Hội Sinh vật cảnh Lâm Đồng và giữ gìn môi trường

04:04, 25/04/2013

Có trên 1.000 hội viên, Hội Sinh vật cảnh (Hội SVC) Lâm Đồng là nơi quy tụ những người yêu sinh vật cảnh và tha thiết với việc gìn giữ môi trường. Được thành lập từ năm 2002, đến nay, Hội đang có những đóng góp hết sức tích cực vào việc xây dựng một hình ảnh Lâm Đồng xanh - sạch - đẹp.

Có trên 1.000 hội viên, Hội Sinh vật cảnh (Hội SVC) Lâm Đồng là nơi quy tụ những người yêu sinh vật cảnh và tha thiết với việc gìn giữ môi trường. Được thành lập từ năm 2002, đến nay, Hội đang có những đóng góp hết sức tích cực vào việc xây dựng một hình ảnh Lâm Đồng xanh - sạch - đẹp.

Cây cơm nước ven hồ Xuân Hương
Cây cơm nước ven hồ Xuân Hương


Ông Huỳnh Minh Xuyến, Chủ tịch Hội SVC Lâm Đồng tiếp chúng tôi trong khuôn viên vườn nhà, một khu vườn đẹp với cỏ, với đá, những cây bon sai và một dòng nước nhỏ uốn lượn. Ông cho biết: “Hội SVC Lâm Đồng có 9 hội địa phương trên tổng số 12 huyện thị. Ở rất nhiều tỉnh thành khác, với một diện tích đất ít ỏi, những người làm sinh vật cảnh đã chuyển đổi mô hình, kinh doanh sinh vật cảnh cho thu nhập cao, nhưng Lâm Đồng, với đặc thù vùng rau hoa, cây công nghiệp lớn nên sinh vật cảnh chưa được coi là làm kinh tế. Bù lại, chúng tôi chú trọng tới việc Hội và hội viên tích cực góp phần gìn giữ môi trường, xây dựng quê hương xanh - sạch - đẹp”. Một trong những hoạt động của Hội SVC Lâm Đồng là tham gia bảo vệ môi trường, tư vấn để các cơ quan chức năng xây dựng cảnh quan phù hợp với không gian, đồng thời phù hợp với môi trường nhằm mục tiêu phát triển bền vững.

Việc tôn tạo, giữ gìn danh lam thắng cảnh, bảo vệ các cây cổ thụ cũng được Hội chú ý. Hiện các Hội địa phương ở Đức Trọng, Đơn Dương, Di Linh đang tiến hành kiểm kê các cây cổ thụ, đánh giá tình trạng để cùng các cơ quan chức năng bảo vệ cây. Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội SVC Đơn Dương cho biết, Đơn Dương có khá nhiều cây cổ thụ có giá trị về cảnh quan cũng như giá trị tinh thần, Hội đang tích cực đánh giá, kiểm kê và tham mưu để UBND huyện có kế hoạch gìn giữ, bảo vệ những cây cổ thụ này. Hội SVC tỉnh cũng vận động hội viên hướng tới mục tiêu xanh - sạch - đẹp từ vườn nhà cho tới đường phố, làm đẹp cho không gian, đồng thời giúp cộng đồng xung quanh chú ý tới vấn đề vệ sinh môi trường. Mỗi gia đình hội viên đều có những tiểu cảnh, những vườn hoa, cây bon sai làm đẹp nhà, đẹp phố. Nhất là trong các dịp Festival Hoa, gian trưng bày, triển lãm của Hội SVC bao giờ cũng thu hút được đông đảo người tham quan bởi sự phong phú, đa dạng về chủng loại và sắc màu. Những dịp Festival Hoa Đà Lạt, bán đảo Bích Câu đã được Hội biến từ một vùng um tùm cây cỏ trở thành một khu vườn đẹp, hoà hợp với mặt nước hồ xanh, làm nơi vui chơi, ngắm cảnh cho đông đảo du khách và cư dân địa phương.

Tuy Hội SVC Lâm Đồng chưa có nhiều hội viên “sống về nghề” nhưng một số CLB thành viên của Hội đã phát triển, mang lại thu nhập khá cho thành viên. Các CLB đá cảnh ở Đà Lạt, Di Linh, Bảo Lộc và CLB bonsai Đà Lạt là những CLB có nhiều hoạt động hiệu quả nhất, đã tập hợp được hàng chục hội viên say mê với đá, lặn lội ven các con sông, suối ngàn để tìm kiếm và phát hiện ra vẻ đẹp của những viên đá trầm lặng. CLB đá cảnh Đà Lạt còn lập hẳn một trang web để giới thiệu những viên đá đẹp, những người chơi đá chuyên nghiệp, giúp người yêu thích có diễn đàn để trao đổi tình cảm, thông tin cũng như mua bán đá. Hay CLB bonsai Đà Lạt cũng là nơi quy tụ những thành viên giàu kinh nghiệm, ham học hỏi. Trong đó, có thể kể tới vườn bonsai Phương Đông chuyên kinh doanh cảnh kiểng, mỗi năm thu về hàng chục tỷ đồng. Chính từ hiệu quả thiết thực của một số thành viên, Hội SVC Lâm Đồng đang có kế hoạch phát triển rộng nghề sinh vật cảnh theo hướng chuyên nghiệp và đã liên kết với Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt để mở các khoá đào tạo nghề sinh vật cảnh, cách chăm sóc, tạo tán cây, chế tác đá, gỗ lũa. Tuy nhiên, những thành viên cốt cán của Hội SVC Lâm Đồng vẫn canh cánh một điều, làm sao quy tụ được những người tâm huyết với nghề sinh vật cảnh để có thể tập hợp, xốc dậy phong trào, để sinh vật cảnh Lâm Đồng không chỉ là thú chơi tao nhã mà còn góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế cây trồng, mang lại nguồn thu cho kinh tế Lâm Đồng.

DIỆP QUỲNH