Ký ức ngày toàn thắng

04:04, 23/04/2013

Nâng ly nhấp ngụm trà còn nóng hổi, vừa gỡ cặp kính, lấy tay dụi dụi nơi khoé mắt, ông tiếp tục kể về giây phút hạnh phúc nhất khi cùng dòng người diễu hành qua các con đường của thị Xã Quy Nhơn, ông đã gặp lại người anh họ của mình sau 13 năm biền biệt.

Đã có nhiều tờ báo, đài PT- TH viết về ông không chỉ bởi ông là một trong 4 người dũng cảm của tỉnh Lâm Đồng đã được vinh danh tại Hội nghị biểu dương những điển hình chống tham nhũng toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội vào năm 2010. Và cũng rất tình cờ vào những ngày tháng 4 lịch sử này, tôi có dịp gặp và nghe ông kể thêm về quá trình hành quân qua dải đất miền Trung để tiến đánh thị xã Quy Nhơn, góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất non sông liền một dải.
 

Ông Trần Bá Tiều
Ông Trần Bá Tiều

 “Tháng 2/1975, chúng tôi nhận lệnh hành quân vào giải phóng Quy Nhơn và trên đường đi có nhiệm vụ hỗ trợ các đơn vị bạn. Tuy nhiên, cũng ít phải đụng độ khốc liệt như ở chiến trường Campuchia, bởi đa phần là kẻ địch đầu hàng hoặc có chống trả cũng rất yếu ớt”, ông Trần Bá Tiều, thương binh hạng 4/4, thường trú tại Tổ dân phố 7 - thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng mở đầu câu chuyện.

Sinh năm 1952 trên quê hương cách mạng thuộc xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, tiếp bước các anh em của mình, 18 tuổi, ông xung phong nhập ngũ và được biên chế vào Đoàn 22B - Bộ Tổng tham mưu (đơn vị có nhiệm vụ huấn luyện quân tăng cường cho Quân đội) đóng tại Hương Sơn - Hà Tĩnh. Sau thời gian chờ đợi, cả đơn vị ông như vỡ oà trong niềm hân hoan tột độ khi được lệnh hành quân trực tiếp cầm súng chiến đấu, dọc theo dải đất miền Trung trên cung đường từ Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn đã khắc sâu trong tâm khảm người chiến sĩ trẻ Trần Bá Tiều. Đó là cảnh tháo chạy tán loạn, cảnh van xin tha mạng của quân thù, tương phản hoàn toàn là khí thế hừng hực của quân và dân ta. “Trở ngại thực sự với chúng tôi là khi tiến đánh bán đảo Phước Mai - thị Xã Quy Nhơn, nơi kẻ địch quyết tử thủ, trận đánh này diễn ra rất máu lửa và gay cấn, để lại nhiều mất mát hy sinh đối với chúng ta”, ông Trần Bá Tiều hồi tưởng.

Nâng ly nhấp ngụm trà còn nóng hổi, vừa gỡ cặp kính, lấy tay dụi dụi nơi khoé mắt, ông tiếp tục kể về giây phút hạnh phúc nhất khi cùng dòng người diễu hành qua các con đường của thị Xã Quy Nhơn, ông đã gặp lại người anh họ của mình, đã là một sĩ quan chỉ huy cấp tiểu đoàn sau 13 năm biền biệt. Và cũng không quên kể về những người đồng đội đã hy sinh với những ước mơ rất đỗi bình thường, chưa được một lần đặt chân đến Sài Gòn, sau này hết chiến tranh sẽ quyết tâm đi học đại học… mà ông biết chắc rằng ngày đó sẽ không còn lâu nữa. Dường như để chứng minh cho khách, ông vội vàng cầm ra cuốn sổ nhật ký được cất rất cẩn thận đã úa màu thời gian với những lời tự sự bằng nét chữ nghuệch ngoạc và cả những bài thơ con cóc được viết lên bằng cảm xúc của mình: “Tôi đến Sài Gòn giữa trưa hè, tấp nập người đi xe nối xe, chen chân lách nhẹ tìm lối bước, đẹp tựa bài ca non nước ta... Ôi đẹp quá non sông liền một dải, gửi bạn tôi còn ở lại nơi xa”. Đó là kỷ niệm lần đầu tiên đến Sài Gòn chưa đầy 1 tháng sau ngày thống nhất đất nước, như một lời hứa với người bạn thân tên Lê Văn Kiệt là con độc nhất quê ở Quảng Ninh, đã gục xuống trên chính bàn tay của ông.
 

Nhân dân Sài Gòn mít tinh mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ảnh TL
Nhân dân Sài Gòn mít tinh mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ảnh TL

Sau giải phóng, ông Trần Bá Tiều được chọn sang huấn luyện thuỷ quân lục chiến thuộc Vùng 3 đóng ở Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà. Sau đó tiếp tục đi học nghiệp vụ Hải quân tại Đà Nẵng, trước khi ra các đảo Nam Yết, Sinh Tồn công tác một thời gian. Đầu năm 1977, ông tiếp tục tham gia mặt trận biên giới Tây Nam, chiến đấu ở các chiến trường Tây Ninh (Việt Nam) và tỉnh Cam Pốt (Cam Pu Chia) đến tháng 8/1979, ông bị thương và được đưa về chữa trị, an dưỡng tại Hải Phòng. Sau đó chuyển ngành vào năm 1980 với cấp hàm thượng uý; thương tật 4/4, ông chuyển vào Đơn Dương, rồi sang Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng sinh sống với nhiều vị trí công tác khác nhau. Đến năm 1993 thì chính thức nghỉ hưu, song từ đó đến nay ông vẫn chưa bao giờ ngơi nghỉ trên mặt trận đấu tranh chống lại cái xấu và là “người vác tù và hàng tổng” được mọi người kính trọng trong vai trò Trưởng đoàn hội thẩm nhân dân huyện Đức Trọng từ năm 1995 đến nay với số vụ được tham gia xét xử lên đến hàng ngàn, đã thức tỉnh lương tâm và hàn gắn rất nhiều gia đình bên bờ vực đổ vỡ và các đối tượng phạm tội. Đồng thời đảm đương trọng trách Bí thư chi bộ khu phố suốt 20 năm qua… Và sẽ chưa ngừng làm việc khi vẫn còn sức khoẻ và trí lực, bởi theo suy nghĩ của CCB Trần Bá Tiều, đó là sự trả nghĩa, tri ân những người đồng đội đã ngã xuống cho hôm nay đất nước trọn niềm vui.

Thế Anh