DonBosco - nơi ươm mầm ước mơ cho trẻ bất hạnh

03:04, 09/04/2013

(LĐ online) - Không cùng độ tuổi, khác cả hoàn cảnh xuất thân và quê quán nhưng các em lại đang có chung một hoàn cảnh sống, đều phải tự bươn chải kiếm sống để nuôi bản thân, phụ giúp gia đình.

(LĐ online) - Không cùng độ tuổi, khác cả hoàn cảnh xuất thân và quê quán nhưng các em lại đang có chung một hoàn cảnh sống, đều phải tự bươn chải kiếm sống để nuôi bản thân, phụ giúp gia đình. Chẳng vậy mà vừa buổi sáng mới ê, a con chữ, vui đùa cùng bạn bè ở lớp, chiều đến đã thấy mỗi em một nơi, trên tay là xấp vé số thật dày rong ruổi khắp ngả đường, ngõ ngách của thành phố mời chào từng người cho nhanh hết để trở về ôn bài cho kịp buổi mai tới lớp.

Có một lớp học đặc biệt dành cho những học sinh đặc biệt như thế đã duy trì ngót 20 năm nay ở Nhà thờ DonBosco Đà Lạt (4G, Bùi Thị Xuân, Tp.Đà Lạt) mang tên Lớp học tình thương. Mỗi lớp học chỉ chừng 10 học sinh, có em lên 6, em lên 8 và có cả em 10, 12 tuổi cùng học chung một lớp, cùng chung một ước mơ, được học hành đến nơi đến chốn.

 

Một lớp học tình thương tại Nhà thờ DonBosco
Lớp tình thương mẫu giáo tại Nhà thờ DonBosco

Ước mơ con chữ

Mỗi ngày, cô bé 9 tuổi Nguyễn Thị Hương (An Sơn, phường 4, thành phố Đà Lạt), đang theo học lớp 1A, lớp tình thương ở Nhà thờ DonBosco Đà Lạt, thức dậy từ rất sớm. Vì cô bé phải một mình đi bộ đoạn đường gần 3km từ nhà đến lớp cho kịp giờ vào học. Rồi khi tan học, có bữa bụng đói, chưa kịp ăn, em lại vội vàng đi nhận vé số từ đại lý để bắt đầu buổi mưu sinh phụ giúp cha mẹ. Khi được hỏi về ước mơ, đôi mắt thoáng buồn của Hương chợt bừng sáng lên:“Con muốn học thật giỏi để lớn lên làm bác sỹ kiếm tiền nuôi gia đình và có thể giúp đỡ, chữa bệnh cho người nghèo”.

Cũng giống như Hương, 72 em học sinh đang theo học tại Lớp học tình thương ở Nhà thờ Donbosco Đà Lạt đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng lại mang trong mình những ước mơ rất đẹp. Có em mơ làm giáo viên, có em mơ thành nhà văn, nhà kinh doanh giỏi, làm phi công… trong tương lai dù vừa rời khỏi cửa lớp thôi, các em vẫn còn tuổi chơi, tuổi ăn ấy đã phải lao vào cuộc sống với bộn bề những lo toan, vất vả vì phải sớm mưu sinh.

Đa số các em học sinh ở đây đều có hoàn cảnh đặc biệt, có em còn không có cả giấy khai sinh, có em theo cha mẹ rày đây mai đó nên không có giấy tờ đầy đủ để làm thủ tục theo học tại các trường khác, em thì là trẻ cơ nhỡ, cũng có em gia đình quá khó khăn không đủ điều kiện cho con em đi học. Mỗi em một hòan cảnh, một số phận riêng, nhưng trên hết, vượt qua khó khăn, thiệt thòi của số phận, các em đều đang nuôi dưỡng ước mơ bên những con chữ, là những học trò ngoan, chăm học của Lớp tình thương DonBosco.

Ấm áp tình thương

Lớp học tình thương ở Nhà thờ DonBosco này đã được duy trì hơn 20 năm, với sự quản lý trực tiếp của UBND phường 2, thành phố Đà Lạt. Lớp học đã trở thành địa chỉ quen thuộc mà nhiều phụ huynh nghèo, có số phận hoàn cảnh đặc biệt tìm đến để gửi gắm con, em theo học. Hiện tại, ở đây có 72 em học sinh được chia thành 7 lớp,  từ  lớp 1 đến lớp 5 và một lớp mẫu giáo. Điều đặc biệt là các em được ghép lớp học theo khả năng, trình độ của mỗi em chứ không theo độ tuổi. Chương trình học và đề thi học kỳ vẫn theo chương trình quy định chung của ngành giáo dục. Không chỉ được học chữ, các em còn được các cô, các cha ở đây dạy dìu dắt chỉ bảo thêm kiến thức, kỹ năng sống và chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống.

a
Các em ở lớp học tình thương vui chơi trong giờ ra chơi

Cô giáo Nguyễn Thị Vinh, mặc dù chỉ mới có 2 năm gắn bó với Lớp học tình thương nhưng luôn tự hào và rất xúc động khi kể về niềm vui đứng lớp, dạy dỗ cho các em có hoàn cảnh đặc biệt. Cô Vinh tâm sự: “Là nhà giáo về hưu, tôi được tham gia giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở đây, đồng cảm với tâm huyết của những người thành lập, những nhà giáo như tôi cũng muốn phần nào san sẻ, bù đắp những thiệt thòi của các em trong cuộc sống. Mỗi ngày lên lớp với tôi là một niềm vui khi”.

Linh mục Nguyễn Xuân Quang- người phụ trách quản lý lớp học, chia sẻ: “Đa phần sách vở, đồ dùng học tập đều do nhà thờ và các nhà hảo tâm đóng góp để phụ giúp các em. Các em học sinh ở đây tuy nhỏ tuổi nhưng đều rất ngoan, nghị lực. Nhìn các em mỗi ngày biết đọc chữ nhiều hơn, biết lễ phép, thương yêu người xung quanh chúng tôi thấy ấm lòng, tìm mọi cách để có thể duy trì lớp và động viên các em đến lớp”. Linh mục Quang cũng chia sẻ thêm mong muốn trong tương lai sẽ mở thêm các lớp từ lớp 6 đến lớp 9, và sẽ xây dựng nhà cho trẻ em mồ côi nương tựa.

Không chỉ có các linh mục, các cô giáo luôn giành sự yêu thương, bao bọc cho các em theo học ở đây mà chính quyền, các nhà hảo tâm, các cơ quan, đơn vị, người dân địa phương cũng luôn dành cho các em ở lớp học sự quan tâm đặc biệt. Cứ một tuần 2 buổi, cô Tôn Nữ Thị Trần, hiện công tác tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh, cùng các cán bộ phường... lại huy động quyên góp, đến nấu cơm trưa cho các em ăn trước khi ra về, chỉ với tâm niệm “lấy niềm vui của các em làm hạnh phúc cho mình” - cô Trần nói.

Rời khỏi lớp học tình thương ở nhà thờ DonBosco Đà Lạt, chúng tôi mới thấm thía hết tình người ấm áp ở xứ lạnh này đối với những trẻ em nghèo, mảnh đời khó khăn, bất hạnh. Hy vọng, bằng những việc làm thiết thực, những tình cảm ấm áp, đậm tình ấy sẽ giao hạt, ươm mầm cho ước mơ của các em bay được đến bến bờ thành công.

Diễm Thương