Kiên trung bất khuất, tình nghĩa thuỷ chung

05:04, 28/04/2013

“Sống trong tù kiên trung bất khuất, ở ngoài đời tình nghĩa thuỷ chung” là câu nói nổi tiếng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, cựu tù Nhà lao Hoả Lò. Đó cũng là phương châm hành động của “Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày thành phố Đà Lạt”.

“Sống trong tù kiên trung bất khuất, ở ngoài đời tình nghĩa thuỷ chung” là câu nói nổi tiếng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, cựu tù Nhà lao Hoả Lò. Đó cũng là phương châm hành động của “Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày thành phố Đà Lạt”.

Đài tưởng niệm Cam Ly, nơi ghi dấu sự kiện 20 người tù bị giặc xử bắn năm 1951
Đài tưởng niệm Cam Ly, nơi ghi dấu sự kiện 20 người tù bị giặc xử bắn năm 1951


Kiên trung bất khuất

Sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc Việt Nam là những mốc son rực rỡ, trong đó có công lao của chiến sĩ bị địch bắt tù đày sinh sống tại thành phố Đà Lạt. Các bạn tù ấy sinh ra và hoạt động từ nhiều miền quê của đất nước và ngay chính trên mảnh đất này. Sau hoà bình thống nhất đất nước, thời điểm đông nhất có hơn 600 người là tù chính trị, tù binh của thời chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. 46 chiến sĩ bị tù Côn Đảo, 15 tù binh Phú Quốc cùng các bạn tù khác bị giam cầm tại nhiều nhà tù như Hoả Lò, Thanh Liệt, Thủ Đức, Chí Hoà, Tân Hiệp, Phú Tài, Hố Nai, Nha Trang, Cần Thơ, Đà Lạt… Đến nay, 305 người còn sống tại Đà Lạt, trong đó 144 là nam và 161 là nữ. 38 cặp vợ chồng đều bị tù, nay còn 10 cặp; có gia đình 2 đến 4 anh chị em ruột đều bị tù. Người cao tuổi nhất là cụ Thân Thiệp 98 tuổi ở phường 9 và người thấp tuổi nhất là chị Nguyễn Thị Thế 54 tuổi ở phường 11. Hội có 4 Bà mẹ Việt Nam anh hùng: Huỳnh Thị Bích, Lê Thị Châm, Nguyễn Thị Tất và Trần Thị Thuỳ; lão thành Cách mạng Nguyễn Xuân Khanh, 70 tuổi Đảng; cán bộ Tiền khởi nghĩa Lê Xuân Ái; có cụ Phạm Thìn 17 năm ở tù; cụ Lê Thành Công 11 năm ở tù…

Tôi đến nhà 57/5 Hoàng Diệu, phường 4 tìm gặp cụ Nguyễn Thị Thiêng. Đã 80 tuổi, 2 lần vào tù, thương binh 4/4, hơn 60 năm tuổi Đảng, cụ có tên thường gọi là bà Hai Thiêng, đảm nhận Trưởng Ban liên lạc tù chính trị cách mạng thành phố Đà Lạt và Chủ tịch “Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày” của thành phố suốt 20 năm nay. Rất minh mẫn, cương trực, bà Hai Thiêng lấy từ chồng sách báo trên bàn cung cấp nhiều thông tin về đồng đội của mình với niềm tự hào và tấm lòng sẻ chia về một thời oanh liệt hào hùng. Đó là bà Nguyễn Thị Lan - chiến sĩ sống sót duy nhất trong 20 tù chính trị bị giặc Pháp xử bắn ở Cam Ly, Đà Lạt đêm 11/5/1951; bà Nguyễn Thị Xuân (Xu Nguyên) chịu cực hình tra tấn của giặc Pháp để bảo vệ tổ chức và ra đi ở tuổi 31 cùng bào thai 6 tháng trong bụng vào năm 1953. Đó là chị Dương Thị Sang (Sáu Muối) vừa bán muối ở chợ Đà Lạt, vừa hoạt động nội thành; địch bắt, chịu mọi đòn roi tra tấn, không khai buộc kẻ thù phải thả. Chị lết tấm thân tàn phế đớn đau quanh chợ thăm hỏi chị em trước khi vĩnh viễn ra đi… Đó còn là những cơ sở cách mạng kiên trung như mẹ Năm Mên, mẹ Lê Thị Ve, mẹ Cửu Hườn, mẹ Nguyễn Thị Phú… Đó còn nữa là chiến sĩ Ngô Duy Hoàng được ghi danh trong trang sử vàng Côn Đảo về thành tích bị đày ải nhưng dũng cảm tham gia giết bọn ác ôn; chiến sĩ Mai Thanh Minh (Mai Bốn) bị bắt tù lúc 16 tuổi và tự mổ bụng để đòi quyền dân sinh, dân chủ cho tù nhân tại trại tù Đà Lạt, được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Còn rất rất nhiều gương sáng khác như liệt sĩ Huỳnh Thị Tràng, liệt sĩ Nguyễn Thị Lệ Hương, tù binh bị tra tấn vô cùng dã man Nguyễn Đình Thành.v.v…

