Phòng cháy và chữa cháy: Cần sự chung sức của toàn xã hội

03:04, 21/04/2013

Tại Lâm Đồng, sau khi Luật Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) có hiệu lực (ngày 4/10/2001), UBND tỉnh đã có hội nghị triển khai nội dung Luật cho các cơ quan, ban, ngành và địa phương...

Tại Lâm Đồng, sau khi Luật Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) có hiệu lực (ngày 4/10/2001), UBND tỉnh đã có hội nghị triển khai nội dung Luật cho các cơ quan, ban, ngành và địa phương. Ngoài việc tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, nhân dân học tập và thực hiện Luật PCCC và các văn bản pháp quy về PCCC, tỉnh cũng đã chỉ đạo tăng cường các biện pháp PCCC như thành lập Ban chỉ đạo PCCC trực thuộc các UBND huyện, thị xã, thành phố, các ngành, các cơ quan đơn vị...; phối hợp với cảnh sát PCCC để chỉ đạo chữa cháy và chi viện lực lượng, phương tiện để chữa cháy, làm tốt nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Lực lượng PCCC chuyên nghiệp luôn sẵn sàng ứng phó với “giặc lửa”
Lực lượng PCCC chuyên nghiệp luôn sẵn sàng ứng phó với “giặc lửa”


Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh ta có 1.244 cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao trong diện được quản lý nhà nước về PCCC, trong đó có 436 cơ sở nguy hiểm cháy nổ loại I, 359 cơ sở nguy hiểm cháy nổ loại II và 449 cơ sở nguy hiểm cháy nổ loại III. Từ thời điểm Luật PCCC có hiệu lực đến nay, công tác PCCC đã được các ngành chủ quản đặc biệt quan tâm chỉ đạo phòng ngừa và huấn luyện nghiệp vụ. Cảnh sát PCCC đã tổ chức hàng chục ngàn lượt kiểm tra và lập biên bản kiến nghị đối với các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, tổ chức thẩm duyệt về PCCC cho hàng ngàn hồ sơ thiết kế xây dựng công trình. Chỉ tính riêng năm 2012, lực lượng Cảnh sát PCCC đã tiến hành kiểm tra 2.767 lượt cơ sở, phát hiện 3.488 thiếu sót, vi phạm về PCCC, trong đó có đến 874 thiếu sót thuộc về trách nhiệm của người đứng đầu, 756 thiếu sót về hồ sơ PCCC, 632 thiếu sót về phương tiện chữa cháy… Qua kiểm tra, rà soát, cơ quan chức năng đã bổ sung 1.751 hồ sơ cơ sở, lập mới 102 hồ sơ quản lý trong lĩnh vực PCCC.

Cũng từ sau Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực, địa phương đã đầu tư kinh phí trên 110 tỷ đồng cho hoạt động PCCC. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 1 đơn vị được trang bị 2 xe chữa cháy, 15 đơn vị có hệ thống chữa cháy tự động, 284 có trang bị hệ thống báo cháy tự động. UBND tỉnh và Bộ Công an cũng đã cấp cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp 9 xe chữa cháy, 2 xe chuyên dùng và nhiều thiết bị khác. Từ năm 2002 đến nay, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đã trực tiếp cứu chữa 203 vụ cháy, với 691 lượt xe chữa cháy. 100% số vụ cháy do lực lượng cảnh sát PCCC trực tiếp cứu chữa đều đạt yêu cầu, trong đó có trên 80% số vụ cháy được đánh giá là khá, góp phần không để xảy ra cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.      

Một trong những nguyên tắc cơ bản về PCCC là huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy. Với phương châm phòng ngừa là chính, những năm qua, đặc biệt là sau khi Luật PCCC có hiệu lực thi hành, lực lượng cảnh sát PCCC đã thường xuyên tăng cường lực lượng về cơ sở để hướng dẫn, kiểm tra hoạt động PCCC. Từ năm 2002 đến nay, lực lượng cảnh sát PCCC đã mở được 152 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC và cấp giấy chứng nhận huấn luyện theo quy định cho hơn 12.272 học viên là lực lượng dân phòng và lực lượng chữa cháy cơ sở. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập và duy trì hoạt động 2.954 đội PCCC dân phòng và cơ sở, với hơn 28.300 đội viên. Trong đó, địa bàn xã, phường, thị trấn có 1.634 đội với 16.000 đội viên; khối cơ quan, doanh nghiệp có 1.320 đội với 12.300 đội viên. So với giai đoạn trước khi Luật PCCC có hiệu lực, số lượng đội PCCC trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã tăng 784 đội và 10.900 đội viên. Lực lượng chữa cháy bán chuyên nghiệp của các cơ quan, đơn vị và lực lượng PCCC dân phòng đã được huấn luyện nghiệp vụ PCCC, có trang thiết bị chữa cháy tại chỗ đã trở thành lực lượng quan trọng trong tham gia cứu chữa ban đầu các vụ cháy, đặc biệt là các vụ cháy cách xa các đội chữa cháy chuyên nghiệp. Thực tế cho thấy, lực lượng PCCC bán chuyên nghiệp đã tham gia chữa cháy trên 80% các vụ cháy xảy ra trên địa bàn tỉnh. Có thể nói, thông qua công tác tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC kết hợp với các mặt công tác kiểm tra, hướng dẫn an toàn PCCC, quản lý vật liệu cháy nổ, thẩm duyệt thiết kế, thiết bị an toàn PCCC nên thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, ý thức chấp hành Luật PCCC của các cơ quan, tổ chức và cá nhân đã được nâng lên một bước, nhờ đó đã tạo được chuyển biến tốt trong công tác phòng ngừa cháy nổ trên địa bàn.

Có thể khẳng định, sau khi Luật PCCC có hiệu lực, công tác phòng ngừa và chữa cháy đã có những chuyển biến quan trọng, thu hút được sự tham gia của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật PCCC cũng như các văn bản pháp quy liên quan chưa được tiến hành sâu rộng trong quần chúng nhân dân; do đó, ý thức PCCC của một bộ phận quần chúng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... chưa được nâng cao.

Cháy nổ luôn là nguy cơ đối với bất kỳ cơ quan, đơn vị, cá nhân và bất cứ hoàn cảnh nào nếu chúng ta lơ là. Vì vậy, công tác PCCC cần có sự chung sức của toàn xã hội; các cơ quan, đơn vị, phường, xã cần thấy rõ công tác PCCC là quyền lợi, đồng thời là trách nhiệm và nghĩa vụ nhằm ngăn ngừa, hạn chế những thiệt hại không đáng có do cháy nổ gây ra.

Thượng tá HOÀNG CÔNG THẠO  
Trưởng phòng Cảnh sát PC66 (CA Lâm Đồng)