NHCSXH đã thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm của một kênh tín dụng chính sách

04:04, 07/04/2013

Hình thành không vì mục tiêu lợi nhuận, qua 10 năm xây dựng và phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội Lâm Đồng đã thực hiện nhiều nội dung hoạt động hướng về các đối tượng chính sách.

Hình thành không vì mục tiêu lợi nhuận, qua 10 năm xây dựng và phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội Lâm Đồng đã thực hiện nhiều nội dung hoạt động hướng về các đối tượng chính sách. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Xuân Tiến -  Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh về vai trò của NHCSXH trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
                            
PV: Qua 10 năm hoạt động của NHCSXH, xin ông cho biết những đánh giá về đóng góp của NHCSXH tỉnh Lâm Đồng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương?

* Đ/c Nguyễn Xuân Tiến: Trong những năm qua, cùng với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhiều chính sách giảm nghèo, ổn định an sinh xã hội đã được triển khai đồng bộ. Nước ta đã đạt được những kết quả ấn tượng về giảm nghèo, cải thiện đáng kể về chất lượng cuộc sống cho người dân. Những thành tựu đó đã được các tầng lớp nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.  

Tại Lâm Đồng, chính sách phát triển kinh tế gắn với giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống cho nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm, coi đây là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Tuy thành lập muộn hơn các ngân hàng khác nhưng hoạt động của NHCSXH có đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương, góp phần ổn định và phát triển cho nông thôn và nông dân Lâm Đồng; đồng thời có tác động tới các chính sách về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua 10 năm triển khai thực hiện, với quy mô tín dụng chính sách ngày càng được mở rộng, mô hình tổ chức của NHCSXH từng bước được hoàn thiện, phương thức quản lý phù hợp với từng giai đoạn, từng yêu cầu nhiệm vụ và đã thể hiện rõ nét mục đích hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, mà vì an sinh xã hội. Cùng với cách thức phục vụ đặc thù và không ngừng đổi mới đã mang dịch vụ công đến tận cơ sở thông qua giao dịch lưu động tại xã; NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đã chuyển tải nguồn vốn trên 3.800 tỷ đồng của 9 chương trình tín dụng chính sách đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong tỉnh được vay vốn. Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi này đã giúp hơn 28.000 hộ thoát nghèo; tạo việc làm và tăng thêm việc làm cho hơn 163.000 lao động... Kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Lâm Đồng từ 22,72% năm 2005 xuống còn 6,31% vào cuối năm 2012 có đóng góp rất quan trọng của NHCSXH tỉnh Lâm Đồng.

Những kết quả đạt được của NHCSXH tỉnh Lâm Đồng sau 10 năm hoạt động cho thấy tính hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội của tín dụng chính sách trong việc thực hiện phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và cải thiện đời sống cho người dân. Đặc biệt, thông qua chính sách tín dụng “có vay có trả” đã giúp một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số chuyển biến nhận thức, tập quán làm ăn, vươn lên tự thoát nghèo. Đây thật sự là kênh tín dụng ưu đãi lớn nhất đáp ứng toàn diện các nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ngân hàng Chính sách xã hội đã trở thành một trong những công cụ cần thiết và quan trọng của cấp uỷ, chính quyền địa phương nhằm thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

PV: Xin Chủ tịch cho biết về những định hướng của tỉnh Lâm Đồng trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trong thời gian tới?

* Đ/c Nguyễn Xuân Tiến: Với mục tiêu đưa Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững, trong những năm tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế với tốc độ cao, chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và cơ cấu đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đồng thời tiếp tục xem công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới là ưu tiên hàng đầu trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh giai đoạn 2011 - 2020. Định hướng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh đến năm 2015 là phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 2%, trong đó giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số xuống dưới 8%; tạo việc làm hàng năm cho 3 vạn lao động, đào tạo nghề cho 2,5 vạn lao động… Để đạt được mục tiêu trên, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành, trong đó kênh tín dụng ưu đãi thông qua NHCSXH là một trong những công cụ quan trọng không chỉ trong những năm tới mà là cả một quá trình lâu dài nhằm thực hiện giảm nghèo thực chất, bền vững.

PV: Để thực hiện tốt những định hướng trên, theo ông, NHCSXH cần thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm gì trong giai đoạn phát triển mới?

* Đ/c Nguyễn Xuân Tiến: Trong những năm tới, NHCSXH cần bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội và chương trình mục tiêu giảm nghèo của tỉnh để đề ra kế hoạch và phương hướng hợp lý, trong đó tập trung ưu tiên các nguồn vốn để tiếp tục đầu tư cho huyện nghèo, các xã nghèo, thôn nghèo, các xã xây dựng nông thôn mới và chương trình nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh. Đa dạng hoá việc huy động nguồn lực cho giảm nghèo; chú trọng đầu tư vốn các chương trình tín dụng chính sách một cách hợp lý; phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội. Tiếp tục củng cố, kiện toàn mô hình và mạng lưới hoạt động từ tỉnh đến cơ sở, gắn việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách với các chính sách an sinh xã hội khác để tạo sự chuyển biến mới trong công tác giảm nghèo. Bên cạnh đó, cần tổ chức tốt hơn nữa các hoạt động thông tin tuyên truyền về tín dụng chính sách thông qua các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao quan điểm nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, các ngành, các đoàn thể xã hội về một chủ trương và mô hình đúng đắn, một địa chỉ tin cậy của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

PV: Xin chân thành cảm ơn những nội dung mà Chủ tịch đã cùng trao đổi!

Hải Yến (thực hiện)