Giải pháp đào ao, hồ nhỏ

04:04, 09/04/2013

Mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản “Ủng hộ chủ trương UBND huyện Di Linh triển khai thực hiện mô hình tổ chức các hộ dân hiến đất, đào ao, hồ nhỏ để cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện”.

Mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản “Ủng hộ chủ trương UBND huyện Di Linh triển khai thực hiện mô hình tổ chức các hộ dân hiến đất, đào ao, hồ nhỏ để cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện”. Trước đó, vào cuối tháng 3, UBND huyện Di Linh đã có tờ trình gửi UBND tỉnh đề xuất việc hỗ trợ kinh phí cho việc đào ao hồ chống hạn.

Thực ra, việc vận động người dân hiến đất để đào ao hồ ở những vùng thiếu nước sản xuất nông nghiệp trong mùa nắng đã được thực hiện từ vài năm qua. Mặt khác, đào ao hồ mang tính cục bộ này là một trong những giải pháp (cùng với các giải pháp khác như nạo vét kênh mương, khơi thông nguồn nước trên các suối nhỏ…) mà ngành nông nghiệp đưa ra để giúp cứu cây trồng cho bà con nông dân từ trước đến nay. Nhìn toàn tỉnh, có thể nói rằng Di Linh là một trong các địa phương đi đầu về thực hiện các giải pháp chống hạn bằng cách đào ao hồ nhỏ trong dân, bởi có thể đây là địa phương có vùng cà phê lớn nhất của tỉnh (trên 45.000ha trong tổng số 147.000ha). Ví dụ tại địa bàn xã Gung Ré của huyện Di Linh từ trước đến nay chỉ có một hồ chứa nước và một kênh dẫn nước từ công trình thuỷ lợi nên vào mùa khô hạn, hàng loạt cây trồng, đặc biệt là cà phê (cả xã có gần 2.000ha cà phê), thiếu nước tưới. Trước tình hình ấy, chính quyền địa phương đã đứng ra vận động 6 hộ gia đình trong thôn hiến đất để bà con trong vùng tự nguyện đào 8 hồ chứa nhỏ (mỗi ao hồ chỉ rộng chừng 500-700m2) tích nước để cung cấp tưới cho vài chục hecta cây trồng cho vài chục gia đình. Nhờ đó, từ 2011 (năm đầu tiên Gung Ré vận động người dân hiến đất đào ao hồ), nhiều vườn cà phê trong vùng tránh được nạn “chết khát” trong mùa khô. Và, ở huyện Di Linh, không chỉ Gung Ré là địa phương duy nhất có cách làm hay như thế.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thuỷ lợi và môi trường, nếu việc đào ao hồ, đào giếng… mang tính cục bộ này không được quản lý chặt chẽ, không có quy hoạch mang tính chuyên môn thì hệ quả kéo theo không phải là không tai hại như làm thay đổi và suy giảm nguồn nước ngầm, làm thay đổi địa hình… Do vậy, việc đào ao hoặc hồ nhỏ, hoặc đào giếng để lấy nước tưới cho cây trồng trong mùa khô là việc Di Linh (và không chỉ Di Linh) cần làm nhưng cần phải tuân theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Về phía mình, các cơ quan chuyên môn của huyện và của tỉnh hẳn không thể đứng ngoài cuộc.

Khắc Dũng