Người tham gia 2 chiến dịch giải phóng miền Nam và Campuchia

04:04, 25/04/2013

Những ngày cuối tháng 4/2013, ông Trần Minh Đức ở 533A, Trần Phú, phường B’Lao, TP Bảo Lộc rất bận rộn sắp xếp công việc để về Long An dự lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) lần II của Trung đoàn 721- Quân khu 9, theo lời mời của Ban chỉ huy Trung đoàn...

Doanh nhân Trần Minh Đức (bìa phải) chụp ảnh chung với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tại Đại hội thành lập Hội Doanh nhân Cựu chiến binh
Doanh nhân Trần Minh Đức (bìa phải) chụp ảnh chung với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tại Đại hội thành lập Hội Doanh nhân Cựu chiến binh

Những ngày cuối tháng 4/2013, ông Trần Minh Đức ở 533A, Trần Phú, phường B’Lao, TP Bảo Lộc rất bận rộn sắp xếp công việc để về Long An dự lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) lần II của Trung đoàn 721- Quân khu 9, theo lời mời của Ban chỉ huy Trung đoàn. Có được vinh dự này, bởi cách đây 38 năm, ông là chiến sỹ chiến đấu trong đội hình của Trung đoàn 721, tham gia hai chiến dịch: giải phóng miền Nam và nước bạn Campuchia.

 Được sự giới thiệu của đại tá Nguyễn Đức Phó - Chủ tịch Hội CCB TP Bảo Lộc, chúng tôi tìm gặp ông Trần Minh Đức ở số nhà 533A, đường Trần Phú, phường B’Lao, TP Bảo Lộc, đang lúc rất bận sắp xếp việc nhà để lên đường về Long An dự lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND lần thứ II của Trung đoàn 721, nhưng biết được mục đích của việc ghé thăm, ông vui vẻ tiếp đón chúng tôi. Và rồi câu chuyện giữa chúng tôi với ông cởi mở, chân tình như giữa người lính với người lính đã từng vào sinh ra tử trên chiến trường những năm tháng chiến tranh.

Theo lời kể, ông Đức tham gia quân đội tháng 12/1972 và đến tháng 12/1973 đi B vào Nam chiến đấu trong đội hình Đại đội 2, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 721 ở chiến trường Quảng Đức - Phước Long - Long An. Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, ông Đức đã tham gia nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch trên nhiều chiến trường khác nhau, nhưng những ngày cận kề sự “hấp hối” của chế độ ngụy Sài Gòn, ông vinh dự có mặt trong đội hình chiến đấu của Trung đoàn 721 với những trận đánh oanh liệt góp phần vào chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975, giúp Trung đoàn 721 được Đảng và Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVTND lần thứ I (15/1/1976). Đó là trận đánh tiêu diệt chi khu quân sự Bù Đăng của địch từ ngày 13 đến 14/12/1974 giải phóng trên 7.000 dân, giải phóng huyện Bù Đăng, cô lập hoàn toàn địch ở TX Phước Long. Tiếp đó, cũng trong đội hình Đại đội 2, ông Đức cùng các cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 721 đã kề vai sát cánh cùng các đơn vị bạn dũng cảm chiến đấu 6 ngày liền từ 1 đến 6/1/1975 tiêu diệt tiểu khu Phước Long, tiến đến giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long, cắt đứt cầu nối chiến lược giữa Nam Tây Nguyên - Đông nam Campuchia - miền Đông Nam bộ của địch, đẩy địch vào thế bị động trong chiến thuật, chiến lược. Trong trận đánh này, Trung đoàn 721 vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba. Với vinh dự này, bản thân ông Trần Minh Đức, cũng như toàn thể cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 721 như được tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để bước vào giai đoạn 2 của chiến dịch mùa khô. Đêm 12, rạng sáng 13/3/1975, trong đội hình chiến đấu của Đại đội 2, Tiểu đoàn 9, ông Trần Minh Đức kề vai, sát cánh cùng đồng đội trong trung đoàn nổ súng đánh chiếm các căn cứ địch ở Đức Huệ, Trà Cao, Mộc Bài - Tây Ninh. Sau 3 ngày chiến đấu quyết liệt, đến ngày 15/3/1975, Trung đoàn 721 đã tiêu diệt hoàn toàn căn cứ Mộc Bài, bắt sống hàng trăm tên địch, giải phóng trên 7.000 dân. Thừa thắng xông lên, ngày 14/4/1975, Trung đoàn 721 tiến công tiêu diệt chi khu quân sự Tân Quới. Sau 5 ngày giành giật với địch từng chiến hào, từng ụ súng, từng mục tiêu, trung đoàn đã đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 7 ngụy quân.

Mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung đoàn 721 được lệnh hành quân về chiến đấu trên chiến trường Long An. Lúc này, chiến trường Long An đang rất sôi động, bởi quân Ngụy được tăng cường lực lượng quyết tâm giữ vững tuyến phòng thủ hướng tây nam của Sài Gòn, còn ta quyết tâm chặt đứt tuyến phòng thủ kiên cố này của địch để mở toang cánh cửa đón các đại quân tiến về sào huyệt cuối cùng của chế độ ngụy Sài Gòn, tạo nên sự khốc liệt của cuộc chiến. Nhưng với tinh thần: Thần tốc, quyết thắng xốc tới trận thắng cuối cùng, Trung đoàn 721 đã phối hợp với Trung đoàn 725 đã dũng cảm, táo bạo, thông minh đánh chiếm một loạt đồn bốt của địch tại Long An như: An Định, An Sơn, An Hoà, Bầu Trâu. Sau đó, Tiểu đoàn 9 của ông Trần Minh Đức tiếp tục đánh chiếm TX Hậu Nghĩa, cùng với Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 3 của trung đoàn tiêu diệt chi khu Đức Hoà, tiến đến giải phóng hoàn toàn  tỉnh Long An. Long An được giải phóng, đã mở toang cánh cửa ở hướng tây nam Sài Gòn để các đại đoàn quân của ta tiến về giải phóng Sài Gòn, riêng Trung đoàn 721 được lệnh tiếp tục chốt chặn tại Long An ngăn không cho quân địch chi viện cho quân ngụy ở thủ đô và đón bắt những tàn quân từ Sài Gòn, hoặc các địa phương khác chạy trốn sự truy kích của quân giải phóng. Sau khi Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi, Trung đoàn 721 được lệnh đóng quân tại Long An, vừa củng cố lực lượng tham gia bảo vệ chính quyền quân quản cách mạng còn non trẻ, vừa tham gia sản xuất kinh tế. Riêng ông Trần Minh Đức được phân công quản giáo tù binh, sau đó tham gia huấn luyện tân binh tăng cường lực lượng cho trung đoàn. Khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, Trung đoàn 721 lại được lệnh hành quân lên Tây Ninh, chốt chặn tại những địa bàn thường xuyên bị quân Khơme đỏ tiến công. Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia do Chủ tịch Heng Xom Rin đứng đầu, bộ đội tình nguyện Việt Nam, trong đó có Trung đoàn 721 đã mở chiến dịch tiêu diệt tập đoàn phản động Pôn Pốt-Iêng xari, giải phóng đất nước Campuchia khỏi hoạ diệt chủng. Một lần nữa, ông Trần Minh Đức cùng đồng đội trong Đại đội 2, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 721 dũng cảm, kiên cường chiến đấu trên chiến trường Xiêm Riệp, góp phần cùng những cánh quân tình nguyện Việt Nam giúp nước bạn giải phóng hoàn toàn đất nước. Chiến thắng nào cũng phải có sự trả giá, trong trận truy quét tàn quân Pôn Pốt ở Xàm Pong Xi Phon sang giáp đất Thái Lan, ông Trần Minh Đức bị thương, được rút về cục hậu cần của Mặt trận 479. Sau một thời gian điều trị, thương binh Trần Minh Đức được xuất ngũ, chọn Bảo Lộc, Lâm Đồng làm quê hương thứ hai lập nghiệp sinh sống.

Trải qua bao khó khăn, vất vả, hiện thương binh, doanh nhân Trần Minh Đức đã có cơ nghiệp khá vững mạnh, cuộc sống đã khá đủ đầy trong niềm hạnh phúc của vợ con, đồng chí, đồng đội sau chiến tranh còn sống sót trở về. Nhưng mỗi lần kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hay những ngày vui, ngày truyền thống của Trung đoàn 721, ông vẫn chạnh lòng khi nhớ về những đồng đội của mình đã chiến đấu hy sinh trên khắp chiến trường miền Nam, hoặc chiến trường Campuchia khốc liệt. Ông nói: “Để có ngày vui, hạnh phúc hôm nay, dân tộc Việt Nam ta và nước bạn Campuchia đã phải trả giá quá đắt do sự hy sinh lớn lao của triệu triệu người dân, người lính. Riêng Trung đoàn 721 của tôi đã có trên 1.000 cán bộ, chiến sỹ mãi mãi nằm xuống trong lòng đất. Máu, xương, nước mắt của bao người đổ xuống hôm qua, cho hôm nay đất nước nở hoa, xin mọi người còn sống hôm nay và mãi mãi về sau đừng bao giờ quên!”.

HOÀNG KIẾN GIANG