Trong một doanh nghiệp (DN), vốn tài sản quý nhất là người lao động. Nhiều DN ý thức được tầm quan trọng này, đã tích cực làm tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN), nhưng vẫn còn những DN xem thường.
Trong một doanh nghiệp (DN), vốn tài sản quý nhất là người lao động. Nhiều DN ý thức được tầm quan trọng này, đã tích cực làm tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN), nhưng vẫn còn những DN xem thường.
Nhà xưởng của Công ty TNHH Lâm Nghiệp đang xây dựng, luôn là mối nguy hiểm đối với gần 100 lao động làm việc |
Chiều ngày 2/4, Công ty cổ phần (CTCP) Sông Đà 5.05 và CTCP Cơ khí Điện lực - 2 trong 3 đơn vị trực tiếp thi công công trình Thuỷ điện Đạ Dâng, Lạc Dương phải làm việc lại tại Đà Lạt theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra về việc thực hiện pháp luật ATVSLĐ-PCCN của tỉnh vì lý do thiếu thiện chí hợp tác khi Đoàn đến tận công trường. Riêng những CT chịu hợp tác, Đoàn đã phát hiện CTCP Xây dựng công trình ngầm Vinavico (xây dựng Thuỷ điện Đạ Dâng), CT TNHH thương phẩm Atlantic Việt Nam còn nhiều tồn tại khuyết điểm; đặc biệt CT TNHH Lâm Nghiệp gần như kiểm tra đâu sai phạm đấy.
CT TNHH Lâm Nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 30/11/2005, hiện do ông Lin Chih Cheng làm Tổng Giám đốc. DN này sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu các sản phẩm nhựa với quy mô công suất 1.200 tấn hạt nhựa/năm. Đứng chân tại Khu Công nghiệp Lộc Sơn, Bảo Lộc, cuối năm 2006, DN bắt đầu xây dựng và chính thức hoạt động từ tháng 6/2007. Tại thời điểm kiểm tra, cả Tổng Giám đốc và Giám đốc (bà Lương Huệ Phương) không có mặt, uỷ quyền cho bà Châu Quí Gia đại diện CT làm việc. Là người phụ trách nhân sự, nhưng kỳ lạ là bà Gia không nắm chính xác về nhân lực của CT, nhiều vấn đề về pháp luật ATVSLĐ-PCCN cũng lơ mơ (!). Mặc dù tháng 5/2012, Đoàn thanh tra lao động tỉnh Lâm Đồng đã kết luận và lập biên bản xử lý hành chính một trong 17 lỗi, nhưng ngày 29/3/2013, khuyết điểm và thiếu sót của CT năm 2012 ít được sửa chữa, khắc phục mà còn phát sinh. Đó là không thành lập bộ máy làm công tác an toàn-vệ sinh viên; không tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động; không kiểm định 2 thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt; không trang bị hướng dẫn vận hành một số máy móc, thiết bị; chưa trang cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; công nhân vận hành thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt không có chứng chỉ chuyên môn; không có bảng nội quy ATVSLĐ. CT này cũng không tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động; không có cán bộ làm y tế; không đo kiểm môi trường lao động tại nơi làm việc và cũng không tổ chức tập huấn vệ sinh lao động, không thành lập đội sơ cấp cứu… Chưa hết, CT TNHH Lâm Nghiệp cũng không lập hồ sơ quản lý theo dõi hoạt động PCCC và một số phương tiện chữa cháy thiếu chế độ bảo dưỡng. Đặc biệt, đáng lo ngại là nhà xưởng đang thi công xây dựng dở dang, không có phương án chữa cháy, các điều kiện về an toàn lao động gần như chưa có, nhưng đã bố trí gần 100 lao động vào làm việc!
Cũng tại Khu Công nghiệp Lộc Sơn, CT TNHH thương phẩm Atlantic Việt Nam tuy không nhiều tồn tại như CT TNHH Lâm Nghiệp, nhưng cũng vi phạm đến 7 nội dung về an toàn lao động, vệ sinh lao động và PCCN. Để nhắc nhở, Đoàn kiểm tra đã lập biên bản xử lý hành chính 1 lỗi và kiến nghị lãnh đạo CT khắc phục trong vòng 30 ngày. Những khuyến nghị của Đoàn đã được ông Stephane Mahieu - Giám đốc nhà máy và bà Phạm Thị Thuý Hằng - phụ trách hành chính nhân sự tiếp thu nghiêm túc. Đối với CT CP Xây dựng Vinavico nêu ở trên, căn cứ các văn bản pháp quy về ATVSLĐ-PCCN, CT này còn tồn tại khuyết điểm 14 nội dung. Đáng lưu ý nhất là hệ thống điện tại công trường đường hầm rất mất an toàn; môi trường làm việc độc hại, có nhiều nguy hiểm nhưng không tổ chức đo kiểm, thiếu biển cảnh báo và rào chắn, không có đội sơ cấp cứu và không huấn luyện nghiệp vụ sơ cấp cứu…
Khuyết điểm, thiếu sót của một số DN nêu trên không chỉ là hồi chuông cảnh báo đối với các DN này, mà còn là bài học kinh nghiệm quý báu đối với các DN khác. Ngày 1/4, trao đổi về những tồn tại này, Phó Thường trực Ban chỉ đạo Tuần lễ ATVSLĐ-PCCN quốc gia tỉnh Lâm Đồng Trương Ngọc Lý nhấn mạnh: Vấn đề quan trọng nhất là ý thức của người sử dụng lao động đối với công tác ATVSLĐ-PCCN. Muốn phát triển bền vững phải luôn coi trọng công tác này một cách thường xuyên, nhất là những DN thường để xảy ra tai nạn lao động trong các lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản,… Việc kiểm tra chủ yếu nhằm nhắc nhở để DN làm tốt hơn, chứ không đặt nặng vấn đề xử phạt hành chính. Tuy nhiên, những DN cố tình tái phạm cũng cần kiên quyết xử lý, để họ thực sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động.
MINH ĐẠO