Cần điều chỉnh những bất cập trong ngành giáo dục

09:04, 13/04/2013

(LĐ online) - Đó là kết luận của đồng chí Phó trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIII đơn vị tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền tại buổi làm việc với UBND tỉnh về nội dung giám sát “Việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông” trên địa bàn vào chiều ngày 11/4, tại TP Đà Lạt.

(LĐ online) - Đó là kết luận của đồng chí Phó trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIII đơn vị tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền tại buổi làm việc với UBND tỉnh về nội dung giám sát “Việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông” trên địa bàn vào chiều ngày 11/4, tại TP Đà Lạt.

Toàn cảnh buổi giám sát của Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh với UBND tỉnh
Toàn cảnh buổi giám sát của Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh với UBND tỉnh


Tham dự buổi giám sát còn có các vị đại biểu Đoàn Quốc hội đơn vị tỉnh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong những năm qua, Lâm Đồng là tỉnh triển khai thực hiện khá đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD&ĐT cũng như các bộ, ngành liên quan. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh còn ban hành nhiều văn bản liên quan đến việc bảo đảm chất lượng và chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông (SGKGDPT).

Nhìn chung, các văn bản do Chính phủ, Quốc hội, Bộ GD&ĐT, các cơ quan ngang bộ; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xây dựng, ban hành đều kịp thời, có tính khả thi cao, liên thông từ Trung ương đến địa phương, phù hợp với điều kiện KT-XH của cả nước và địa phương. Đây cũng là cơ sở pháp lý vững chắc để đảm bảo chất lượng và thực hiện chương trình SGKGDPT trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, góp phần phát triển giáo dục tại địa phương. Đưa quy mô giáo dục của tỉnh trong những năm qua không ngừng tăng, việc quy hoạch trường lớp phát triển ở tất cả các loại hình (công lập và ngoài công lập – Pv.), phù hợp với điều kiện KT-XH, đáp ứng nhu cầu học tập của con em trong tỉnh, đặc biệt là việc phát triển hệ thống trường lớp ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được thực hiện khá tốt. Hiện toàn tỉnh có khoảng 690 trường, trong đó ngành học Mầm non 211 trường, Tiểu học 255 trường, cấp THCS 153 trường (đã bao gồm cả trường PTCS), cấp THPT có 58 trường (bao gồm cả trường PT nhiều cấp học), 12 Trung tâm GDTX và KTTHHN. Ngoài ra, tỉnh còn có 125 Trung tâm học tập cộng đồng, 2 trường đại học, 6 trường cao đẳng và 2 trường trung cấp. Tỉnh tiếp tục duy trì chuẩn Quốc gia về PCGDTH và PCTHCS đúng độ tuổi. Việc huy động học sinh ra lớp ở các trường đều đảm bảo; thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp, loại hình các cấp học khá hợp lý, phù hợp với sự phát triển chung của các địa phương trong tỉnh.

Kết quả, tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 THPT hàng năm đều đạt từ 80 – 85% học sinh tốt nghiệp THCS (số còn lại học BTVH, học trung cấp nghề, cao đẳng nghề, hoặc trung cấp chuyên nghiệp). Mỗi năm có khoảng 1.300 học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp nghề, TCCN; 1.500 học sinh tốt nghiệp THPT vào học trung học nghề, cao đẳng nghề, hoặc TCCN. Tỷ lệ học sinh đỗ vào cao đẳng, đại học đạt tỷ lệ từ 24 – 28%.

Để có được kết quả này, mặc dù là một tỉnh miền núi, còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng Lâm Đồng đã quan tâm đầu tư cho giáo dục. Tổng đầu tư cho phát triển giáo dục tăng nhanh, từ 9,3% năm 2006 đã tăng lên 14% trong năm 2012. Chỉ tính riêng giai đoạn 2008 – 2012, tổng chi ngân sách cho giáo dục là hơn 1.242 tỷ đồng, chiếm khoảng 15,5% tổng vốn đầu tư phát triển toàn tỉnh.

Có thể khẳng định, ngành giáo dục của tỉnh trong thời gian qua đã có nhiều cố gắng trong việc phối hợp với các ban, ngành địa phương để triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương và tham mưu cho UBND tỉnh trong đảm bảo chất lượng và chương trình sách giáo khoa (SGK). Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục (QLGD), giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng, ngày càng tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông mới, hiện đại; công tác chuẩn hóa đội ngũ được chú trọng đầu tư có hiệu quả.

