Khó khăn trong thực hiện BHYT ở Bảo Lộc

02:04, 16/04/2013

Một phụ huynh có con học lớp 6 đã tham gia đóng bảo hiểm y tế (BHYT) học đường phản ánh: “Con tôi đang chạy xe đạp thì tự té gãy chân. Khi đưa lên Bệnh viện II Lâm Đồng để điều trị bằng thẻ BHYT thì nhân viên ở đây yêu cầu phải có xác nhận của Công an...

Một phụ huynh có con học lớp 6 đã tham gia đóng bảo hiểm y tế (BHYT) học đường phản ánh: “Con tôi đang chạy xe đạp thì tự té gãy chân. Khi đưa lên Bệnh viện II Lâm Đồng để điều trị bằng thẻ BHYT thì nhân viên ở đây yêu cầu phải có xác nhận của Công an. Khi làm giấy đưa đến Công an xác nhận thì lại bị từ chối, vì đây không phải tai nạn giao thông mà chỉ là tự té (ngã). Cuối cùng, gia đình không biết làm sao, nên đành phải tự chi trả tiền điều trị”!

Vị phụ huynh trên còn cho rằng, lẽ ra con mình phải được thanh toán theo chế độ BHYT, vì loại bảo hiểm của cháu là bảo hiểm toàn diện thân thể học sinh. Trong khi đó, cơ quan y tế lại cho rằng, họ đã thực hiện theo đúng Luật BHYT, trong trường hợp này buộc phải có xác nhận của Công an. Tương tự, nhiều thân nhân nạn nhân tai nạn giao thông khác cũng không thanh toán chế độ BHYT vì thủ tục, giấy tờ quá phức tạp. Theo UBND thành phố Bảo Lộc, việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh do tai nạn giao thông khó thực hiện, do không có sự thống nhất và phối hợp của cơ quan Công an. Đa số các văn bản của cơ quan BHXH gởi cơ quan Công an đề nghị xác định nguyên nhân gây tai nạn giao thông đều không nhận được văn bản trả lời.

Tính đến cuối năm 2012, có gần 50% trong tổng dân số toàn thành phố tham gia BHYT với số lượng hơn 75 ngàn người. Các đối tượng tham gia BHYT tự nguyện đạt tỷ lệ quá thấp, chỉ gần 14%. Còn BHYT học sinh, sinh viên cũng chỉ đạt 50%. Theo đánh giá, mức đóng BHYT của đối tượng học sinh, sinh viên còn cao (3% mức lương tối thiểu) nên dù ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ 30%, nhưng nhiều gia đình vẫn không đủ khả năng đóng. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có khá nhiều công ty, cơ sở sản xuất kinh doanh chậm nộp hoặc nợ tiền BHYT của người lao động.

Hiện tại, thành phố Bảo Lộc có 9 trạm xá, 3 phòng khám đa khoa, 2 bệnh viện tuyến tỉnh. Đa số người tham gia BHYT đều chọn Bệnh viện II Lâm Đồng làm nơi khám chữa bệnh ban đầu. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định của Sở Y tế và BHXH tỉnh, hiện số thẻ BHYT đăng kí khám chữa bệnh tại Trung tâm Y tế Bảo Lộc là 53%, còn lại là tại Bệnh viện II Lâm Đồng. Theo Bệnh viện II Lâm Đồng, số người đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện ngày càng tăng, dẫn đến việc kiểm tra thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân (có dán ảnh) gặp nhiều khó khăn. Một số đối tượng chưa được cấp CMND, nên việc xác định đúng tên trong thẻ BHYT còn nhiều sai sót, nên việc thực hiện công tác khám chữa bệnh BHYT đôi khi chưa kịp thời. Ngoài ra, cơ quan BHXH ứng kinh phí khám chữa bệnh còn chậm trễ, trong khi số lượt khám chữa bệnh hàng ngày càng lớn, đã gây khó khăn cho việc điều chỉnh nguồn vốn của Bệnh viện. Tuy khối lượng công việc nhiều, nhưng chỉ có 1 bác sỹ làm công tác quản lý kiêm giám định, 1 y sỹ làm công tác giám định và 2 cán bộ thống kê. Chính vì vậy, việc giám định BHYT chỉ được thực hiện thường trực tại Bệnh viện II Lâm Đồng, không thường trực tại các cơ sở khám chữa bệnh khác.

Không thể phủ nhận những lợi ích mà chính sách BHYT đã mang lại, thế nhưng với những “rào cản” như hiện tại, đã khiến nhiều người không mặn mà tham gia mua BHYT.

ĐÔNG ANH