Lào qua ký ức của một thầy giáo

02:04, 16/04/2013

Thầy giáo về hưu Phan Đức Đô (ở số nhà 3B/1, đường Cô Giang, TP Đà Lạt) đã mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi bằng một làn điệu Lăm vông đầy huê tình: “Ới, chàng trai đó ơi!/ Em không hát được Lăm tơi/ Nhưng đêm nay dưới trăng sáng/ Đôi ta biết nhau đây”.

Thầy giáo về hưu Phan Đức Đô (ở số nhà 3B/1, đường Cô Giang, TP Đà Lạt) đã mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi bằng một làn điệu Lăm vông đầy huê tình: “Ới, chàng trai đó ơi!/ Em không hát được Lăm tơi/ Nhưng đêm nay dưới trăng sáng/ Đôi ta biết nhau đây”.

Công viên Phật ở Lào - Ảnh: BÙI TRƯỞNG
Công viên Phật ở Lào - Ảnh: BÙI TRƯỞNG


Năm nay đã bước sang tuổi 69, nhưng trông thầy vẫn còn tráng kiện và rất yêu đời. Ở thầy, luôn toát lên sự gần gũi, đôn hậu và chân thành. “Tôi sinh ra, lớn lên và hoàn thành bậc tiểu học tại Lào. Dù đã xa nước bạn Lào trong nhiều năm, nhưng với tôi, Lào luôn gần gũi, thân thương. Và từ lâu, tôi đã coi nước bạn Lào là quê hương thứ hai của mình” - Thầy giáo Đô tâm sự.

Nước Lào qua ký ức thầy giáo Phan Đức Đô là một đất nước mà mọi phong tục, tập quán đều chìm sâu trong triết lý đạo Phật. Nam thanh niên Lào bước vào tuổi 15 - 16 cho đến trước khi lập gia đình, đều tự nguyện xuống tóc để vào chùa tu, ít nhất là một năm. Ở môi trường này, họ sống trong khuôn khổ của một người nhà Phật. Hàng ngày, được học về triết lý nhân sinh, cách đối nhân xử thế, về đạo đức đối với cha mẹ, về trách nhiệm và nghĩa vụ với gia đình, cộng đồng… “Việc đi tu ở Lào được xem như một văn bằng tốt nghiệp và được toàn xã hội công nhận. Muốn lập gia đình, nhất thiết nam thanh niên Lào phải đi tu. Nếu không, chắc chắn ế vợ. Vì chẳng ai chịu gả con gái mình cho một người chưa có chứng chỉ tốt nghiệp xã hội” - Thầy Phan Đức Đô cho biết.

Ở con người Lào, tấm lòng rất cao quý. Họ không tham lam, ích kỷ mà luôn sống hoà ái, yêu thương. Văn hoá Phật giáo chi phối toàn bộ đời sống, trở thành nét đẹp truyền thống của người Lào và hành động hoá duyên là một trong những nét đẹp văn hoá ấy. Sáng tinh mơ, các nhà sư bắt đầu ra khỏi chùa, đi chân đất từng bước một chậm rãi, vừa đi vừa cầu nguyện. Dân chúng gặp các nhà sư, sẽ cung kính quỳ lạy ở hai bên đường, dâng thức ăn vào tráp nhà sư. Cuối ngày, các nhà sư sẽ trở về chùa và ăn những thức ăn ấy, rồi cầu nguyện cho tất cả chúng sinh. Đặc biệt, là cầu nguyện cho những chúng sinh mà các vị đã gặp trên đường đi hoá duyên. Hành động này mang một ý nghĩa: Các nhà sư không chỉ tu thân tích đức cho bản thân mà còn tu hành và cầu nguyện cho người khác nữa. Một đặc điểm nữa cũng góp phần làm nên bản sắc rất riêng của đất nước Triệu Voi, đó là trước cổng nhà của mọi gia đình người Lào luôn có một chum nước rất sạch, bên cạnh họ để một ít thức ăn. Những người lang thang cơ nhỡ có thể lấy thức ăn để ăn và uống nước. Ăn xong, họ sẽ cầu sự bình an và hạnh phúc cho gia chủ. Tất cả những nét đặc trưng về lòng nhân ái này không phải quốc gia nào cũng có được.

Tuy làm ăn và sinh sống tại Lào, nhưng bố mẹ thầy giáo Phan Đức Đô vẫn bí mật tham gia vào tổ chức Việt Minh. Đến năm 1931 thì bị phát hiện, nên gia đình thầy cùng 38 gia đình khác bị trục xuất về Việt Nam, khép lại 13 năm sinh sống ở đất nước Lào anh em.

Năm 2011 vừa qua, thầy giáo Phan Đức Đô lại có dịp trở về Lào, thăm viếng gần 100 thành viên họ hàng nội ngoại đang sinh sống ở đây. Lào bây giờ đang trên đà phát triển. Tuy vậy, Lào vẫn giữ được truyền thống văn hoá của dân tộc mình. Bên cạnh những đền đài, chùa tháp xen lẫn những con đường nhựa sạch đẹp, rộng rãi, xe cộ nườm nượp trên mọi nẻo đường… Điều đó chứng tỏ Lào của thế kỷ 21 là một đất nước văn minh. Trong chuyến đi này, thầy đã đến thăm Bảo tàng lịch sử về đồng chí Cayxỏn Phômvihẳn và thấy cụ Cayxỏn Phômvihẳn cũng rất giống với cụ Hồ Chí Minh. Cả hai người đều giản dị, một sự giản dị vĩ đại.

Khép lại chuyến du lịch đầy thú vị và ý nghĩa, trong thầy vẫn còn đọng lại những ấn tượng về lòng tự hào dân tộc của nước bạn Lào, về tình hữu nghị thâm giao giữa hai nước láng giềng Lào - Việt. “Đó là tình cảm thiêng liêng, thủy chung, sâu sắc, vượt lên mọi sự cách trở về địa lý, ngôn ngữ…” - Thầy giáo Phan Đức Đô khẳng định.

TRỊNH CHU