"Tôi tự hào được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh”

05:04, 28/04/2013

Chiến tranh là mất mát, đau thương, nhưng đối với những người lính của QĐND Việt Nam anh hùng, được tham gia các trận đánh, các chiến dịch lớn trên chiến trường là một niềm vinh dự, may mắn lớn, bởi đã góp phần đem vinh quang về cho Tổ quốc, hạnh phúc về cho nhân dân.

Chiến tranh là mất mát, đau thương, nhưng đối với những người lính của QĐND Việt Nam anh hùng, được tham gia các trận đánh, các chiến dịch lớn trên chiến trường là một niềm vinh dự, may mắn lớn, bởi đã góp phần đem vinh quang về cho Tổ quốc, hạnh phúc về cho nhân dân. Vì lẽ đó, khi nhớ lại kỷ niệm một thời binh nghiệp, đại tá Nguyễn Mạnh Lập (1947) ở 2D, đường vòng Lâm Viên, P.9 - Đà Lạt đã nói “Tôi tự hào được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh 30/4/1975 và may mắn được sống trong hoà bình; bởi người lính “vào sinh, ra tử”, có biết bao đồng đội, đồng chí của tôi đã vĩnh viễn nằm xuống trong lòng đất mẹ!”.

Quê ở Bắc Ninh, nhập ngũ, vào Nam chiến đấu năm 1965, trải qua nhiều chiến trường khốc liệt ở miền Trung, miền Đông Nam Bộ và khi bước vào Chiến dịch Tây Nguyên tháng 3/1975, đại tá Nguyễn Mạnh Lập (1947) giữ cương vị Trung đoàn phó Trung đoàn 66, thuộc Sư đoàn 10, Quân đoàn 3, chiến đấu trên mặt trận Buôn Ma Thuột. Trận đánh Buôn Ma Thuột được xem là trận đánh kết hợp giữa nghệ thuật quân sự tuyệt vời và sức mạnh lớn lao của quân đội Việt Nam, là điểm mốc then chốt của Chiến dịch Tây Nguyên và là sự mở đầu thất bại hoàn toàn trên chiến trường miền Nam của quân nguỵ Sài Gòn, dẫn đến Chiến dịch Hồ Chí Minh 30/4 đại thắng, thu non sông về một mối. Sau khi cùng với các đơn vị bạn đánh nghi binh để quân địch tưởng ta sẽ tiến đánh ở Kon Tum, Trung đoàn 66 của đại tá Nguyễn Mạnh Lập trong đội hình Sư đoàn 10 được lệnh về làm lực lượng dự bị cho Trung đoàn 24 đánh vào kho Mai Hắc Đế, sở chỉ huy, tiểu khu và sở chỉ huy Sư đoàn 23, khu trung tâm thông tin, lực lượng tăng, thiết giáp, pháo binh nguỵ, sau đó tiến đánh sân bay ngã sáu, mở đầu Chiến dịch Tây Nguyên vào rạng sáng ngày 8/3/1975. Trận đánh diễn ra hết sức ác liệt do địch quyết tâm cố thủ đến cùng các căn cứ trọng điểm của TP Buôn Ma Thuột. Nhưng trước sự phối hợp tác chiến đồng bộ, chặt chẽ và tiến công dũng mãnh của các đơn vị chủ lực quân giải phóng, phần lớn quân địch bị tiêu diệt, bị bắt làm tù binh, đến ngày 10/3 TP Buôn Ma Thuột cơ bản được giải phóng. Một bộ phận tàn quân từ các cứ điểm ở Buôn Ma Thuột co cụm về Sân bay Hoà Bình và cùng với lực lượng bảo vệ sân bay, hình thành một chốt chặn vững chắc, khiến đơn vị đặc công 198 và Sư đoàn 316 của ta sau nhiều lần xung kích đều bị đánh bật trở lại. Trước khó khăn đó, Trung đoàn 66 của đại tá Lập được điều động tăng cường công kích địch. Sau hai lần tấn công quyết liệt với sự tập trung hoả lực tiêu diệt các lỗ châu mai của xe tăng, trưa ngày 16/3, Trung đoàn 66 làm chủ hoàn toàn Sân bay Hoà Bình, bắt và tiêu diệt hơn 700 tên địch. Sau khi cứ điểm sân bay Hoà Bình bị tiêu diệt, địch điều động Sư đoàn 23 ở Bình Định dùng máy bay chở bộ binh, xe tăng đổ bộ xuống Phước An hòng tái chiếm lại TP Buôn Ma Thuột. Đoán được ý đồ địch, các đơn vị chủ lực của ta đón lõng, tiêu diệt hoàn toàn lực lượng đổ bộ của địch tại Phước An và Sư đoàn 10 của đại tá Lập áp sát đèo Ma Tơ Rắc, khiến âm mưu tái chiếm của địch hoàn toàn bị thất bại. Tổng thống chính quyền nguỵ Sài Gòn không còn cách nào khác, buộc phải ra lệnh rút chạy khỏi Tây Nguyên, dẫn đến bộ máy chiến tranh của chế độ nguỵ Sài Gòn ở các tỉnh, thành phố ven biển miền Trung bị sụp đổ hoàn toàn trước sức tấn công của bộ đội chủ lực và sự nổi dậy của quần chúng nhân dân. Chớp thời cơ sai lầm chiến lược của quân nguỵ Sài Gòn khi rút chạy khỏi Tây Nguyên, Bộ Chính trị thay đổi chủ trương giải phóng miền Nam trong hai năm 1975, 1976 bằng chủ trương giải phóng miền Nam trong năm 1975 và ngày 26/4/1975 mở Chiến dịch Hồ Chí Minh với tinh thần "Thần tốc, thần tốc, một ngày 20 năm", đánh thẳng vào sào huyệt cuối cùng của chế độ nguỵ quân nguỵ quyền ở Sài Gòn. Lúc này, cùng với các đại đoàn quân của ta, sáng ngày 30/4/1975, Trung đoàn 66 của đại tá Nguyễn Mạnh Lập trong đội hình Sư đoàn 10 tiến về Sân bay Tân Sơn Nhất. Trên đường vừa hành quân, vừa đánh giặc, đơn vị gặp nhiều ổ đề kháng của địch chống trả quyết liệt, nhiều lúc đại tá Lập phải điều pháo binh để dập tắt hoả lực mạnh và máy bay ném bom của địch. Gần trưa 30/4, Sư đoàn 10 làm chủ được Sân bay Tân Sơn Nhất, gặp được phái bộ của ta trong phái đoàn 4 bên ở Trại Đa Vít, anh em mừng vui khôn xiết trong giờ khắc lịch sử. Tiếp tục tiến công, Sư đoàn 10 đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu nguỵ, vào Văn phòng thu giữ tài liệu, ấn dấu của tướng nguỵ Cao Văn Viên, hạ cờ nguỵ, kéo cờ giải phóng, cờ đỏ sao vàng lên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu nguỵ quân. Sau khi làm chủ hoàn toàn Sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu nguỵ, đại tá Nguyễn Mạnh Lập cùng Tham mưu trưởng Sư đoàn 10, được các chiến sỹ biệt động Sài Gòn dẫn đường sang dinh Độc Lập bắt liên lạc với các đơn vị bạn, rồi lại trở về vị trí đóng quân của đơn vị làm nhiệm vụ quân quản, bảo vệ trật tự cho Sài Gòn những ngày đầu được giải phóng.

