Người phụ nữ khuyết tật có tấm lòng nhân hậu

02:04, 18/04/2013

Mười lăm năm trở lại đây, hoạt động từ thiện ở huyện Đức Trọng không ngừng phát triển, thu hút sự quan tâm của đông đảo bà con trong vùng.

Mười lăm năm trở lại đây, hoạt động từ thiện ở huyện Đức Trọng không ngừng phát triển, thu hút sự quan tâm của đông đảo bà con trong vùng. Nổi bật trong vườn hoa nhân ái đáng quý ấy là một phụ nữ độ tuổi trung niên, thường ngày đều đặn di chuyển trên chiếc xe gắn máy ba bánh, đến cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật tại địa phương để ân cần hướng dẫn từng đường kim mũi chỉ, đào tạo thợ lành nghề cho hội viên đủ khả năng tự lập cuộc sống. Đó là chị Quảng Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Đức Trọng.

Chị Thạch tại cơ sở thêu đan của gia đình
Chị Thạch tại cơ sở thêu đan của gia đình


Sinh năm 1961 tại thị trấn Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng) trong một gia đình dân tộc thiểu số phía Bắc vào định cư ở miền đất đỏ bazan cao nguyên, Quảng Ngọc Thạch không được may mắn như bao đứa trẻ khác - vừa chào đời, đôi chân đã bị dị tật bẩm sinh. Thế là tuổi thơ của chị ngậm ngùi trôi qua theo dòng chảy u buồn cùng thời gian – lặng lẽ, âm thầm và dường như khép kín trong căn nhà đơn sơ, chỉ sưởi ấm bằng trái tim, vòng tay chan chứa yêu thương của cha mẹ. May thay, ông trời thương cảm đã bù đắp đôi chân không lành lặn, cho em một nghị lực hiếm có, không chịu lùi bước trước số phận, luyện tập miệt mài, chập chững tập đi trong nhà, cho dù cẳng chân, bắp đùi đau buốt.

Đến tuổi đi học, ngày ngày ngước mắt ra cửa sổ thấy bạn bè cùng trang lứa nô nức cắp sách ngang qua nhà, dẫu biết mọi khó khăn sẽ đè nặng lên đôi lưng gầy gò của cha mẹ do không thể tự mình đi xa, nhưng khát khao cái chữ vẫn thôi thúc cô bé nằng nặc xin được tới trường làng. Thương con vô bờ, gác mọi truân chuyên vất vả, cha mẹ em cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý, thay nhau đưa con đến lớp với hy vọng một ngày nào đó Thạch sẽ đứng vững trên đôi chân tật nguyền của chính mình. Không phụ lòng đấng sinh thành, thêm vào đó là được thầy cô, bạn bè động viên khích lệ, ở lớp, Thạch chăm chú nghe giảng, về nhà chăm chỉ ôn bài, lần lượt theo học và tốt nghiệp THPT. Thời kỳ đất nước mới giải phóng, đời sống kinh tế gia đình khó khăn, cô bé Ngọc Thạch tham khảo ý kiến cha mẹ rồi quyết định học nghề thêu đan ngay tại quê nhà. Sau một năm tiếp cận công việc, khá thành thạo với những sản phẩm đơn giản, Thạch tiếp tục về thành phố Hồ Chí Minh tìm chỗ học nâng cao nhằm hoàn thiện tay nghề, hy vọng sau này giúp đỡ anh chị em cùng cảnh ngộ khi có điều kiện.

Trở về địa phương, Quảng Ngọc Thạch được gia đình chu cấp ít vốn liếng nho nhỏ, mở cơ sở kinh doanh thêu đan, khi phát triển ổn định sản phẩm, chị tìm đến nhiều địa chỉ lân cận có người khuyết tật, thu nhận vào cơ sở dạy nghề miễn phí, hỗ trợ ăn uống, trên tinh thần tương thân tương ái như người ruột thịt. Do số lượng tăng nhanh, năm 2008, Thạch cùng chị Đèo Nàng Quynh, Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đều là người khuyết tật) xin cơ quan chức năng cho phép thành lập Hợp tác xã (HTX) Vươn Lên, với mục đích tạo cơ hội học nghề, mở rộng giao lưu, qua đó khích lệ, động viên người khuyết tật, phấn đấu trở thành những công dân có ích cho xã hội. Tiếng lành đồn xa, HTX Vươn Lên ngày càng có nhiều cảnh đời bất hạnh đến hội tụ, được cô gái cùng cảnh ngộ giàu lòng nhân ái bao dung giúp đỡ tận tình, đủ khả năng hoạt động kinh doanh, tự lập, ổn định đời sống. Do có nhiều thành tích xuất sắc trong hoạt động chăm lo người khuyết tật, Quảng Ngọc Thạch được các cấp, các ngành nhiều lần biểu dương khen thưởng và chọn đi báo cáo điển hình vượt khó vươn lên, tâm huyết hoạt động từ thiện tại các hội nghị chuyên đề của huyện, tỉnh và toàn quốc.

NGUYỄN TIẾN ĐẠT