Mái trường của những mảnh đời bất hạnh

04:04, 25/04/2013

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng được coi là “mái trường đời” lớn của hàng ngàn, hàng vạn những mảnh đời bất hạnh suốt 20 năm qua, giúp họ vượt qua mọi khó khăn, vững vàng trong cuộc sống, bước tiếp chặng đường còn lại, trở thành những công dân có ích và thành đạt trong xã hội.

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng được coi là “mái trường đời” lớn của hàng ngàn, hàng vạn những mảnh đời bất hạnh suốt 20 năm qua, giúp họ vượt qua mọi khó khăn, vững vàng trong cuộc sống, bước tiếp chặng đường còn lại, trở thành những công dân có ích và thành đạt trong xã hội.  

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng được ra đời vào ngày 30/6/1993, tiền thân là Trường Giáo dục lao động xã hội tỉnh Lâm Đồng. Ban đầu chỉ có vài chục đối tượng, chủ yếu là trẻ em lang thang cơ nhỡ từ các tỉnh khác đến, một số ít các cụ già không nơi nương tựa… Về sau, số đối tượng yếu thế trong xã hội ngày càng tăng lên, trung tâm thường xuyên đón nhận hàng trăm người thuộc nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Tình nguyện viên của nhóm thiện nguyện “Trái tim cao nguyên” đút từng muỗng cơm cho trẻ em nghèo
Tình nguyện viên của nhóm thiện nguyện “Trái tim cao nguyên” đút từng muỗng cơm cho trẻ em nghèo


Các mẹ, các dì ở Trung tâm kể rằng, cũng có nhiều trường hợp các cụ già, người tâm thần, trẻ em được gia đình đón về, nhưng sau vì nhiều lý do đã xin quay trở lại mái trường thân yêu này. Ở đây, các cụ ông, cụ bà được quan tâm chăm sóc sức khoẻ, phục vụ chu đáo, được sinh hoạt văn hoá - văn nghệ - tập thể dục dưỡng sinh; người tàn tật được chăm sóc đặc biệt về dinh dưỡng, được uống thuốc, điều trị kịp thời theo phác đồ điều trị của y, bác sỹ; trẻ em được đi học, đến trường như bao đứa trẻ khác, ngoài giờ học chính trên lớp, các em còn được học thêm các lớp vẽ, đan, thêu và học các kỹ năng sống tại Trung tâm. Riêng các bé sơ sinh được ưu tiên đặc biệt, có bảo mẫu chăm sóc, nuôi dưỡng hàng ngày, cố gắng bù đắp, dành tình cảm yêu thương cho các bé. Không dừng lại ở việc chăm sóc, giáo dục, đa số các em đến tuổi trưởng thành nếu không học tiếp cao đẳng, đại học thì Trung tâm cũng sẽ tạo điều kiện cho các em được học nghề và tạo việc làm, thu nhập cho các em sau khi tốt nghiệp. Nhiều em ra trường, có việc làm, lập gia đình và trở thành những công dân tốt trong cộng đồng. Có em trở về địa phương, có em lập nghiệp và thành danh tại các thành phố lớn.

Trung tâm còn tiếp nhận hàng chục người cao tuổi cô đơn thuộc gia đình nghèo, người cao tuổi già yếu không có con, cháu để nương tựa thuộc gia đình nghèo thuộc diện đặc biệt khó khăn không tự lo được cuộc sống; người tàn tật không có khả năng lao động thuộc gia đình nghèo; người mắc bệnh tâm thần thuộc các loại tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần thuộc diện gia đình nghèo; các đối tượng xã hội cần bảo vệ khẩn cấp; nạn nhân bị bạo lực gia đình, nạn nhân bị xâm hại tình dục, nạn nhân bị buôn bán, nạn nhân bị cưỡng bức lao động; người lang thang xin ăn và các đối tượng khác trên địa bàn toàn tỉnh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định. Hiện nay, Trung tâm đang tiếp nhận nuôi dưỡng và giáo dục 101 đối tượng, trong đó có 29 người tâm thần và 48 trẻ em mồ côi, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Ông Trần Quyết Thắng, Giám đốc Trung tâm BTXH tỉnh Lâm đồng cho biết: “Trong thời gian qua, với sự nỗ lực, nhiệt tình, trách nhiệm của tập thể công chức, viên chức và người lao động tại Trung tâm, cùng với chính sách của Nhà nước qui định, công tác tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng và giáo dục đối tượng tại Trung tâm BTXH Lâm Đồng được thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, việc chăm sóc đối tượng tàn tật và tâm thần tại Trung tâm gặp nhiều khó khăn do Trung tâm không có đủ đội ngũ y, bác sĩ chuyên khoa. Công tác nuôi dưỡng, chăm sóc sức khoẻ cho đối tượng tại Trung tâm là hết sức quan trọng. Trong thời gian qua, ngoài các chế độ của nhà nước, Trung tâm đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà hảo tâm về tiền bạc, quần áo và các vật dụng khác; nhiều đoàn công tác xã hội, nhiều mạnh thường quân đã đến thăm hỏi, động viên, tặng quà và trực tiếp nấu ăn cho đối tượng, thể hiện đạo lý nhân văn của dân tộc. Hàng năm, Công ty Xổ số kiến thiết Lâm Đồng và nhiều doanh nghiệp khác đã dành hàng trăm triệu đồng hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn khiến thầy trò trong Trung tâm chúng tôi rất cảm kích”.

Có thể nói, sau chặng đường 20 năm, Trung tâm BTXH Lâm Đồng đã có nhiều bước tiến vượt bậc. Tỉnh đã quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất ngày càng khang trang, hiện đại, tạo được chỗ ở mới sạch đẹp, hợp vệ sinh phục vụ các đối tượng yếu thế trong xã hội. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được chuẩn hoá về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; có tâm huyết với nghề, gần gũi yêu thương chăm sóc tận tình chu đáo cho đối tượng như người thân của mình; người tàn tật và người tâm thần luôn được chăm sóc thường xuyên với chế độ đặc biệt. Chất lượng bữa ăn cho đối tượng ngày càng được cải thiện; sức khoẻ các cụ ngày càng tốt hơn, tuổi thọ các cụ cũng được kéo dài; trẻ em học tập ngày càng tiến bộ; chỉ tính riêng 5 năm gần đầy (2008 - 2012) đã có 15 cháu thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tại tỉnh và các trường trong khu vực; đã có nhiều thế hệ các cháu ra trường, tìm được việc làm ổn định nuôi sống được bản thân và phụ giúp gia đình, trở thành những công dân có ích.

NGUYỆT THU