Côn Đảo xưa & nay

03:04, 17/04/2013

Những ngày tháng Tư lịch sử đến thăm Côn Đảo như một chuyến hành hương về nơi linh thiêng. Có người xúc động bảo: “Hãy đến thăm Côn Đảo để lương tâm thức dậy mà dám sống trong sạch. Dám suy nghĩ và hành động minh bạch cho dân, cho nước”!

Những năm chiến tranh, làng quê tôi nằm trong vùng kiểm soát của chính quyền Sài Gòn, xung quanh cái xóm nhỏ được bao bọc bởi hàng rào ấp chiến lược thay cho lũy tre làng có từ thời khai thiên lập địa. Tre làng bị chặt hạ sát gốc để đưa ra dựng hàng rào ấp chiến lược. Măng non bị phát bỏ và phun thuốc hóa học tạo nên không gian trống trải để đồn lính cách đấy 3km có thể nhìn thấy con chó chạy trên đường làng, và nếu mấy ông du kích có đột nhập vào làng thì máy bay trực thăng từ trên trời có thể quan sát và đuổi theo dí nòng đại liên vào sau gáy được. Chiến thuật, chiến lược bố phòng chống du kích cộng sản học được từ Mã - lai đã được đem ra áp dụng! Nhưng chưa hết! Bên trong hàng rào ấp chiến lược người ta lập sổ gia đình và chia xóm nhỏ thành những liên gia để quản lý, chủ yếu là sợ dân làng bắt liên lạc với Việt cộng. Những người tham gia kháng chiến chống Pháp trước Hiệp định Geneve (1954) đều được theo dõi chặt chẽ, hầu hết đảng viên không tập kết ra Bắc đều được ghi vào sổ đen và được phân loại thành đảng viên loại A, đảng viên loại B. Hầu như phần lớn đảng viên loại A đều bị lưu đày ra Côn Đảo. Cái xóm nhỏ chỉ có vài chục nóc nhà thì đã có gần một nửa số gia đình có người bị đày đi Côn Đảo. “Côn Đảo”, 2 từ ghép chỉ một địa danh xa tít, mịt mù mà người dân quê thời đó không hề biết nó ở đâu, hình thù thế nào. Sâu thẳm trong tiềm thức mọi người Côn Đảo nằm giữa biển khơi trùng trùng sóng dữ, mù trời gió cát, là nơi của sự chết chóc, là một tử địa hãi hùng. Hai từ Côn Đảo nghe ớn lạnh khắp người đến mức không ai dám nói to thành tiếng. Họ thường thầm thì truyền miệng nhau từ nhà này sang nhà khác về anh Mười, chú Năm, bác Bảy… đã bị bắt và lưu đày ở Côn Đảo. Cứ mỗi lần có một người bị đày ra Côn Đảo là nhiều tháng liền cái xóm nhỏ yên vui trở nên thầm lặng chìm sâu trong nỗi hoang mang sợ hãi. Người thân thì vò võ trong nỗi chờ mong vô vọng. Nhưng có lẽ không chỉ ở những cái xóm nhỏ vùng quê mà cả đất nước hơn một thế kỷ đau thương với hai tiếng Côn Đảo; kể từ tháng 2 năm 1862, Thủy sư đô đốc Bonard quyết định lập nhà tù Côn Đảo, nó đã nhanh chóng trở thành một “thương hiệu” lớn về tù đày tra tấn có tầm cỡ quốc tế!

Cầu tàu 914, nơi 91 tù nhân chính trị đã thiệt mạng
Cầu tàu 914, nơi 914 tù nhân chính trị đã thiệt mạng


Trong hơn một thế kỷ tồn tại không ai nghĩ đến Côn Đảo có biển xanh, cát vàng, nắng đẹp. Người ta sợ nơi đây tới mức không dám nghĩ ở đó có sự sống kể cả các loài sinh vật biển. Không ai nghĩ rằng du khách có thể đến chiêm ngưỡng cảnh đẹp Côn Đảo. Mà Côn Đảo luôn đồng nghĩa với địa ngục trần gian với chuồng Bò, chuồng Cọp và những hình thức tra tấn sánh ngang thời trung cổ. Suốt chiều dài lịch sử 113 năm, nhà tù Côn Đảo đã giam giữ đày đọa hơn 200.000 tù nhân chính trị; 20.000 người chết với đủ các lý do: xử bắn, chết đói, chết khát, chết do đòn roi, chết do sự khắc nghiệt của chế độ lao tù, chết tai nạn do chế độ lao động khổ sai. Chết do kiệt sức trên các công trường… Mà tiêu biểu nhất là có đến 914 người chết ngay trên công trường xây dựng cầu tàu Côn Đảo, tù nhân đã đặt tên cho nó là cầu tàu 914, tên đó vẫn được gọi cho đến ngày nay.

