Bàn tay vun tổ ấm

04:04, 07/04/2013

Mười năm thực hiện các nội dung của tín dụng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Lâm Đồng đã nhận được sự đồng hành nhận uỷ thác nguồn vốn từ các tổ chức chính trị - xã hội.

Mười năm thực hiện các nội dung của tín dụng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Lâm Đồng đã nhận được sự đồng hành nhận uỷ thác nguồn vốn từ các tổ chức chính trị - xã hội. Trong đó, Hội Liên hiệp phụ nữ Lâm Đồng với thế mạnh về hội viên; về chất lượng hoạt động và cùng với đặc tính chu đáo, khéo vun vén của chị em cán bộ hội đã thực hiện nhận uỷ thác rất thành công.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp nhiều chị em phụ nữ  phát triển kinh tế hộ gia đình
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp nhiều chị em phụ nữ phát triển kinh tế hộ gia đình


Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Lâm Đồng cho biết những kết quả về quá trình nhận uỷ thác nguồn vốn từ NHCSXH: Qua 10 năm nhận uỷ thác, đến nay tổng dư nợ mà Hội LHPN quản lý chiếm 43,9% tổng dư nợ toàn tỉnh, đạt trên 842 tỷ đồng, có 1.287 tổ tiết kiệm với gần 45.000 hộ vay. Các huyện như: Đức Trọng, Lâm Hà, Bảo Lộc, Bảo Lâm… là những đơn vị có dư nợ cao nhất. Để thực hiện tốt công tác quản lý vốn, đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả, tổ chức Hội Phụ nữ đã cùng phối hợp làm việc chặt chẽ, nhiệt tình và trách nhiệm. Ban Điều hành theo dõi vốn vay uỷ thác đã được thành lập và hoạt động đều tay, có sự phân công cán bộ phụ trách nguồn vốn từ tỉnh đến cơ sở.

Về với Đức Trọng - đơn vị nhận uỷ thác khá nổi bật với việc Hội LHPN huyện đã triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách nhận uỷ thác của NHCSXH huyện tại 15/15 xã, thị trấn. Tổng dư nợ đến cuối năm 2012 đạt 105,7 tỷ đồng, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,9% tổng dư nợ. Hội đã triển khai thực hiện hiệu quả công tác huy động tiết kiệm thông qua tổ TK&VV, đến nay đã có 161 tổ tiết kiệm và vay vốn vận động hộ vay gửi tiết kiệm số tiền trên 2,1 tỷ đồng, chiếm 50% tổng số dư huy động qua các tổ chức Hội nhận uỷ thác. Với phương châm: “Hỗ trợ vốn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ”, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đưa về các Tổ Tiết kiệm và vay vốn, chị em phụ nữ có điều kiện  làm kinh tế từ nấm mèo, dệt móc len, thêu tay, trồng hoa xuất khẩu… Theo một khảo sát của Hội Liên hiệp phụ nữ huyện thì các mô hình kinh tế này đã tạo việc làm cho khoảng 6.000 lao động chính, lao động phụ; nhiều hộ có mức thu nhập bình quân từ 2,5 triệu đồng đến 4,5 triệu đồng/ tháng. Nguồn vốn chính sách không chỉ giúp hội viên phát triển kinh tế, thông qua hiệu quả đạt được đó đã tạo thêm uy tín cho tổ chức hội và Hội LHPN huyện đã đón nhiều đoàn khách đến học hỏi kinh nghiệm như: Trường Cán bộ phụ nữ Trung ương phía Nam, Đoàn cán bộ lãnh đạo phụ nữ Vương quốc Campuchia…

Đưa vốn về với cơ sở, hai điều quan trọng mà những cán bộ hội quan tâm nhất là sử dụng vốn uỷ thác sao cho đạt hiệu quả và tạo uy tín với Ngân hàng CSXH qua công tác trả nợ, trả lãi. Theo chị Bùi Thị Lan, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Lộc Nga, thành phố Bảo Lộc thì các công việc như: tuyên truyền về các chương trình tín dụng chính sách đến đông đảo hội viên và người dân; căn cứ vào nguồn vốn được phân bổ để chỉ đạo các Tổ Tiết kiệm và vay vốn bình xét công khai, công bằng; đôn đốc, nhắc nhở các thành viên sử dụng vốn đúng mục đích; cán bộ hội thường xuyên đến điểm giao dịch để nắm bắt tình hình hoạt động; đôn đốc tổ Tiết kiệm và vay vốn trong việc trả lãi, hộ vay trong việc trả nợ gốc… luôn được thực hiện đúng quy trình. Khi cán bộ hội sâu sát với nguồn vốn thì sẽ đem lại nhiều kết quả!

Có thể nói, việc thực hiện uỷ thác trong tín dụng chính sách có mối quan hệ hữu cơ qua lại giữa NHCSXH và các tổ chức đoàn thể nói chung, Hội LHPN nói riêng. Qua công tác này đã góp phần đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với đông đảo đối tượng thụ hưởng, thực hiện tốt chính sách của Nhà nước. Đồng thời, tổ chức Hội có thêm nhiều thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ và phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập; chị em có điều kiện giúp nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc!

Yên Nguyên