Từ kết quả học sinh giỏi quốc gia bàn về trường chuyên

03:03, 06/03/2013

Trong mấy năm gần đây, học sinh giỏi (HSG) quốc gia của Trường THPT Chuyên Thăng Long (CTL) Đà Lạt giảm cả về số lượng và chất lượng giải...

Trong mấy năm gần đây, học sinh giỏi (HSG) quốc gia của Trường THPT Chuyên Thăng Long (CTL) Đà Lạt giảm cả về số lượng và chất lượng giải. Kết quả kỳ thi HSG quốc gia năm học 2012-2013: 14/24 em Trường Chuyên đạt giải. Vấn đề dường như ít được quan tâm nhiều từ phía phụ huynh, nhưng nhiều cán bộ quản lý và giáo viên (GV) hàng ngày trăn trở. Hiệu trưởng Trường THPT CTL Võ Tấn Huệ nói: “Nếu không nhận thức đúng, trường chuyên sẽ mất đi “tính chuyên”.
 
Qua kết quả 4 kỳ thi HSG quốc gia gần đây tại khu vực Tây Nguyên cho thấy, Đắk Lắc là tỉnh cơ bản ổn định cả về số lượng và chất lượng giải. Đối với Lâm Đồng, tuy số lượng giải 1 năm đứng thứ nhất và thứ hai, nhưng chất lượng giải trồi trụt: xếp thứ 2 năm 2010, ba năm xếp thứ 3: 2011, 2012 sau Gia Lai, 2013 sau Kon Tum. Riêng năm 2013, Lâm Đồng có 60 HS dự thi đạt 24 giải, trong đó môn Sinh 1 giải nhì, 1 khuyến khích; tiếng Anh 2 ba, 1 khuyến khích; tiếng Pháp 3 khuyến khích; Toán 4 khuyến khích; Lý 3 khuyến khích; Hoá 1 ba, 1 khuyến khích; Tin học 1 ba, 1 khuyến khích; Ngữ văn 1 ba, 1 khuyến khích; Lịch sử 2 khuyến khích và Địa lý 1 khuyến khích. Trong số 24 giải trên, Trường CTL đạt 14 giải, còn lại thuộc các trường Bùi Thị Xuân, Bảo Lâm, Bảo Lộc, Cát Tiên, Đức Trọng và Hermann Gmeiner. 3 môn khoa học xã hội (Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý) đều không thuộc trường CTL.

So sánh rộng hơn ở trường chuyên của các tỉnh khác, trong nhiều năm, nhiều tỉnh số giải không những nhiều, mà hầu hết tập trung tại trường chuyên như: Nam Định, Nghệ An, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Hà Nam, Ninh Bình… Kể cả tốp gần với Lâm Đồng, năm 2013: Bình Phước 46/46 giải, Đồng Nai 31/34, Đắk Lắc 29/33, Khánh Hoà 29/31, Quảng Bình 25/26, Bến Tre 24/24, Kon Tum 16/19, Gia Lai 12/12…

Tìm hiểu nguyên nhân, các cán bộ và GV đều nhận định, chủ yếu “Không có bột không gột nên hồ” và “Không thầy đố mầy làm nên”. Thầy Trần Khanh, nguyên GV Vật lý Trường CTL, có mấy chục HS đoạt giải nhất, nhì, ba HSG quốc gia và 2 HS dự tuyển thi Vật lý quốc tế trao đổi về kinh nghiệm dạy bồi dưỡng: Người thầy phải có năng lực tiềm ẩn; phải thực sự đam mê, tâm huyết và có tầm nhìn về hệ thống các bài thi hàng năm mới vượt lên được; theo đó phải dạy có bài bản. “Nhiều phân môn chưa bao quát được nên chất lượng xuống một cách rõ rệt từ mấy năm nay”, thầy Khanh nói. Thầy Lê Văn Thành là GV nhiều kinh nghiệm dạy và bồi dưỡng môn Địa lý của Trường CTL “giải mã” kết quả môn Địa lý năm 2012 có HS đạt 2 giải nhì, 1 giải 3, còn năm nay “trắng tay”: Trước hết là tinh thần, thái độ của HS; phải đầu tư đội ngũ HS thực sự có năng lực bộ môn một cách dài hơi, ngay từ lớp 10, không thể “ăn xổi” được, nhất là các môn khoa học xã hội. Thầy Thành cũng thừa nhận, hiện năng lực của một số giáo viên bồi dưỡng chưa tốt, còn lúng túng.

Là người mới tiếp nhận vai trò “cầm sào” con thuyền - trường chuyên, Hiệu trưởng Võ Tấn Huệ bày tỏ nhiều băn khoăn và trăn trở. Theo thầy Huệ, ngoài năng lực đội ngũ GV, vốn liếng của HS còn là nhận thức của phụ huynh. Họ chưa mặn mà với HSG, mà chỉ hướng đến thi đỗ vào đại học. Một khó khăn đối với nhà trường nữa là, đầu vào của HS chuyên các ngành xã hội thường rất ít, nên rất khó hình thành một đội tuyển vững. Mặc dù đã được tỉnh, ngành quan tâm nhiều về cơ sở vật chất nhưng hiện HS nội trú chưa có phòng học ban đêm tại nơi ở. Đặc biệt, còn 4 hộ dân ở trong khuôn viên nhà trường, sát khu nội trú, nên ảnh hưởng không nhỏ đến giờ tự học của các em, Hiệu trưởng Võ Tấn Huệ cho biết.

Trao đổi với NGƯT, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Xuân Ngọc cho hay, Bộ GD&ĐT đã ban hành quy chế trường chuyên vào năm 2012, trong đó, nếu GV trong 2 năm liền không có HSG thì phải thuyên chuyển ra trường ngoài; còn nếu HS chỉ đạt kết quả học lực trung bình cũng cần phải chuyển ra các trường đại trà. Vì vậy, cần phải sàng lọc lại đội ngũ và bổ sung GV có năng lực cho trường chuyên, ông Ngọc nhấn mạnh. Cùng với những bước đi có tính kiên quyết này, đội ngũ GV trường chuyên phải được bồi dưỡng, học tập kinh nghiệm của các trường bạn và của các chuyên gia giỏi... Một giải pháp khác cũng đang được ngành GD&ĐT Lâm Đồng hướng đến là, mở các lớp chọn ở các trường ngoài, nhất là từ THCS để làm cơ sở tiếp tục tuyển HS vào các môn chuyên từ lớp 11. Đối với tỉnh, cần sớm thực thi dự án xây dựng trường chuyên chuẩn từ cơ sở hạ tầng, đến đội ngũ GV, HS và sự quan tâm thích đáng nhiều hơn của xã hội.

MINH ĐẠO