5 năm công tác vận động phụ nữ dân tộc thiểu số

04:04, 28/04/2013

Bộ mặt vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng đổi thay nhờ sự đóng góp không nhỏ của trên 37.000 hội viên phụ nữ các dân tộc trong tỉnh.

Bộ mặt vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng đổi thay nhờ sự đóng góp không nhỏ của trên 37.000 hội viên phụ nữ các dân tộc trong tỉnh.

Hiện nay, toàn tỉnh có 1.568 thôn, trong đó có 403 thôn buôn vùng đồng bào DTTS với trên 30.000 hộ đạt gia đình văn hoá, 133 thôn được công nhận thôn văn hoá. Số hội viên phụ nữ DTTS chiếm 21,8% tổng số hội viên phụ nữ toàn tỉnh với 32.168 chị. Cán bộ phụ nữ DTTS tham gia vào Ban chấp hành Hội LHPN các cấp ngày càng tăng: cấp tỉnh có 3 chị, cấp huyện có 54 chị, cấp cơ sở có 430 chị. Toàn tỉnh có 841 cán bộ chi hội phụ nữ dân tộc và 1.617 cán bộ tổ phụ nữ dân tộc. Hàng năm có hàng trăm lượt cán bộ chi, tổ hội tham gia các đợt tập huấn nâng cao kỹ năng lãnh đạo cho cán bộ nữ DTTS gốc Tây Nguyên, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội và đã thành lập CLB cán bộ nữ DTTS cấp tỉnh.

Hội Phụ nữ đẩy mạnh việc tổ chức các lớp tuyên truyền chủ trương, chính sách và phổ biến pháp luật trong vùng DTTS đã thu hút 106.000 lượt chị em phụ nữ DTTS tham gia. Một số mô hình mới thành lập phát huy hiệu quả như: Tổ phụ nữ dân tộc chấp hành tốt chủ trương chính sách pháp luật ở Đạ Tẻh, Bảo Lâm; tổ phụ nữ dân tộc tại chỗ không có người vi phạm pháp luật ở thôn 6, xã Tiên Hoàng (Cát Tiên); chi hội phụ nữ không có đơn thư vượt cấp ở xã Ka Đơn (Đơn Dương), đây là xã có 10 thôn đồng bào DTTS với 10 chi hội đều đăng ký thực hiện mô hình qua 2 năm không xảy ra tình trạng đơn thư vượt cấp.

Xác định xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh đã tổ chức trên 200 buổi tuyên truyền về 19 tiêu chí nông thôn mới đến hơn 24.000 lượt cán bộ hội viên. Thông qua những mô hình cụ thể, việc làm thiết thực, phụ nữ các dân tộc trong tỉnh đã góp phần thiết thực vào chương trình xây dựng nông thôn mới như: Mô hình nuôi heo đen trong vùng đồng bào dân tộc tại huyện Đơn Dương, xây dựng tuyến đường không rác ở Madaguôi, tổ phụ nữ trồng cây xanh ở Đạ Ploa (Đạ Huoai), CLB phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường tại các huyện. Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới đến nay toàn tỉnh đã xây dựng trên 30 mô hình có đông đảo hội viên phụ nữ dân tộc tham gia.

Nhiều mô hình phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo tại địa phương như: mở lớp dạy nghề may công nghiệp, thêu, đan len, mây tre đan, dệt thổ cẩm, nuôi tằm. Đặc biệt, Hội Phụ nữ tỉnh hỗ trợ vốn để tiếp tục duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm trong vùng DTTS ở các thôn Đạ Nghịch, xã Lộc Châu (Bảo Lộc), thị trấn Đồng Nai (Cát Tiên). Bằng các nguồn vốn do Hội LHPN huy động, đến nay đã có trên 43.000 lượt hộ DTTS vay vốn với trên 600 tỷ đồng, trong đó có 21.000 lượt hộ nghèo được vay vốn sản xuất.

Trong phong trào xây dựng gia đình: “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” với nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ DTTS được triển khai qua các mô hình: Tổ phụ nữ không sinh con thứ ba ở xã Đạ Đờn (Lâm Hà), các CLB phòng chống ma tuý, phòng chống bạo lực gia đình, tuổi trẻ phòng chống tội phạm, phụ nữ với pháp luật, xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình văn hoá ở các huyện thu hút nhiều hội viên phụ nữ. Đặc biệt, mô hình xoá bỏ hủ tục lạc hậu trong vùng DTTS, tổ phụ nữ “không thách cưới” thôn Đa Tế, tổ phụ nữ “nhà lớn tách riêng nhà bếp” ở xã Đạ Mrông (Đam Rông), tiết kiệm trong ma chay ở thôn Ka Ming, xã Gung Ré (Di Linh). Các cấp Hội Phụ nữ khảo sát các bà mẹ có con dưới 16 tuổi với tổng số 42.000 chị DTTS được giúp đỡ từ các mô hình truyền thông phổ biến kiến thức, kinh nghiệm nuôi dạy con tốt. Hàng năm Hội Phụ nữ trao hơn 200 suất quà, học bổng Lê Thị Pha trị giá trên 20 triệu đồng cho học sinh nghèo hiếu học, phong trào xoá nhà tạm, xây dựng 25 mái ấm tình thương trao cho các hộ hội viên phụ nữ DTTS.  
 
Một số mô hình mới trong vùng DTTS đã phát huy hiệu quả tạo điều kiện cho chị em tham gia sinh hoạt, nâng cao kiến thức, trao đổi kinh nghiệm để áp dụng vào cuộc sống, xây dựng gia đình và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

AN NHIÊN