Hoàn thành nhiệm vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương

04:04, 07/04/2013

Tập thể NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đã nhanh chóng vừa xây dựng hệ thống mạng lưới giao dịch từ tỉnh đến huyện, vừa xây dựng bộ máy tổ chức và tập trung triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đạt hiệu quả và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngày 4/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập NHCSXH, nhằm tập trung mọi nguồn lực tài chính đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia về xoá đói, giảm nghèo và tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại. Cùng với các địa phương trong cả nước, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng được thành lập và khai trương đi vào hoạt động từ ngày 14/1/2003.

Tập thể NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đã nhanh chóng vừa xây dựng hệ thống mạng lưới giao dịch từ tỉnh đến huyện, vừa xây dựng bộ máy tổ chức và tập trung triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đạt hiệu quả và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, bộ máy hoạt động tại Chi nhánh gồm Hội sở tỉnh và 11 Phòng giao dịch, với 148 Điểm giao dịch xã, trên 3.100 Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) và 155 CB-CNV. Ngoài bộ máy tác nghiệp, hoạt động của Chi nhánh còn có sự tham gia quản trị của 135 thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện và gần 600 cán bộ hội nhận uỷ thác các cấp cùng tham gia phối hợp triển khai các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn toàn tỉnh.

Với hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, NHCSXH luôn xác định mục tiêu an sinh xã hội là ưu tiên hàng đầu. Trải qua chặng đường 10 năm xây dựng và trưởng thành, được sự quan tâm của NHCSXH Việt Nam, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, nguồn vốn tín dụng ưu đãi từng bước được bổ sung, với số dư đạt 1.981 tỷ đồng, tăng gấp 16,4 lần so với năm 2003; trong đó nguồn vốn của Trung ương chiếm 98%, nguồn vốn địa phương chiếm 2%. Triển khai kịp thời, có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách với doanh số cho vay trên 3.800 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 300 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh cải thiện đời sống. Đến nay, Chi nhánh có tổng dư nợ 1.940 tỷ đồng, tăng 16,6 lần so với năm 2003. Hiện toàn tỉnh có gần 103 nghìn khách hàng đang dư nợ, với mức vay bình quân 18,8 triệu đồng/1 khách hàng, cao hơn gần 6 lần so với năm 2003. Từ 3 chương trình tín dụng ban đầu, đến nay Chi nhánh triển khai mở rộng cho vay 9 chương trình, trong đó chương trình cho vay hộ nghèo chiếm 34,7% tổng dư nợ, tiếp đến là chương trình tín dụng học sinh sinh viên chiếm 30,4% tổng dư nợ, đây là chương trình có tăng trưởng dư nợ tăng nhanh, đi vào cuộc sống và mang lại nhiều hiệu ứng xã hội nhất.

Các chương trình tín dụng do NHCSXH thực hiện qua 10 năm đã đáp ứng khá toàn diện các nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Nhờ đó, đã giúp cho 28.500 hộ thoát nghèo; tạo việc làm và tăng thêm việc làm cho trên 163.000 lao động; tạo điều kiện cho gần 45.000 em học sinh sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập; giúp cho gần 1.800 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời giúp xây dựng 41.000 công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn tại vùng nông thôn; cùng với các nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước, vốn tín dụng chính sách đã giúp cho hộ nghèo xây dựng 4.900 căn nhà...; góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 22,72% năm 2005 xuống còn 6,31% và 77% dân số vùng nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh. Các hoạt động này đã có tác động tích cực đối với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; làm chuyển biến phương thức sản xuất của hộ nghèo theo hướng sản xuất hàng hoá; nâng cao chất lượng môi trường sống.

NHCSXH đã chọn phương thức uỷ thác từng phần một số công đoạn trong quy trình tín dụng cho các tổ chức chính trị xã hội (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên). Với mạng lưới Tổ Tiết kiệm và vay vốn phủ khắp các thôn, buôn, tổ dân phố trong tỉnh là cánh tay nối dài của NHCSXH để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến với khách hàng vay vốn. Đến nay, trên 98% dư nợ của Chi nhánh thực hiện uỷ thác qua các tổ chức chính trị - xã hội. Có thể khẳng định phương thức uỷ thác từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội là cách làm năng động, sáng tạo, một mô hình mới hiệu quả và rất đặc trưng của NHCSXH.

Xuất phát từ nhu cầu của người dân được thực hiện dịch vụ ngân hàng ngay tại cơ sở, NHCSXH đã thực hiện mô hình hoạt động tác nghiệp, đưa vốn tới các Điểm giao dịch cố định tại các xã, tạo điều kiện tốt nhất cho việc tiếp cận vốn tín dụng chính sách của người dân. Chi nhánh đã thành lập 148 Điểm giao dịch xã tại tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Đến nay 95% doanh số hoạt động cho vay, thu nợ, thu lãi, thu chi tiền gửi tiết kiệm của hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã được thực hiện ngay tại xã.  

Mục tiêu cụ thể trong năm 2013 và các năm tiếp theo của NHCSXH tỉnh là góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 2%, trong đó giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số xuống dưới 8% vào năm 2015; tạo việc làm hàng năm cho 3 vạn lao động, đào tạo nghề cho 2,5 vạn lao động… Trong đó đặc biệt hướng tới việc 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH tỉnh cung cấp. Dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 10%; tỷ lệ nợ quá hạn hàng năm dưới 1,5%/tổng dư nợ.

Huỳnh Thanh Lân