Người cựu tù mổ bụng nơi “địa ngục trần gian”

03:04, 21/04/2013

Về phường Lộc Phát (TP Bảo Lộc) vào một ngày giữa tháng 4 hào hùng của dân tộc, được gặp và trò truyện cùng ông Nguyễn Văn Bảy, chúng tôi hiểu thêm về ý chí kiên cường, tinh thần “thép” của người chiến sĩ cách mạng và những câu chuyện từ chốn “địa ngục trần gian”, nhà tù Phú Quốc.

Về phường Lộc Phát (TP Bảo Lộc) vào một ngày giữa tháng 4 hào hùng của dân tộc, được gặp và trò truyện cùng ông Nguyễn Văn Bảy, chúng tôi hiểu thêm về ý chí kiên cường, tinh thần “thép” của người chiến sĩ cách mạng và những câu chuyện từ chốn “địa ngục trần gian”, nhà tù Phú Quốc.

Hồi ức người cựu tù Phú Quốc

Bàn tay ông Bảy không còn lành lặn, do bị địch tra tấn
Bàn tay ông Bảy không còn lành lặn, do bị địch tra tấn

Xen lẫn giữa những căn nhà cao tầng khang trang, ngôi nhà của thương binh ¼ Nguyễn Văn Bảy (Tổ 18, phường Lộc Phát) nằm hài hoà ven con đường nhựa trải dài thẳng tắp. Bên chén trà thân tình, ông thong thả kể về cuộc đời quân ngũ của mình. Sinh năm 1946 trong một gia đình nông dân nghèo tại miền đất Đại Lộc (Quảng Nam), năm 18 tuổi, theo tiếng gọi Tổ quốc, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Bảy lên đường nhập ngũ, trực tiếp chiến đấu, bảo vệ quê hương. Nơi chiến sự vô cùng ác liệt, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh, ông đã cùng đồng đội trải qua nhiều trận đánh lớn, nhỏ, lập được nhiều chiến công và mang trên mình không ít thương tích.

Năm 1970, trong một trận đánh ác liệt, không may ông bị địch bắt, giam cầm và tra tấn dã man qua nhiều nhà tù khác nhau. Bao lần chết đi sống lại, ông vẫn giữ vững khí tiết, không hề hé răng nửa lời. Biết không thể khai khác gì thêm, địch chuyển ông ra đảo Phú Quốc - nơi chỉ dành cho những nhà cách mạng yêu nước, một “địa ngục trần gian” ở trên đời. Địch đưa ông vào khu B2. Tại đây, ông cùng đồng đội trải qua những giờ phút sinh tử trước những đòn tra tấn dã man của kẻ thù. “Chúng tra tấn tôi bằng dùi cui, đánh bằng roi cá đuối, dùng roi điện móc vào hai tay để quay điện, đổ nước xà phòng vào mũi, nhốt vào thùng phi. Sau đó, chúng cầm dùi cui đập vào thùng phi, máu miệng, máu mũi theo đó trào ra. Và, nhiều hình thức tra tấn tàn ác không kể ra hết được…” - Ông Bảy bùi ngùi nhớ lại.

Ba năm ở nhà tù Phú Quốc, cuộc đời ông Bảy chuyển sang một trang mới. Cuộc sống khắc nghiệt của chế độ nhà tù Mỹ – Ngụy không đè bẹp được ý chí chiến đấu của ông và các chiến sĩ cách mạng. Để chiến đấu với quân địch và tay sai trong nhà tù Phú Quốc, các chiến sĩ trong tù đã thành lập nên tổ chức Đảng, Đoàn nhằm khởi xướng việc đấu tranh trong tù và bí mật đào hầm vượt ngục. Đôi mắt trầm ngâm nhớ về quá khứ, ông Bảy kể: “Tôi lúc đó làm Phó Bí thư của nhà lao. Mặc dù không tham gia vượt ngục, nhưng tôi đã trực tiếp phân công chỉ đạo đào hầm, do thanh niên thực hiện. Cuộc vượt ngục thành công. Địch phát hiện ra đường hầm, nên tra tấn các chiến sĩ cách mạng còn lại trong tù một cách dã man”.

