Giấc mơ sách

10:04, 24/04/2013

(LĐ online) - Với các em học sinh Trường Khiếm thính Lâm Đồng, có một thứ kỳ diệu đưa các em chạm vào những giấc mơ, vẽ nên bức tranh cuộc sống nhiều màu sắc mà các em chưa được trải nghiệm, đưa các em vào xứ sở thần tiên của những câu chuyện cổ tích hay tái hiện cảnh sắc thiên nhiên muôn màu của khắp năm châu... Điều kỳ diệu ấy là những cuốn sách - người bạn thân thiết của các em sau những giờ học.

(LĐ online) - Với các em học sinh Trường Khiếm thính Lâm Đồng, có một thứ kỳ diệu đưa các em chạm vào những giấc mơ, vẽ nên bức tranh cuộc sống nhiều màu sắc mà các em chưa được trải nghiệm, đưa các em vào xứ sở thần tiên của những câu chuyện cổ tích hay tái hiện cảnh sắc thiên nhiên muôn màu của khắp năm châu... Điều kỳ diệu ấy là những cuốn sách - người bạn thân thiết của các em sau những giờ học.

Các em học sinh Trường Khiếm thính Lâm Đồng đang đọc sách
Các em học sinh Trường Khiếm thính Lâm Đồng đang đọc sách. Ảnh: Văn Báu


Vươn lên bằng nghị lực

Trầm mặc ở địa chỉ số 3 - Pasteur - TP Đà Lạt, Trường Nuôi dạy trẻ khiếm thính tỉnh Lâm Đồng là ngôi nhà chung của 72 em học sinh đến từ khắp nơi trong tỉnh. Cùng chung số phận kém may mắn đã đưa các em tụ hội về đây, dưới sự dạy dỗ, chăm sóc của các cô, các chị ở đây, các em đang từng bước vượt lên thiệt thòi số phận tìm đến tri thức, mai đây hoà nhập cuộc sống như bao bạn bè cùng trang lứa. Đều đặn ngày 2 buổi, sáng học văn hoá, chiều học nghề, các em học sinh Trường Khiếm Thính Lâm Đồng được trang bị cả kiến thức văn hoá lẫn nghề nghiệp để có thể tự đứng vững, mưu sinh khi ra trường.

Cô giáo Nguyễn Thị Quý - người có hơn 17 năm gắn bó với các em khiếm thính tại trường chia sẻ: “Bao nhiêu năm dạy dỗ, chăm sóc các em là bấy nhiêu lần cô thêm một lần được học hỏi nghị lực từ chính các học sinh khiếm thính, cũng không biết bao nhiêu lần tận mắt chứng kiến và chia sẻ với hoàn cảnh quá đỗi khó khăn của các em”. Cô Quý kể, có nhiều em nhà ở tận các xã, huyện vùng sâu, vùng xa, vì gia đình quá nghèo có khi cả năm không được về thăm nhà, có em cả nhà 3-4 anh em đều bị khiếm thính… mỗi em mỗi cảnh nhưng đa số đều khó khăn nếu không muốn nói là rất éo le.

Bỏ lại sau lưng những thiệt thòi của bản thân, sự khó khăn của hoàn cảnh gia đình những cô bé, cậu bé khiếm thính ở đây đang bằng chính nghị lực của mình để cùng hướng đến tương lai, cùng đi tìm giấc mơ từ chính những con chữ như cô bé Nguyễn Thị Hương - Học sinh lớp ngập ngừng nói từng chữ: “Em ước mơ học thật giỏi, lớn lên dạy chữ cho các bạn có hoàn cảnh như em”.

Và cả những đam mê

Đôi mắt nhìn xa xăm thoáng buồn của Võ Văn Bảo - học sinh lớp 5 Trường Khiếm thính Lâm Đồng khi chúng tôi hỏi: “em nhà ở đâu?” chợt ánh lên niềm vui khi nhắc đến sách. Nhà ở một xã vùng xa thuộc huyện Cát Tiên, đã hơn 7 tháng không gặp người thân và về nhà, Bảo kể: “Với em sau giờ học, em thích nhất được đọc sách. Sách dạy em biết yêu thương mọi người, giúp đỡ người khó khăn hơn mình. Sách như người bạn giúp em yêu cuộc sống hơn, vui vẻ hơn mỗi khi nhớ nhà”.

Mỗi ngày, sau những giờ học căng thẳng các em học sinh khiếm thính lại tìm niềm vui qua những trang sách. Bởi lẽ sách không chỉ là đam mê, sở thích mà còn là công cụ hỗ trợ thêm ngôn ngữ cho các em, nơi mở ra cho các em cả thế giới bên ngoài. Phòng đọc sách mang tên “Giấc mơ của em” chỉ mới được nhà trường hoàn thành vào đầu năm học 2012-2013 nhưng đã trở thành nơi yêu thích nhất của các em sau giờ học. Nhìn các em mê mẩn từng trang sách trong phòng đọc hay mượn thầy cô mang về nội trú đọc mới thấy hết sự đam mê đọc sách của các em.

Cô Nguyễn Thị Nhàn - Hiệu trưởng nhà trường cũng tâm sự: thấy các em ham đọc sách mà thương lắm, tuy điều kiện còn khó khăn nhưng cùng với các nhà hảo tâm, nhà trường đã xây dựng được phòng đọc sách, đem lại niềm vui tinh thần lớn cho các em. Đọc sách hỗ trợ cho các em trong việc tăng cường khả năng giao tiếp, rèn luyện trí tưởng tượng, sáng tạo và năng lực ngôn ngữ.

Sách với các em khiếm thính không chỉ là cánh cửa giúp các em hiểu và hoà nhập với cuộc sống mà đơn giản còn là niềm đam mê con trẻ mà như bao bạn nhỏ khác đều trải qua. Cũng nâng niu, thích thú khi được đọc truyện cổ tích, truyện tranh, hay cũng háo hức khi cầm trên tay cuốn sách mới.

Hay có lẽ chính những “Giấc mơ sách” ấy đang tiếp thêm nghị lực cho các em khiếm thính cuộc sống, vỗ về những ước mơ, đưa các em đến gần hơn với cuộc sống bên ngoài, từng bước chạm tay vào những ước mơ.

Diễm Thương