Ngành giáo dục - đào tạo Lâm Đồng đã quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học, đảm bảo về số lượng và chất lượng, có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, đủ năng lực tạo ra những chuyển biến tích cực, tiến bộ về chất lượng giáo dục.
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 17-NQ/TU của Tỉnh uỷ “về đào tạo, nâng cao và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”, ngành giáo dục - đào tạo Lâm Đồng đã quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học, đảm bảo về số lượng và chất lượng, có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, đủ năng lực tạo ra những chuyển biến tích cực, tiến bộ về chất lượng giáo dục.
Thực tế chứng minh: Đến năm 2012, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn cao so với mặt bằng của toàn quốc. Mầm non đạt chuẩn 94,2% (trên chuẩn 39%), Tiểu học đạt chuẩn 99,5% (trên chuẩn 69,4%), THCS đạt chuẩn 99,8% (trên chuẩn 60,4%), THPT đạt chuẩn 99,9% (trên chuẩn 4,8%), riêng GDTX-TTKHTHHN đạt chuẩn còn thấp 56,1%; giảng viên các trường cao đẳng đạt chuẩn 100%, có trình độ thạc sĩ trở lên đạt 47,9%. Toàn ngành có 3 tiến sĩ, 192 thạc sĩ. Ngành triển khai tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh các trường THPT, các Trung tâm giáo dục thường xuyên để định hướng cho học sinh chọn nghề phù hợp với khả năng và nhu cầu địa phương. Công tác xã hội hoá trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực được chú trọng, khuyến khích các thành phần kinh tế mở cơ sở đào tạo nghề, trường mầm non, phổ thông, trung tâm đào tạo ngoại ngữ, tin học chất lượng cao; áp dụng tối đa các cơ chế, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp đào tạo nghề cho người lao động…
Vấn đề đặt ra đến năm 2015 là ngành giáo dục – đào tạo phải có 100% giáo viên đạt chuẩn, 50% giáo viên mầm non đạt trình độ cao đẳng trở lên, 7% giáo viên THPT đạt trình độ thạc sĩ trở lên. Trên cơ sở đó, phấn đấu xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên các cấp đảm bảo về số lượng, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, đủ năng lực tạo ra những chuyển biến tích cực, tiến bộ về chất lượng giáo dục trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
BÌNH NGUYÊN