Tuy nhiên, qua công tác giám sát thực tế cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập cần phải được tháo gỡ, điều chỉnh. Do yêu cầu cấp bách trong việc đổi mới giáo dục phổ thông, dẫn đến tính ổn định của các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ GD&ĐT soạn thảo, ban hành còn chồng chéo, bất cập so với thực tế nên phải bổ sung, điều chỉnh nhiều lần, gây khó khăn cho cơ sở. Ví như, Điều lệ trường trung học; Quy chế tổ chức và hoạt động trường THPT chuyên; Quy chế đánh giá xếp loại học sinh trung học; Quy chế thi tốt nghiệp THPT; Quy trình và tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD)… Bên cạnh đó, một số văn bản quy phạm pháp luật giữa các bộ, ngành Trung ương với địa phương cũng còn chồng chéo, như quy định phân cấp, tuyển dụng, luân chuyển giáo viên và cán bộ QLGD không giải quyết được ở tầm địa phương.

Mặc dù vốn đầu tư xây dựng cơ bản và tỷ lệ đầu tư cho giáo dục tăng qua các năm, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Tỷ lệ công trình trường học, nhà công vụ được kiên cố hóa theo Đề án kiên cố hóa trường lớp (KCHTL), nhà công vụ cho giáo viên (NCVCGV) chưa đạt so với kế hoạch. Kinh phí của Chính phủ cấp theo chương trình trái phiếu đến năm 2012 đã cơ bản đủ theo kế hoạch, nhưng do tình hình trượt giá theo thời gian nên đến nay mới chỉ hoàn thành 60,5% kế hoạch xây dựng phòng học và 41,4% kế hoạch xây nhà công vụ. Cơ sở vật chất, thiết bị trường học còn thiếu và lạc hậu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác xây dựng cơ bản chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa đa dạng hóa các loại hình trường lớp, số lượng dự án thu hút chủ yếu mới ở ngành mầm non. Chính điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu và chưa đồng bộ dẫn đến việc không đáp ứng được yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày; tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia còn chậm, tỷ lệ trường đạt chuẩn còn thấp.   

Về chất lượng và hiệu quả giáo dục cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học chưa thật sự linh hoạt, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Trong chỉ đạo, quản lý giáo dục vẫn còn nhiều vướng mắc, lúng túng từ cơ sở; Vẫn còn vướng mắc trong phân cấp QLGD dẫn đến hiệu quả quản lý, chỉ đạo bị giảm sút, không đảm bảo tốt cho chất lượng, chương trình và SGKGDPT. Đặc biệt, nội dung, chương trình và SGK đổi mới giáo dục phổ thông (GDPT) tuy bước đầu có hiệu quả trong tiếp cận giáo dục hiện đại và tiên tiến, nhưng nội dung còn ôm đồm, nặng nề cho cả người dạy lẫn người học, và còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được hoàn thiện, bổ sung, điều chỉnh, nhất là vấn đề phân ban ở cấp THPT. Nguyên nhân do trong quá trình biên soạn nội dung, chương trình, SGK chưa được chuẩn bị tốt, ít nhiều mang tính đối phó với thời gian, chưa chú trọng tổng kết rút kinh nghiệm về thí điểm phân ban từ những thập niên 90 của thế kỷ trước; còn nôn nóng trong tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiến để đáp ứng vào thực tiễn giáo dục và KT-XH nước nhà…   

Trên cơ sở giám sát thực tế, những ý kiến góp ý, mổ xẻ về sự tồn tại, bất cập trong ngành giáo dục của các đại biểu tham gia Đoàn giám sát, để tiếp tục thực hiện Đề án KCHTL và NCVCGV, UBND tỉnh đã kiến nghị với Chính phủ triển khai Chương trình kiên cố hóa trường lớp giai đoạn 2013 - 2015 còn thiếu do điều chỉnh giá, với tổng vốn trái phiếu Chính phủ cần bổ sung là 397 tỷ đồng, trong đó xây dựng 742 phòng học và 603 phòng công vụ. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đề xuất với Bộ GD&ĐT cần tổ chức đánh giá nghiêm túc, cẩn thận về thực hiện đổi mới chương trình GDPT, thực hiện chương trình và SGK trong thời gian vừa qua, nhất là vấn đề thực hiện phân ban ở cấp THPT đến nay không đạt như đã đề ra. Xây dựng kế hoạch, lộ trình chu đáo về đổi mới nội dung, chương trình SGK sau năm 2015, đảm bảo hiệu quả, hiện đại và ổn định, tránh lãng phí tiền bạc của nhân dân, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam. Đồng thời, cần bám sát thực tiễn giáo dục và QLGD trong nước để xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, quản lý vừa có tính khả thi, vừa có tính ổn định lâu dài, tránh gây khó khăn, lúng túng cho cơ sở trong triển khai, cũng như việc phối hợp của các địa phương tỉnh, thành phố trong cả nước.

Nghiên cứu thành lập các tổ chức KĐCLGD độc lập với các đơn vị QLGD, để đảm bảo tính khách quan và phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại trong KĐCLGD nói chung và trong kiểm định chất lượng chương trình SGK nói riêng.

Thụy Trang