Nâng cao đời sống cho người dân để xây dựng nông thôn mới

02:04, 18/04/2013

Là một huyện thuần nông với điều kiện kinh tế, xã hội không có gì nổi bật so với các địa phương khác trong tỉnh. Bước vào triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) với xuất phát điểm thấp, thế nhưng qua hơn 2 năm triển khai xây dựng NTM, Đơn Dương đã có những bước đột phá thành công đáng ghi nhận...

Là một huyện thuần nông với điều kiện kinh tế, xã hội không có gì nổi bật so với các địa phương khác trong tỉnh. Bước vào triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) với xuất phát điểm thấp, thế nhưng qua hơn 2 năm triển khai xây dựng NTM, Đơn Dương đã có những bước đột phá thành công đáng ghi nhận. Một trong những yếu tố làm nên thành công bước đầu trong xây dựng NTM ở Đơn Dương là phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân để từ đó họ có điều kiện nhiệt tình tham gia đóng góp vào Chương trình xây dựng NTM trên quê hương mình.

Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM Trung ương tham quan mô hình nông nghiệp theo hướng công nghệ cao tại Đơn Dương
Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM Trung ương tham quan mô hình nông nghiệp theo hướng công nghệ cao tại Đơn Dương


Hiện nay, tất cả 8/8 xã của huyện Đơn Dương đang tiến hành triển khai Chương trình xây dựng NTM, trong đó có 1 xã điểm của tỉnh và 5 xã điểm của huyện. Tính đến nay có 4 xã của huyện đạt từ 12 – 17 tiêu chí xây dựng NTM, các xã còn lại cũng đã đạt từ 5 tiêu chí trở lên. Trong đó đáng lưu ý là có những xã đang tiềm cận đến xã NTM và sẽ hoàn thành 19/19 tiêu chí trong năm 2013 này đó là xã Quảng Lập và xã Lạc Lâm. Mục tiêu của huyện Đơn Dương là đến năm 2015 có 5 xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM và các xã còn lại sẽ hoàn thành vào năm 2020.

Thế nhưng địa phương xác định, xây dựng NTM mới không phải là việc chỉ chăm chú vào xây dựng, hoàn thành các chỉ tiêu, chạy theo thành tích mà đích đến cuối cùng của xây dựng NTM là đem đến cuộc sống mới cho người dân nông thôn. Để cuộc sống người dân ngày một nâng lên, hơn 2 năm vừa qua, Đơn Dương đã đẩy nhanh việc thực hiện công tác chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi và phát triển nông nghiệp công nghệ cao cho người dân. Từ đó, người dân đã áp dụng sản xuất và nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình xây dựng NTM đã giúp cho nhiều hộ gia đình mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đầu tư vật tư, thiết bị để làm nông nghiệp theo hướng công nghệ cao như trồng hoa cát tường, ớt ngọt trong nhà kính, hay chuyển từ trồng rau sang trồng hoa hướng dương lấy hạt của nông dân xã Lạc Lâm; trồng hoa hồng môn, hoa đồng tiền trong nhà lưới của nông dân xã Lạc Xuân… Theo thống kê của huyện Đơn Dương đến nay, thu nhập bình quân của người dân đạt khoảng 120 triệu đồng/ha/năm, đặc biệt có những mô hình sản xuất đạt từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng/hecta/năm. Hàng năm, huyện Đơn Dương cũng đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, triển khai các mô hình trình diễn trong trồng trọt, chăn nuôi để người dân tham gia học tập ứng dụng. Cụ thể, trong năm 2012 vừa qua, huyện Đơn Dương đã tổ chức được 17 lớp dạy nghề trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và sửa chữa máy nông nghiệp cho hơn 500 học viên là lao động nông thôn tại địa phương tham gia. Các địa phương trong huyện cũng đã chủ động lồng ghép các chương trình, dự án để người dân tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất. Để có sức mạnh đoàn kết, có tiếng nói chung cũng như có điều kiện giúp nhau trong sản xuất nông nghiệp, hiện nay toàn huyện Đơn Dương đã thành lập được 7 hợp tác xã và 12 tổ hợp tác hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nhìn chung, qua hơn 2 năm triển khai xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn của huyện Đơn Dương đã có nhiều khởi sắc rõ nét. Đặc biệt là đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Về Đơn Dương hôm nay chúng ta dễ nhìn thấy những luống rau xanh ngắt trong những khu nhà kính hiện đại, những ngôi nhà khang trang không ngừng được mọc lên. Đi đâu chúng ta cũng thấy một không khí thi đua sôi nổi phát triển sản xuất nâng cao đời sống để chung tay xây dựng NTM. Ông Nguyễn Văn Tuyến - thôn Quỳnh Châu Đông, xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương cho biết: “Chúng tôi thực sự đã “đổi đời” nhờ xây dựng NTM. Gia đình tôi làm nông bao nhiêu năm nay nhưng vẫn không khấm khá lên được là bao. Từ khi có Chương trình xây dựng NTM, được sự hướng dẫn hỗ trợ của cán bộ địa phương, chúng tôi đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng và làm nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Bây giờ thì đã có của ăn của để không lo thất bát như xưa nữa”.

Khi đời sống người dân được nâng lên thì việc huy động nguồn lực tại chỗ để xây dựng NTM cũng thuận lợi hơn. Chỉ tính riêng năm 2012 vừa qua, nhân dân các xã trong huyện Đơn Dương đã đóng góp được gần 30 tỉ đồng và hàng chục ngàn ngày công lao động để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn mới tại địa phương. Ông Đinh Ngọc Hùng - Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương cho biết: “Chúng tôi xác định xây dựng NTM phải dựa vào nội lực của người dân địa phương là chính. Vì thế, phát triển sản xuất nâng cao đời sống cho người dân là một việc làm quan trọng để tạo nguồn lực tại chỗ vững mạnh cho Chương trình xây dựng NTM tại địa phương”.

DUY NGUYỄN