Quyết giữ trọn vùng biên hải thân yêu trên Biển Đông

02:04, 24/04/2013

Việt Nam là quốc gia nằm bên bờ tây Biển Đông, với bờ biển dài trên 3.260km. Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, biển đảo luôn gắn với quá trình xây dựng, phát triển của đất nước và con người Việt Nam. Tiếp nối liên tục qua rất nhiều thế hệ, ông cha ta đã đổ biết bao công sức và cả máu xương để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển, hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Việt Nam là quốc gia nằm bên bờ tây Biển Đông, với bờ biển dài trên 3.260km. Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, biển đảo luôn gắn với quá trình xây dựng, phát triển của đất nước và con người Việt Nam. Tiếp nối liên tục qua rất nhiều thế hệ, ông cha ta đã đổ biết bao công sức và cả máu xương để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển, hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thời gian qua và sắp tới, tình hình Biển Đông sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, thế nhưng Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Việc Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Biển Việt Nam là một hoạt động lập pháp bình thường nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của đất nước, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hoà bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Luật Biển Việt Nam đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là sự tiếp nối một số quy định trong các luật đã có trước đây của Việt Nam. Đây không phải là vấn đề mới và không ảnh hưởng tới quá trình tìm giải pháp cơ bản, lâu dài cho các tranh chấp ở Biển Đông.

Việt Nam trước sau như một, chủ trương giải quyết các bất đồng, tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định trong nước, đặc biệt là các khu vực biên giới trên bộ và trên biển để tập trung sức mạnh nhằm nhanh chóng phát triển thực lực tổng hợp của đất nước, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân. Kiên trì giải quyết bất đồng, tranh chấp với Trung Quốc và các nước hữu quan khác về vấn đề Biển Đông. Tăng cường mở rộng quan hệ quốc tế, đặc biệt coi trọng tăng cường sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, hợp tác và phát triển cùng có lợi với Trung Quốc và các nước ASEAN, vì hoà bình, ổn định và hợp tác trong khu vực cũng như quốc tế. Do vậy, Việt Nam sẽ đẩy mạnh công tác đàm phán, phân định biển với các nước láng giềng; tăng cường hợp tác trên biển theo Công ước về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông. Theo đó, các bên tranh chấp liên quan phải có nghĩa vụ cùng nhau gìn giữ hoà bình, ổn định trên Biển Đông, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không có bất cứ hành động nào làm phức tạp thêm tình hình.

Với sự nỗ lực và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, phát huy tinh thần thi đua yêu nước, yêu biển đảo của Tổ quốc, Việt Nam sẽ quyết giữ trọn vùng biên hải thân yêu trên Biển Đông!

BÌNH NGUYÊN