Sau 38 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhớ lại những giờ phút cuối cùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh, đại tá Nguyễn Mạnh Lập vẫn cảm thấy lòng mình lâng lâng một niềm vui, hạnh phúc khó tả, khi được đi dưới rừng cờ hoa, giữa tiếng hoan hô “Việt Nam thống nhất muôn năm”, “Bác Hồ muôn năm”, “Quân giải phóng muôn năm” của người dân Sài Gòn đổ ra đường mừng chiến thắng. Điều hạnh phúc nữa là, đến đâu, bản thân và đồng đội, đồng chí của ông luôn nhận được sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa và tình cảm sâu đậm của người dân. Đấy chính là sự may mắn, hạnh phúc của người được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và được sống trong hoà bình hôm nay. Nhưng trong niềm hạnh phúc của sự may mắn đó, đại tá Nguyễn Mạnh Lập vẫn luôn canh cánh một nỗi lòng, bởi trong đời binh nghiệp của bản thân, đã có biết bao người bạn, người đồng đội, đồng chí của ông đã ngã xuống trong lòng đất mẹ, trong đó có nhiều người hiện vẫn chưa tìm được hài cốt. Vì vậy, hàng năm, ông vẫn tìm về đơn vị cũ ở Tây Nguyên để cùng với những người còn sống hôm nay, băng rừng, lội suối tìm dấu tích những nấm mồ lấp vội những đồng đội, đồng chí hy sinh trong những trận đánh, hay trên bước đường truy kích địch.

Hoàng Vương Mỹ