Hàng chục cuộc vượt ngục treo số phận trên đầu những ngọn sóng, hàng trăm cuộc đấu tranh của tù nhân chống chế độ lao tù khắc nghiệt. Những năm chống Mỹ, các nhân sĩ trí thức khắp các đô thị miền Nam cũng lập ra “ủy ban tranh đấu đòi cải thiện chế độ lao tù”. Báo chí tiến bộ trong nước, ngoài nước và nhiều nhà hoạt động nhân quyền thế giới tổ chức nhiều cuộc điều tra và lên tiếng tố cáo chế độ ngục tù man rợ của nhà tù Côn Đảo; đặc biệt dư luận lên tiếng về trại biệt giam mang tên chuồng Cọp nhưng chuồng Cọp vẫn là một bí ẩn suốt 30 năm kể từ khi nó hình thành, bởi nó được ngụy trang hết sức tinh vi. Những đoàn điều tra quốc tế đến rồi đi không phát hiện được gì. Ngay cả những người được giam ở đây cũng không thể xác định được vị trí của chuồng Cọp nên không thể trốn thoát mà nếu được về cũng khó có thể tả lại đúng vị trí chuồng Cọp nằm ở đâu. Đầu năm 1970, phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh (SVHS) các đô thị miền Nam lên cao đòi nhà cầm quyền thả những SVHS yêu nước bị giam giữ. Nhiều SVHS được trả tự do, trong đó có 5 sinh viên bị biệt giam ở chuồng Cọp, trên đường rời chuồng Cọp các anh đã vận dụng tất cả kiến thức và trí nhớ của mình để vẽ lại bản đồ trong đầu. Về đến Sài Gòn, các anh đã tố cáo trước hạ nghị viện Sài Gòn lúc đó và cung cấp thông tin cho báo chí. Thông tin về 5 sinh viên trở về từ chuồng Cọp Côn Lôn đăng trên tạp chí Life (Mỹ) đã tạo thành dư luận lên án mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông quốc tế, lập tức một đoàn 10 nghị sĩ Mỹ đến Việt Nam bay ra Côn Đảo thực hiện cuộc điều tra theo sự chỉ dẫn của 5 sinh viên vừa ra tù. Một số sinh viên đang còn bị giam cầm ở đây đã tiếp cận được đoàn điều tra và gặp nhà báo Mỹ, bằng vốn ngoại ngữ của mình các anh đã cung cấp khá chi tiết. Và, toàn bộ sự thật về trại biệt giam chuồng Cọp bị phơi bày trước công luận trong và ngoài nước.

Chuồng Cọp chỉ vài mét vuông nhưng nhốt hàng chục tù nhân chính trị. Trên có lính sẵn sàng đổ vôi bột, nước xuống tù nhân
Chuồng Cọp chỉ vài mét vuông nhưng nhốt hàng chục tù nhân chính trị. Trên có lính sẵn sàng đổ vôi bột, nước xuống tù nhân


Hơn một thế kỷ hận thù! Có biết bao câu chuyện đau thương! Và cũng ngần ấy những câu chuyện bi hùng cho ta nhận ra một không gian chật ních lịch sử đầy tự hào của Côn Đảo! Bây giờ hai tiếng Côn Đảo không còn là nỗi khiếp sợ như xưa, người ta không còn truyền miệng rì rầm trong nỗi hoang mang về hai từ Côn Đảo và không những không còn sợ, mà ngày nay nghe nói đi Côn Đảo mọi người trở nên háo hức, muốn đến tận nơi nhìn tận mắt những gì kẻ thù đã dùng để đày đọa những con người ưu tú nhất của dân tộc Việt và ghi trong tim mình niềm tự hào về chí khí ngút trời của lớp lớp người từng một thời coi cái chết nhẹ tênh vì một thiên đường cho dân tộc ở tương lai!

