Chuyển biến trong quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản

04:04, 14/04/2013

Chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) giai đoạn 2012-2015 đầu tư 4.139 tỷ đồng với 6 dự án thành phần, trong đó có dự án bảo đảm VSATTP trong sản xuất nông lâm thuỷ sản có kinh phí thực hiện 900 tỷ đồng triển khai trên phạm vi cả nước.

Chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) giai đoạn 2012-2015 đầu tư 4.139 tỷ đồng với 6 dự án thành phần, trong đó có dự án bảo đảm VSATTP trong sản xuất nông lâm thuỷ sản có kinh phí thực hiện 900 tỷ đồng triển khai trên phạm vi cả nước.

Một trong các nội dung hoạt động chính của dự án là: Hỗ trợ hoàn thiện hệ thống quy định, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản; kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, thanh tra liên ngành an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản; hỗ trợ xây dựng và áp dụng một số mô hình sản xuất, mô hình liên kết chuỗi, các chương trình quản lý tiên tiến (VietGAP, HACCP, ISO 22000…) để tạo ra nông sản, thuỷ sản thực phẩm an toàn.

Lâm Đồng đang xây dựng quy hoạch, mô hình sản xuất an toàn, cụ thể: Quy hoạch vùng sản xuất rau, chè tập trung an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Xây dựng mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP tại 5 cơ sở (4 cơ sở trồng trọt và 1 trang trại chăn nuôi bò sữa) và 149 hộ trồng 80 ha rau, 216 hộ trồng 118 ha chè đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Tiếp tục hỗ trợ mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt tại Trang trại Phong Thuý, HTX Anh Đào và Doanh nghiệp Phú Sỹ Nông từ nguồn vốn do Canada tài trợ. Triển khai thực hiện thử nghiệm hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh rau tươi, đã tiến hành lấy 240 mẫu rau kiểm nghiệm giám sát thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng và vi sinh vật, kết quả chỉ có 3% số mẫu không đạt. Kiểm tra 10 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP đều thực hiện tốt điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.

Công tác tuyên truyền, thông tin về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm đã có tác động lớn đến sản xuất, chế biến và tiêu dùng. Kiểm tra theo Thông tư 14 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại các cơ sở trong tỉnh qua 2 năm 2011-2012 bước đầu nhận định có sự chuyển biến chất lượng, một số cơ sở trước đó xếp loại B, C đã vươn lên loại A. Hiện có khoảng 15% cơ sở đạt loại A, 63% loại B và còn 25% loại C.

Các sản phẩm thực phẩm rau, chè, thịt được kiểm soát thường xuyên. Qua kiểm tra tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại 30 trang trại và cơ sở giết mổ, lấy mẫu phân tích kiểm nghiệm đều đảm bảo chất lượng. Điều kiện VSATTP tại các trang trại chăn nuôi lợn đạt 70% chỉ tiêu so với quy chuẩn, các trang trại chăn nuôi gà đạt 69%. Kiểm tra điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh thịt và sản phẩm động vật tại các chợ trên địa bàn tỉnh, lấy 58 mẫu phân tích, kết quả không phát hiện có chất kháng sinh và hocmon cấm, còn 2 mẫu nhiễm vi sinh vật vượt giới hạn cho phép. Kiểm tra việc kinh doanh sơ chế nông sản, lấy mẫu phân tích, vẫn còn một số ít mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng Nitrat và vi sinh vật E.coli vượt ngưỡng cho phép.

Năm 2012 đoàn kiểm tra phát hiện 15 công ty và 10 cửa hàng kinh doanh thuốc thú y vi phạm kinh doanh thuốc không có trong danh mục, thuốc quá hạn sử dụng; phát hiện 88 trường hợp vi phạm hành chính trong kinh doanh động vật. Lĩnh vực kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật có sự chấp hành tốt các quy định, qua 4 đợt thanh kiểm tra 226 cửa hàng, đại lý chỉ xử phạt 3 cơ sở vi phạm. Điều tra tình hình sử dụng thuốc trên rau, chè của 1.800 hộ nông dân trên địa bàn tỉnh, nhìn chung đều sử dụng thuốc đúng quy định. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng được nhiều nông dân thực hiện đảm bảo an toàn và hiệu quả. Nhờ các CLB IPM giúp nhiều nông dân biết sử dụng bộ dụng cụ GT-Test kis của Thái Lan để kiểm tra nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau, củ, quả đảm bảo dư lượng thuốc ở mức an toàn trước khi đưa ra thị trường.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản, vật tư nông nghiệp và đảm bảo VSATTP trong thời gian tới cần có cơ chế hoàn thiện về đội ngũ cán bộ chuyên trách, tăng thêm số thanh tra viên chuyên ngành và đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ công tác quản lý kiểm tra, phân tích chất lượng vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thuỷ sản.

AN NHIÊN