Hiệu quả của mô hình “Tiếng kẻng an ninh”

03:04, 23/04/2013

Hơn 2 năm nay, tiếng kẻng bảo vệ trật tự an ninh ở thôn Thanh Bình 3 (xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng) đã trở thành âm thanh quen thuộc, là hiệu lệnh để các thành viên đi tuần tra ban đêm giữ gìn trật tự an ninh trong thôn, xóm mình.

Hơn 2 năm nay, tiếng kẻng bảo vệ trật tự an ninh ở thôn Thanh Bình 3 (xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng) đã trở thành âm thanh quen thuộc, là hiệu lệnh để các thành viên đi tuần tra ban đêm giữ gìn trật tự an ninh trong thôn, xóm mình. Đây là mô hình quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc hoạt động hiệu quả của địa phương.

Thôn Thanh Bình 3 là một thôn mới của xã Bình Thạnh, với 410 hộ, 1.972 khẩu, trong đó có 98% bà con theo đạo Thiên Chúa. Cách đây khoảng vài năm, toàn thôn chỉ có 1 tổ tuần tra gồm 7 thành viên, lực lượng vốn mỏng, lại hoạt động trên địa bàn rộng, nên tình trạng trộm cắp chó, cà phê, mô tơ, dây tưới, xe máy… vẫn thường xuyên xảy ra, tình hình an ninh trật tự trong thôn vì thế diễn biến phức tạp. Kẻ trộm ngang nhiên hoành hành, vì dù có bị phát hiện, người dân trong thôn cũng không dám hô hoán, truy đuổi, vì sợ bị trả thù. “Trước tình hình trên, Đảng ủy, UBND xã Bình Thạnh đã chỉ đạo Chi bộ thôn Thanh Bình 3 xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, tổ chức họp quân dân chính, đồng thời thông qua kế hoạch củng cố tình hình an ninh trên địa bàn, vận động nhân dân phát triển kinh tế, gắn với việc tích cực tham gia xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân” - ông Lê Quang Trung, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Bí thư Chi bộ thôn Thanh Bình 3 cho biết. Và “Tiếng kẻng an ninh” thôn Thanh Bình 3 đã chính thức ra đời từ tháng 3/2011, nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân trong thôn, xóm. Cụ thể, Chi bộ và Ban nhân dân thôn đã lãnh đạo thành lập được 9 tổ tự quản tuần tra. Trong đó, cứ khoảng 30-50 hộ thì có 1 tổ tự quản ra đời, từ 5-7 thành viên, có lực lượng cựu chiến binh và lực lượng dân quân hàng năm đã được tham gia các chương trình huấn luyện do UBND xã tổ chức làm nòng cốt.

Cùng với việc thành lập các tổ tự quản, toàn thôn đã trang bị được 18 chiếc kẻng an ninh treo trên khắp địa bàn thôn và mỗi hộ đều được trang bị một chiếc gậy tầm vông sơn màu đỏ - trắng làm dụng cụ hỗ trợ cho tổ tự quản khi có sự cố xảy ra; 18 chiếc kẻng cũng được sơn màu đỏ, trên đó có ghi “Kẻng an ninh thôn Thanh Bình 3”.

Hàng đêm, từ 7 giờ tối đến sáng, có khoảng 2 tổ tự quản (với 2-3 người/tổ) sẽ làm nhiệm vụ tuần tra khắp thôn. “Để trang bị kẻng, gậy và có kinh phí để tổ tự quản hoạt động, năm đầu khi mới thành lập, người dân trong thôn đã tự nguyện đóng góp 100 ngàn đồng/hộ/năm, sang năm thứ hai thì số tiền này là 50 ngàn đồng/hộ/năm. Việc chọn vị trí đặt kẻng an ninh chúng tôi cũng căn cứ theo cụm dân cư, cứ khoảng 30-50 hộ thì đặt 1 chiếc kẻng. Hộ được chọn đặt kẻng sẽ cho người dân ở trong cụm mình biết số điện thoại của gia đình mình, phòng khi có chuyện bất trắc xảy ra, người dân sẽ điện báo cho nhà có treo kẻng đánh báo động. Khi tiếng kẻng đầu tiên được đánh lên thì những tiếng kẻng còn lại cũng sẽ đồng loạt được vang lên”- ông Trung nói thêm.

Nếu như trước đây, khi mô hình “Tiếng kẻng an ninh” chưa ra đời, số vụ trộm cắp, tệ nạn xã hội như hút chích, tai nạn giao thông… mỗi năm trên địa bàn xảy ra hàng chục vụ, thì từ khi "Tiếng kẻng an ninh" được hình thành, số vụ việc trên đã giảm hẳn. Người dân trong thôn đã có ý thức hơn trong việc tham gia giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương. Mỗi một người dân, mỗi một gia đình đều ý thức được rằng việc chấp hành nghiêm các quy định của địa phương, thôn xóm chính là tự bảo vệ bản thân mình, gia đình mình trước nguy cơ về các tệ nạn xã hội, trộm cắp, tai nạn giao thông… Đặc biệt, các tổ tự quản trên còn là các tổ hoà giải tại các tổ, xóm. Những vụ việc như vợ chồng cãi nhau, tranh chấp đất đai, con cái - cha mẹ bất hoà… luôn được tổ hoà giải này kết hợp với các chi hội trong thôn như Chi hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Cựu Chiến binh… cùng tham gia hoà giải một cách thấu tình, đạt lý, củng cố được tình làng nghĩa xóm, góp phần không nhỏ vào xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tại địa phương và góp phần vào chương trình xây dựng nông thôn mới.

Với cách làm hiệu quả trên, năm 2013, mô hình “Tiếng kẻng an ninh” đã được xã Bình Thạnh chọn để nhân rộng ra khắp các thôn trong xã và trong hai năm 2011, 2012, tổ tự quản thôn Thanh Bình 3 đã nhận được giấy khen của Đảng uỷ xã Bình Thạnh và UBND huyện Đức Trọng.

Thy Vũ