Một số đồng chí bị địch đưa đi làm tạp dịch bên ngoài, cai tù thường lấy chuyện đánh người làm trò vui. Tất cả tù binh đều bị đánh phủ đầu bằng trận mưa ma trắc (dùi cui) và roi cá đuối. Chiếc đuôi cá trông mảnh mai như thế mà quất vào người sẽ kéo da thịt lòi ra ngoài và vết thương hằng tháng mới kéo miệng. Trước tình hình đó, những người lãnh đạo chi bộ Đảng trong tù đã tổ chức đấu tranh, bảo vệ đồng đội của mình nhưng bị địch đàn áp dữ dội. Một phương án hết sức táo bạo được đưa ra: Mổ bụng, tổ chức tuyệt thực tập thể đòi yêu sách. Ông Bảy cùng hai đồng chí khác xung phong nhận trách nhiệm thực hiện việc khó khăn nhất là mổ bụng. “Chúng tôi dùng kẽm gai đập, mài nhọn thành lưỡi dao mỏng. Trong tù có các y bác sĩ của ta, họ hướng dẫn cách mổ, cầm mũi dao để khi thực hiện không bị thủng ruột bên trong. Uy hiếp địch, buộc chúng phải nhân nhượng những yêu sách của ta, nhưng vẫn bảo vệ tính mạng các đồng chí của mình. Sau 5 ngày, thấy tình hình căng thẳng, địch buộc phải chấp nhận yêu sách của ta, cứu chữa tôi và 2 đồng chí khác” - Ông Bảy nhớ lại.

“Tàn” nhưng không “phế”

Mãi đến sau Hiệp định Pari, ông Nguyễn Văn Bảy mới được trả tự do trong đợt trao trả tù binh bên bờ sông Thạch Hãn (vào tháng 2/1973). Ra tù, ông trở về quê hương, lập gia đình. Ông làm Công an xã, làm cán bộ hợp tác xã nông nghiệp cho đến năm 1989. Năm 1993, thấy điều kiện khó khăn, gia đình ông chuyển vào Lộc Phát lập nghiệp, chỉ với hai bàn tay trắng. Vợ ông là bà Dương Thị Mỹ - một phụ nữ Quảng Nam hiền lành, là em gái người đồng đội liệt sĩ cùng đơn vị với ông. Bà đã cùng ông chịu đựng những ngày gian khó để nuôi dạy các con nên người và chăm sóc ông những lúc “trái gió, trở trời” do vết thương hành hạ. “Những năm đầu cuộc sống vô cùng khó khăn, dân cư thưa thớt, vợ chồng tôi phải đi làm thuê, cuốc mướn để mưu sinh. Cái ăn, cái mặc hàng ngày là nỗi lo thường trực của 2 vợ chồng” - Bà Dương Thị Mỹ tâm sự.

Anh em Hội Cựu chiến binh Bảo Lộc thấy hoàn cảnh ông khó khăn, nên cho miếng đất ở trong rừng làm kinh tế. Sau nhiều năm nỗ lực, phấn đấu, cùng với sự giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể, anh em và bạn bè, đến nay gia đình ông đã có 3 ha cà phê đang cho thu hoạch, một căn nhà khang trang, 3 người con đều đã trưởng thành, lập gia đình và thành đạt. Từng là người làm kinh tế giỏi, gương mẫu của địa phương, nhưng gần đây ông thôi không làm kinh tế nữa mà ở nhà vui thú điền viên. Lý giải điều này, ông cho biết: “Do đã có tuổi, sức khoẻ yếu, con cái lại làm ăn xa, nên vừa qua tôi đã bán đất, không làm vườn nữa. Thời gian rảnh, chủ yếu tôi làm công tác cho phường, Hội Cựu chiến binh…”.

Chiến tranh trôi qua đã gần 40 năm, trên tường nhà ông treo đầy các bằng khen, huân huy chương kháng chiến. Thế nhưng, cuộc sống của ông vẫn chưa thực sự được thanh thản, vì nhiều đồng đội vẫn còn nằm rải rác đâu đó trên các chiến trường xưa. Chúng tôi muốn kết thúc những ghi chép vội vàng nhưng đầy cảm xúc của mình bằng những chia sẻ của ông Bảy: “Trong chiến tranh giữa cái sống và cái chết không có ranh giới. Chỉ có lòng yêu nước quả cảm và ý chí căm thù giặc, là liều thuốc tinh thần giúp ta vượt lên giành chiến thắng trước kẻ thù tàn bạo”.

ĐÌNH VĂN