Tình nghĩa thuỷ chung

Ngày 25/4, “Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày thành phố Đà Lạt” kỷ niệm 20 năm thành lập (1993-2013). Hai mươi năm đong đầy niềm hoài cảm, bùi ngùi kẻ ở người đi xa… Đến nay, Hội đã thành lập được 14 chi hội phường, xã, cùng nhau chăm lo đời sống, động viên, thăm hỏi khi còn sống, phúng viếng hội viên và người thân lúc qua đời. 20 năm, Hội tổ chức gần 20 chuyến đi tham quan, thăm viếng nhiều địa danh lịch sử trong nước như Lăng Bác Hồ, các nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc, Tân Hiệp, Phú Lợi, Hoả Lò, Kon Tum, chiến khu Rừng Sác, địa đạo Củ Chi… với hơn 600 lượt người tham gia. Khi có Pháp lệnh “Ưu đãi người có công”, Nghị định 29/CP của Chính phủ và các chính sách của Đảng và Nhà nước, Hội giúp nhau hoàn tất hàng trăm hồ sơ; 405/530 bạn tù được nhận kỷ niệm chương “Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày”. Phát huy phẩm chất đấu tranh kiên cường, bất khuất và góp phần giáo dục truyền thống cách mạng đối với thế hệ mai sau, hội viên cùng nhau sưu tầm nhiều tư liệu quý, xuất bản sách, tổ chức họp mặt truyền thống...Càng trân quý khi là một tổ chức tự nguyện với mục đích tương thân, tương ái, các bạn tù tích cực xây dựng quỹ với hơn 96 triệu đồng và trong 2 năm gần đây Hội được thành phố Đà Lạt hỗ trợ 50 triệu đồng mỗi năm để hoạt động ngày càng có hiệu quả. Chủ tịch Hai Thiêng nhấn mạnh: “Chúng tôi hiểu rất rõ cái giá phải trả bằng xương máu để giành lấy độc lập, tự do, vì vậy, Hội và các chi hội luôn ý thức trách nhiệm phải nhắc nhở, động viên các bạn tù luôn xác định trách nhiệm của mình; tiếp tục phát huy truyền thống và nhiệt tình cách mạng trong thời gian còn lại của mỗi người mà tham gia góp sức cùng địa phương xây dựng đất nước, làm tròn nghĩa vụ công dân, gương mẫu trong cuộc sống…”. Trong những năm qua, tỷ lệ hội viên đạt “Gia đình văn hoá” trên 90%, trong đó 10% đạt “Gia đình văn hoá tiêu biểu”; năm 2012, có 99,5% hộ đạt “Gia đình văn hoá”, 16% “Gia đình văn hoá tiêu biểu”…  

Ý nguyện tâm tư nhất mà Chủ tịch Hội Nguyễn Thị Thiêng và Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lê Thành Trung chia sẻ là 62 hội viên còn lại được giải quyết chế độ vì chưa đủ hồ sơ và mong muốn Hội trở thành một tổ chức đặc thù. “Buồn nhất là một số đã qua đời nhưng chưa được chế độ ưu đãi của Đảng và Nhà nước…”, bà Hai Thiêng ngậm ngùi.

Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc, giúp đỡ các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày của thành phố Đà Lạt, ngày 5/4/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Tiến đã ký Quyết định tặng bằng khen cho tập thể Hội và 3 cá nhân: bà Nguyễn Thị Thiêng, ông Trần Minh Thơ và bà Nguyễn Thị Mỹ Dung. Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt cũng tặng giấy khen cho 14 chi hội và 7 cá nhân xuất sắc khác.

MINH ĐẠO