Cái xóm nhỏ miền quê từng ngày vẫn đợi chờ người thân từ Côn Đảo trở về! Để rút ngắn thời gian chờ đợi, họ đã đào hầm bí mật, lập đội du kích bán hợp pháp ban ngày ra đồng cày cấy, ban đêm đi tuyên truyền cách mạng, bàn phương án phá hàng rào ấp chiến lược, một số thanh niên lên rừng cầm súng đi đánh trận xa… Và, họ đã chiến thắng vào những ngày tháng 4/1975. Nhưng nhiều năm sau đỏ mắt trông chờ vẫn không một người từ Côn Đảo trở về, cũng không biết chính xác ngày mất để cúng giỗ! Nhiều người trong số họ cũng chưa một lần được đến Côn Đảo để biết rõ người thân của mình đã từng ở đó ra sao!

Trên đường từ sân bay Cỏ Ống về khu nhà dành cho 53 đời chúa đảo nay là Bảo tàng nhà tù Côn Đảo, anh Hưng lái xe du lịch cho chúng tôi biết huyện Côn Đảo có 74km vuông bao gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ là đơn vị hành chính một cấp không có xã, phường. Huyện có khoảng 7.000 dân, anh so sánh: “Liệt sĩ nằm ở Nghĩa trang Hàng Dương đông gấp 3 lần dân số hiện có của đảo đó anh”! Côn Đảo ngày nay không có ăn mày, ăn xin, mua bán không nói thách, không có trộm cắp, cướp giật, nhiều nhà tối không đóng cửa, xe máy vẫn để trên lề đường cả đêm thậm chí không rút chìa khóa. Cầu tàu 914 tấp nập tàu cá không chỉ của ngư dân Côn Đảo mà còn là của ngư dân từ nhiều tỉnh miền Trung và Nam bộ ghé lại để mua các dịch vụ của Côn Đảo như: tiếp dầu, sửa chữa tàu, cung cấp đá lạnh ướp cá, lương thực, thực phẩm, trung chuyển hải sản về đất liền… Người Côn Đảo chân thành, hiếu khách. Xã hội bình yên, trong lành chưa nhiễm nhiều những thói xấu của các đô thị trong đất liền. Trả lời câu hỏi có ma túy ở Côn Đảo không? Anh Hưng rất thật bảo: Có, nhưng là con cháu của “mấy ổng” đưa từ đất liền ra để cắt nguồn nhưng lại hình thành đường dây cung cấp mới và lây lan cho một số thanh niên. Anh Phải - Trưởng phòng LĐTBXH xác nhận điều anh Hưng nói là đúng nhưng đang được gom lại để xử lý!

Du lịch Côn Đảo đang trên đà phát triển và đang có sức thu hút du khách khá lớn. Tài nguyên du lịch quí của Côn Đảo là cảnh quan biển đảo đẹp, môi trường thiên nhiên trong sạch, nước biển xanh biếc, bãi biển đầy nắng và không rác. Môi trường xã hội lành mạnh, con người chân thành mến khách, cuộc sống yên bình. Hoạt động có sức thu hút du khách lớn nhất là du lịch lịch sử và du lịch tâm linh. Những câu chuyện kể về bà Phi Yến thứ phi của vua Gia Long làm xúc động lòng người. Vô vàn những câu chuyện về ý chí kiên cường của những người tù yêu nước, từ phong trào Văn Thân, Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục đến phong trào Cộng sản sau này làm cho người người, đời đời khâm phục, biết ơn. Ở Nghĩa trang Hàng Dương hầu như không ngày nào vắng khách. Về đêm lại càng đông hơn, nhất là vào khoảng nửa đêm người đi như hội, họ đến cúng và cầu nguyện bên mộ nữ liệt sĩ anh hùng Võ Thị Sáu và các phần mộ liệt sĩ một cách chân thành và trang trọng nhất. Hầu như họ đến từ rất nhiều vùng quê của đất nước. Có lẽ vậy mà máy bay ra Côn Đảo đã tăng chuyến, năm 2012 có gần 100 nghìn lượt khách đến thăm, trong đó có gần 13 nghìn lượt khách quốc tế, doanh thu thương mại và dịch vụ đạt 869 tỷ đồng.

Những ngày tháng Tư lịch sử đến thăm Côn Đảo như một chuyến hành hương về nơi linh thiêng. Có người xúc động bảo: “Hãy đến thăm Côn Đảo để lương tâm thức dậy mà dám sống trong sạch. Dám suy nghĩ và hành động minh bạch cho dân, cho nước”!

Bút ký: NGUYỄN TRỌNG HOÀNG