Mấy năm rồi mới có dịp trở lại thăm ngôi trường xã Hải Thượng, tôi thật sự ngỡ ngàng. Không ngờ nay nó đẹp đẽ khang trang thế này.
Mấy năm rồi mới có dịp trở lại thăm ngôi trường xã Hải Thượng, tôi thật sự ngỡ ngàng. Không ngờ nay nó đẹp đẽ khang trang thế này. Thêm một ngôi nhà nữa mới xây lên phía trái toà nhà chính, hình thành cái khung cho sân rộng tráng xi măng, chứng tỏ thời gian qua dù còn khó khăn nhưng địa phương vẫn đầu tư đáng kể cho giáo dục. Ngôi trường này là biểu chứng tấm lòng của một nhà giáo Nhật Bản đối với nhân dân ta.
Trường Trung học cơ sở xã Hải Thượng (2012) |
Câu chuyện khởi đầu với một sự gần như tình cờ. Năm 1997, một nữ học sinh Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn TP.Hồ Chí Minh được chọn tham gia đoàn học sinh ta theo lời mời của Trường Trung học Tennoji nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập trường, sang giao lưu với các bạn cùng lứa tuổi ở thành phố Osaka, Nhật Bản: cháu Lê Châu Anh, một đứa con của xã Hải Thượng. Trong thời gian ở Nhật, đoàn học sinh Việt Nam được ông Yoshida Kiyoshi, Trợ lý Hiệu trưởng Trường Tennoji, đặc biệt quan tâm.
Qua cái vốn tiếng Anh học ở trường, cháu Châu Anh đã tỉ tê trò chuyện với ông bà về con người và đất nước Việt Nam, về cuộc chiến đấu của cô bác quê nội mình, về những mất mát hy sinh mà xã Hải Thượng cũng như cả tỉnh Quảng Trị cháu phải gánh chịu những ngày chiến tranh. Hải Thượng là một trong số những xã được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang sớm nhất ở miền Nam, năm 1967. Nằm dọc quốc lộ 1, cách Thành cổ Quảng Trị chừng 2 cây số theo đường chim bay, nơi đây năm 1972 đã diễn ra chiến sự vô cùng ác liệt, khi hai bên giành giật Thành cổ. Riêng Nghĩa trang Liệt sĩ của xã đã an nghỉ 2.065 anh hùng liệt sĩ đến từ nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có hơn 500 người dân quê xã Hải Thượng. Đó là nghĩa trang do cấp xã quản lý lớn nhất nước ta, và có lẽ trên thế giới cũng chẳng nơi nào có. Con số tổng kết ngay sau khi hoà bình lập lại cho thấy, cứ 10 người dân xã này có một liệt sĩ, nếu tính cả những người qua đời vì bom đạn địch thì cứ 5,6 người dân đã có một người đau đớn bỏ mình vì chiến tranh, bình quân 2,8 người dân có 1 người bị địch bắt giam cầm tù tội ít nhất một lần. Riêng một xã này có tới 46 phụ nữ được Nhà nước tuyên dương Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đến nay 16 Mẹ còn sống… Cảnh đổ nát hoang tàn thì không có lời lẽ nào diễn tả nổi…
Hai vợ chồng nhà giáo Nhật xúc động lắm. Ông tâm sự với cháu, thời ấu thơ bác cũng từng đau khổ vô cùng tận bởi chiến tranh. Riêng gia đình bác có nhiều người thân chết vì bom nguyên tử của Mỹ ném xuống Hiroshima năm 1945. Hai vợ chồng làm nghề dạy học, nay đến tuổi nghỉ hưu, ông bà có tâm nguyện làm một chút gì đó gọi là chia sẻ khó khăn với nhân dân Việt Nam. Hai vợ chồng có dành dụm một số tiền nhỏ, quy ra bằng 100. 000 đôla Mỹ. “Bác muốn dùng toàn bộ số tiền tiết kiệm ấy giúp nhân dân Việt Nam, 80. 000 đô xây một ngôi trường trung học tại xã Hải Thượng, số còn lại góp phần làm vơi bớt đau đớn của các cháu nhỏ nạn nhân chất độc màu da cam.
Nghe con gái về thuật lại, cha mẹ cháu Lê Châu Anh gửi thư mời hai ông bà sang thăm Việt Nam, và đề nghị ông bà những ngày ở thành phố Hồ Chí Minh nghỉ tại nhà riêng của mình cho cháu được gần, như cháu đã từng được ông chăm sóc tại thành phố Osaka.
Hai vợ chồng cùng ba cô con gái đến Việt Nam và đã có một chuyến hành trình xuyên Việt. Ông bà thực sự xúc động khi tận mắt chứng kiến những vùng quê xơ xác, bao mảnh đời cơ cực vì chiến tranh, đặc biệt là các vùng cận kề Thành cổ Quảng Trị và sông Bến Hải bờ Nam vĩ tuyến 17.
Trở về thành phố Osaka, ông Yoshida viết luôn một bức thư gửi chính quyền tỉnh Quảng Trị, bày tỏ tâm nguyện xin được tài trợ xây một ngôi trường trung học tại xã Hải Thượng. Đồng thời ông nhờ chuyển cho tôi một thư riêng bằng tiếng Anh đề nghị giúp đỡ, ít ra là “cho ông một lời khuyên nên làm những gì lúc này”, để nguyện ước của ông bà chóng trở thành hiện thực. (Chả là cháu Lê Châu Anh, có kể cháu có người ông đang tham gia Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, và chắc theo như bên Nhật, hai nhà giáo nghĩ đã làm nghị sĩ hẳn là người khôn ngoan và có thế lực lắm). Thư nêu vấn đề: Số tiền tài trợ là tiền dành dụm của vợ chồng ông, tuyệt nhiên không xin của bất cứ cơ quan, tổ chức nào, ông là chủ và chịu hoàn toàn trách nhiệm. Tuy nhiên, bức thư nói thẳng, qua báo chí ông được biết ở Việt Nam có tệ tham nhũng nặng nề, số tiền nhỏ bé của gia đình ông liệu rồi có bị bớt xén, mất mát đi không khi đưa dùng vào xây dựng?
