiện loại trà mới là trà Oolong, trà đen và chè xanh viên… góp phần giảm bớt loại trà “truyền thống”. Một số ít doanh nghiệp trà chạy theo doanh thu đã không theo quy trình sản xuất “sạch”, nên ít nhiều làm chất lượng giảm xuống đã ảnh hưởng thương hiệu Trà B’lao đã có trên thương trường. Vì vậy, để bảo đảm độ tin cậy của khách hàng, nên chiến lược sản xuất trà theo hướng VietGAP tại Lâm Đồng đã được triển khai từ năm 2008 đến nay.
Đứng trước thị trường trà biến động về thương hiệu do các cơ sở sản xuất chạy theo doanh thu nhất là trà đen, là con em xứ trà gắn bó với nghề gia truyền ở thế hệ thứ ba, các nhà doanh nghiệp trẻ này đã chủ động gắn kết với nhau để giữ gìn và phát huy thương hiệu. Được sự động viên của Thành uỷ và UBND thành phố Bảo Lộc, các nhà doanh nghiệp trẻ này đã vận động thành lập Câu lạc bộ Trà B’Lao, nhằm tập hợp những doanh nghiệp và những người trồng, chế biến và kinh doanh trà, tạo thành sự liên kết nhằm giữ vững và phát triển thương hiệu Trà B’Lao đã có mặt từ 80 năm nay. Ngoài tập hợp thế mạnh những người làm nghề trà, nhóm doanh nghiệp trẻ sẽ mở trang Web mang tên miền “trablao.vn” để giới thiệu về vùng đất và con người ở xứ trà B’Lao cùng với những trang thông tin về giá cả, địa điểm mua bán trà cũng như các tuyến du lịch trải nghiệm về xứ trà B’Lao. Trong tương lai, trang Web này sẽ là “cánh cửa” mở cho những ai quan tâm đến vùng đất Bảo Lộc. Theo kế hoạch, sáng thứ bảy, ngày 23/3/2013, Ban vận động thành lập CLB Trà B’Lao sẽ ra mắt tại thành phố Bảo Lộc.
Ban vận động thành lập CLB Trà B’Lao trao đổi công việc |
“Là con em xứ trà, nhưng chưa tập hợp được những người yêu nghề trà để giữ gìn thương hiệu, tạo thành một thế mạnh cho quê mình, vừa ích nước lợi nhà, vừa có thể phát huy tài năng được học hành, trải nghiệm của thế hệ trẻ. Chúng em cảm thấy còn “nợ”, chưa làm tròn bổn phận với vùng đất đã sinh ra và nuôi dạy mình lớn khôn!” - Nhà doanh nghiệp trẻ Trần Đại Bình, cử nhân kinh tế, Trưởng Ban vận động thành lập CLB Trà B’Lao nói. Được biết, anh Bình là con trai trưởng của chủ doanh nghiệp Trà Thiên Thành (Bảo Lộc), là một thành viên tâm huyết nghề trà thuộc thế hệ thứ ba.
TRẦN ĐẠI