Biến gốc cây khô thành tác phẩm nghệ thuật

03:04, 11/04/2013

Từ những gốc cây khô tưởng chừng như đồ bỏ đi hay làm củi đun thì qua bàn tay khéo léo và đầu óc đầy sáng tạo của nghệ nhân trẻ, đã biến thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Nghệ nhân trẻ ấy chính là Lê Trọng Nghĩa ở thôn Tân Lập, xã Tân Văn, huyện Lâm Hà, hội viên Hội Sinh vật cảnh tỉnh Lâm Đồng.

Từ những gốc cây khô tưởng chừng như đồ bỏ đi hay làm củi đun thì qua bàn tay khéo léo và đầu óc đầy sáng tạo của nghệ nhân trẻ, đã biến thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Nghệ nhân trẻ ấy chính là Lê Trọng Nghĩa ở thôn Tân Lập, xã Tân Văn, huyện Lâm Hà, hội viên Hội Sinh vật cảnh tỉnh Lâm Đồng.
 

Nghệ nhân trẻ Lê Trọng Nghĩa “thổi hồn” vào những gốc cây khô
Nghệ nhân trẻ Lê Trọng Nghĩa “thổi hồn” vào những gốc cây khô

Không như những bạn trẻ đồng trang lứa khác, sau khi rời xa mái trường thường buôn ba kiếm kế sinh nhai ở những thành phố lớn hay ở nhà gắn bó với vườn rẫy cà phê của gia đình mà Nghĩa lại chọn hướng đi riêng cho mình. Đó là theo đuổi đam mê nghề chạm khắc gỗ nghệ thuật, bởi từ nhỏ mỗi lúc lên nương, lên rẫy, Nghĩa nhìn những gốc cây khẳng khiu người ta đào lên bỏ đi đã tưởng tượng ra những hình thù đẹp mắt có thể gia công để trưng bày làm cảnh. Để theo đuổi ước mơ của mình, Lê Trọng Nghĩa đã ra tận La Định để “tầm sư học đạo”. Sau khi được các “cao thủ” nơi đây truyền cho những ngón nghề cơ bản, Nghĩa đã đi làm thợ cho một số xưởng mỹ nghệ để vừa có thu nhập vừa học hỏi kinh nghiệm. Sau khi tay nghề đã cứng, năm 2002 Nghĩa quyết định quay về quê hương mở xưởng, thu gom nguồn nguyên liệu tại chỗ để chế tác ra những tác phẩm nghệ thuật làm đẹp cho đời. Thế là trên vùng quê Tân Lập, Tân Văn, Lâm Hà lại vang lên tiếng đục đẽo lách cách phát ra từ xưởng sản xuất tạo hình mỹ thuật từ cây khô của Lê Trọng Nghĩa.

Sinh năm 1984, chưa đầy 30 tuổi đời nhưng Lê Trọng Nghĩa đã có gần 15 tuổi nghề. Dưới bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của anh, hàng trăm tác phẩm nghệ thuật như: tượng gỗ tâm linh, Quan Âm, Thập Bát La Hán, Phật Di Lặc, Đạt Ma Sư Tổ, Chúa Giêsu, Phước Lộc Thọ, Ngũ Hổ phục long, Quan Công ra trận, Mã đáo thành công, tượng tứ linh (Long, Ly, Quy, Phụng)… đủ kích thước, màu sắc đã ra đời. Ngoài ra, anh còn nhận đặt hàng làm những bộ bàn ghế, kệ ti vi bằng gốc cây khô. Với những tác phẩm của mình anh cũng đã tham gia hàng chục cuộc triển lãm tại các sự kiện lớn trong và ngoài tỉnh như: Chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội năm 2010; các dịp Festival hoa Đà Lạt, Hội hoa xuân Đà Lạt; Festival Huế 2012; Lễ hội Sinh vật cảnh và Thương mại Đồng bằng sông Cửu Long năm 2010… Những tác phẩm của anh đã được đánh giá cao và được trao nhiều bằng khen, giấy khen cũng như giải thưởng quý giá tại các cuộc triển lãm này.

Hiện nay, Lê Trọng Nghĩa và các cộng sự của mình đang gấp rút hoàn thành bộ tượng độc đáo để triển lãm trong dịp Chào mừng Đà Lạt 120 năm hình thành, phát triển và Festival hoa Đà Lạt năm 2013 được tổ chức vào tháng 12 tới. Bộ tượng này được chế tác từ gốc cây dâu cổ thụ cao hơn 4m và đường kính 3,5m. Với gốc dâu này anh sẽ chạm khắc phía trước là tượng Phật Di Lặc ngồi dưới gốc đào cùng với Lục Tặc (6 đứa trẻ) và phía sau là tượng Bát tiên. Nghệ nhân trẻ Lê Trọng Nghĩa chia sẻ: “Để có những tác phẩm mới lạ, độc đáo đòi hỏi mình phải luôn tìm tòi và sáng tạo. Mỗi tác phẩm đều có một nét riêng độc đáo, không trùng lặp, không theo khuôn mẫu. Tôi hi vọng tác phẩm này sẽ làm mãn nhãn người người xem trong dịp triển lãm tới”.

Hiện nay, sản phẩm từ xưởng Cây khô tạo hình mỹ thuật Lê Trọng Nghĩa đã có mặt ở nhiều nơi trong nước như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương… Tác phẩm của anh đa dạng, phong phú về chủng loại cũng như giá cả. Có tác phẩm chỉ vài chục triệu đồng nhưng cũng có những tác phẩm bán ra hàng trăm triệu đồng. Anh Nguyễn Đình Công đến từ Bình Dương đang tham quan những sản phẩm mỹ nghệ tại xưởng của Nghĩa cho biết: “Tôi đã tham quan nhiều xưởng sản xuất đồ gỗ từ gốc cây khô, nhưng tôi thấy những sản phẩm ở đây có nét độc đáo riêng. Tôi sẽ đặt một bộ bàn ghế bằng gốc cây để mang về trưng bày trong nhà”. Chính từ nghề điêu khắc gỗ đã đem về cho đoàn viên Lê Trọng Nghĩa thu nhập ổn định mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Hiện nay, nghệ nhân trẻ này cũng đang tạo công ăn việc làm và đào tạo nghề cho 4 lao động tại địa phương. Lê Trọng Nghĩa cho biết, hiện nay anh đang dự định mở rộng quy mô xưởng sản xuất nhưng trước mắt gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn về nguyên liệu đầu vào vì hiện nay cây to rất hiếm, để tìm được những gốc cây chất lượng, đủ kích thước và có hình thù để tạo nên những tác phẩm là rất khó. Một khó khăn nữa đó là đầu ra cho sản phẩm vì xưởng sản xuất của anh nằm ở vùng nông thôn, xa trung tâm nên ít khách hàng biết đến và công việc vận chuyển hàng hoá đến người tiêu dùng cũng khó khăn.

Như vậy, một nghệ nhân còn rất trẻ nhưng với niềm đam mê cũng như sự sáng tạo của mình Lê Trọng Nghĩa đã “thổi hồn” cho những gốc cây khô xù xì, bị chôn vùi dưới bùn đất, trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo dâng tặng cho đời. Có thể nói, anh là một thanh niên dám nghĩ dám làm. Hi vọng trong thời gian tới Nghĩa sẽ vượt qua khó khăn trước mắt để mở rộng quy mô sản xuất, tạo công ăn việc làm cũng như đào tạo nghề cho nhiều thanh niên khác tại địa phương.

DUY DANH