Được lãnh đạo tỉnh bật đèn xanh, tôi viết thư trả lời người bạn chưa từng gặp. Đúng là ở đất nước tôi đang có tệ tham nhũng, và Nhà nước và nhân dân chúng tôi quyết tâm ngăn chặn, loại trừ. Cá nhân tôi, với tư cách một đứa con của xã Hải Thượng, đồng thời là… là… (cố nén ngượng ngùng tôi phô ra mấy chức mọn), tôi cùng các bạn tôi xin bảo đảm số tiền tài trợ của ông sẽ được sử dụng có hiệu quả, nhất thiết không bị bất kỳ ai tơ hào một xu. Chúng tôi sẽ gửi bản vẽ thiết kế trường sang Osaka cho ông bà xem trước, nếu nhất trí sẽ khởi công xây dựng luôn, tỉnh đã sẵn sàng cấp đất. Số tiền tài trợ ông bà không cần gửi luôn một cục, mà chuyển dần tuỳ thuộc tiến độ thi công, chúng tôi sẽ định kỳ thông báo minh bạch…
Sở dĩ dám bạo miệng vậy, bởi tôi nghĩ đến một người bạn thân, cũng là một đứa con xã Hải Thượng cả đời lăn lộn tại quê hương suốt thời gian chống Pháp và chống Mỹ: anh Lê Văn Hoan. Anh là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời làm Chủ tịch Hội Từ thiện tỉnh - hội của anh có đầy đủ tư cách làm chủ dự án. Khỏi phải nói, “Ông Hoan từ thiện” (tên bà con quen gọi ông) nhiệt liệt tán đồng và hưởng ứng việc nghĩa.
Hai vợ chồng nhà giáo lại bay sang Việt Nam, lần này có cháu Lê Châu Anh nay đang học đại học ở Nhật cùng đi. Ông Yoshida Kiyoshi không cầm được nước mắt khi được mời phát biểu đôi lời với các thầy cô giáo và học sinh tề tựu ở cái sân còn là bãi cát trắng lưa thưa mấy gốc phi lao non nhân ngày khởi công xây dựng trường. Ông kể: Ngày 10-3-1945, tức là chỉ còn năm tháng nữa thôi thì kết thúc Thế chiến thứ hai, ngôi nhà của gia đình ông tại thành phố Hiroshima bị quân đội Mỹ ném bom thiêu rụi, nhiều người thân của ông hy sinh. Chiến tranh qua đi, đất nước bị nước ngoài chiếm đóng, ông nhiều ngày không có hạt cơm vào bụng, phải đi nhặt thức ăn thừa của lính Mỹ sống qua ngày: “Mới lên chín, tôi phải vừa đi học vừa đi bán báo để có cái ăn. Đến tuổi mười lăm mới được vào trung học, ban ngày cắp sách đến trường, đêm đi lao động nuôi thân. Mười tám tuổi, ngày đi làm kiếm sống, đêm theo học dự thính một trường cao đẳng, phải mấy năm sau mới đủ sức thi vào đại học chính quy. Tôi đã phấn đấu đỗ hai bằng đại học chuyên ngành: kinh tế và luật. Tuy nhiên tôi xin được làm nhà giáo, để tiện giúp đỡ các cháu...”. Nén nỗi nghẹn ngào, ông nói tiếp với các em học sinh: “Mong các cháu xã Hải Thượng hãy lạc quan tin tưởng hướng về tương lai. Các cháu hãy nhìn về thế kỷ 21. Hãy vì độc lập, tự do, hạnh phúc của đất nước Việt Nam mà cố gắng học hành cho thành đạt. Nhân dân Việt Nam rất anh hùng. Đất nước Việt Nam nhất định sẽ hùng cường...”.
O. Yoshida Kiyoshi (thứ 2 từ phải) và phu nhân (bìa trái) từ thành phố Osaka lên thủ đô Tokyo mừng Lê Châu Anh (đi giữa hai ông bà) nhận bằng thạc sĩ tại Trường đại học Công nghệ Tokyo, tháng 3-2005 |
Nhà tài trợ không gửi tiền làm nhiều đợt như chúng tôi đề nghị, mà chuyển luôn một cục vào tài khoản của Hội Từ thiện tỉnh. Đích thân Chủ tịch Mặt trận xã được giao trách nhiệm giám sát thi công và quyết toán. Trường xây xong đúng hạn, được nhiều người cho là ngôi trường trung học cơ sở đẹp nhất tỉnh hồi bấy giờ (1998). Bên cạnh cổng chính trước cầu thang dẫn tới các lớp, chính quyền tỉnh cho phép gắn tấm biển đá đề tên người tài trợ Yoshida Kiyoshi. Kỷ niệm 5 năm khánh thành trường, vợ chồng ông Yoshida lại sang Việt Nam, xin được góp một số tiền nhỏ nữa sơn quét lại các bức tường bắt đầu hoen ố bởi nắng mưa...
Phan Quang